Thứ 2, 20/05/2024 06:05:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:41, 09/05/2019 GMT+7

“Diên Hồng” về phát triển vùng kinh tế trọng điểm

Thứ 5, 09/05/2019 | 09:41:00 205 lượt xem
BP - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa chủ trì hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Sự kiện này được đánh giá là “Hội nghị Diên Hồng” nhằm tháo gỡ những “điểm nghẽn” để vùng trọng điểm kinh tế phía Nam tăng tốc.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện gồm 6 tỉnh, thành ở Đông Nam bộ và 2 tỉnh Tiền Giang, Long An, trong đó thành phố Hồ Chí Minh là hạt nhân. Những năm qua, vùng trọng điểm kinh tế phía Nam đã tạo ra sự phát triển năng động và đi đầu cả nước trong nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Năm 2018, vùng kinh tế này đóng góp 45,42% vào GDP, kim ngạch xuất khẩu chiếm 40% tổng giá trị của cả nước; thu nhập bình quân đầu người đạt 5.474 USD (gấp 2 lần so với trung bình của cả nước). Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, mức tăng trưởng kinh tế của vùng đang có dấu hiệu chậm lại. Theo đó, giai đoạn 2011-2012 tăng trưởng kinh tế của vùng cao gấp 1,5 lần, nhưng từ năm 2016 đến nay con số này chỉ ngang mức bình quân cả nước. Bên cạnh đó, sự liên kết vùng còn lỏng lẻo; nhiều tỉnh, thành bứt phá nhanh nhưng vẫn còn không ít địa phương là tỉnh nghèo. Cơ sở hạ tầng về giao thông còn yếu và đang bị xuống cấp, tốc độ thu hút vốn FDI chậm, quy mô vốn FDI ở nhiều tỉnh cũng đang giảm dần...

Trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ nối khu vực miền Đông Nam bộ với các tỉnh Tây Nguyên và Campuchia, những năm qua, Bình Phước đã tạo được những bứt phá về phát triển kinh tế. Đặc biệt, cùng với chính sách thu hút đầu tư, tỉnh đã tập trung xây dựng và hoàn thiện 13 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 4.700 ha. Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 6.800 doanh nghiệp cùng 197 dự án FDI đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh trong năm 2018 đạt 2.240 triệu USD; thu ngân sách 8.276 tỷ đồng... Tuy nhiên, với địa bàn vùng sâu, vùng xa nên Bình Phước còn rất nhiều khó khăn so với các tỉnh, thành trong vùng. Đặc biệt, những khó khăn về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, nguồn nhân lực chất lượng cao... đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hội nhập và phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh so với mặt bằng chung. Các khu, cụm công nghiệp ở Bình Phước tuy đã thu hút nhiều nhà đầu tư nhưng chưa có khu công nghệ cao nên không có các sản phẩm kỹ thuật cao mang giá trị lớn. Các doanh nghiệp chưa đầu tư công nghệ hiện đại, dây chuyền sản xuất lạc hậu và chủ yếu gia công hàng thô nên giá trị kinh tế không cao. Là tỉnh nằm xa sân bay, bến cảng nên cước phí vận chuyển chiếm tỷ lệ khá cao trong cơ cấu sản xuất, ảnh hưởng lớn đến doanh thu của đơn vị... Những khó khăn nêu trên khiến chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) những năm qua của Bình Phước liên tục trong nhóm “đội sổ”. Chỉ số PCI thấp làm tăng sự e ngại đối với các nhà doanh nghiệp khi đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư vào tỉnh...

Vì vậy, ngoài việc đổi mới mô hình tăng trưởng, thay đổi cơ chế... Thủ tướng đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm để tạo bước đột phá cho toàn vùng tăng tốc. Khi giao thông phát triển không chỉ thúc đẩy sự liên kết giữa các địa phương, rút ngắn thời gian, chi phí vận chuyển, giảm giá thành sản xuất... mà còn “mở cửa” thông thương với các vùng, miền trong cả nước. Ngoài ra, cần tăng cường vai trò hạt nhân, đầu tàu của thành phố Hồ Chí Minh để tích cực hỗ trợ các địa phương còn khó khăn trong vùng cùng phát triển.

Tấn Phong

  • Từ khóa
109098

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu