Thứ 2, 20/05/2024 04:54:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:21, 12/03/2019 GMT+7

Nâng cao trách nhiệm của nhân viên y tế

Thứ 3, 12/03/2019 | 09:21:00 144 lượt xem

BP - “Giao nhầm trẻ sơ sinh là sự cố y khoa nghiêm trọng” là một trong những nội dung đáng chú ý tại Thông tư số 43/2018/TT-BYT của Bộ Y tế, hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Cũng theo thông tư này, khi phát hiện sự cố y khoa, nhân viên y tế có trách nhiệm xử lý ngay để đảm bảo an toàn cho người bệnh trước khi báo cáo cho bộ phận tiếp nhận và quản lý. Danh tính người báo cáo sự cố y khoa được giữ bí mật. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1-3-2019.

Ngay sau khi thông tư có hiệu lực, đã có ý kiến cho rằng, Bộ Y tế đưa việc giao nhầm trẻ sơ sinh vào “danh mục” sự cố y khoa nghiêm trọng là không thỏa đáng. Bên cạnh đó, lại có ý kiến cho rằng, hậu quả từ việc giao nhầm trẻ sơ sinh còn tồi tệ hơn, để lại hậu quả dai dẳng và khó khắc phục hơn nhiều tình huống y khoa khác.

Hẳn nhiều người còn nhớ vụ giao nhầm trẻ sơ sinh xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Bình Long vào năm 2013, trong đó một bé người Kinh và một bé người dân tộc S’tiêng. Khi thấy đứa trẻ lớn lên chẳng có nét gì giống mình và những người thân trong gia đình, người cha đang nuôi bé người S’tiêng đã âm thầm tìm hiểu. Và thật tình cờ, cha ruột của anh đã phát hiện con trai mình đang nuôi con của một phụ nữ S’tiêng. Tháng 7-2016, sau khi khẳng định thông tin, Bệnh viện đa khoa Bình Long đã phối hợp chính quyền địa phương tổ chức cho hai gia đình trao đổi con. Tuy nhiên, lúc này hai đứa trẻ đã hơn 3 tuổi, các cháu quá gắn bó với những người đã cho bú mớm và nuôi nấng mình từ nhỏ nên không chấp nhận cha mẹ ruột mà nhất quyết ở lại nơi mình được nuôi dưỡng từ lúc lọt lòng mẹ. Một thời gian khá dài, không chỉ hai bé bị tổn thương tâm lý mà cả hai gia đình cũng bị tổn thương và không thể làm được việc gì ngoài quẩn quanh với hai đứa nhỏ. Và một phương án tối ưu đã được đưa ra. Người cha dân tộc Kinh đã xin nhận bé người S’tiêng làm con nuôi để có thể yêu thương, chăm sóc cả hai đứa trẻ.

Trong thực tế, tình trạng trao nhầm trẻ sơ sinh là không hiếm; có những trường hợp 40 năm sau mới tìm được cha mẹ ruột. Nguyên nhân có thể do điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo đã tạo nên những lỗ hổng trong công tác quản lý bệnh nhân, nhưng cũng không loại trừ sự tắc trách của những người có trách nhiệm, chủ yếu là các nữ hộ sinh. Sau vụ việc ở Bệnh viện đa khoa Bình Long không lâu lại xảy ra trường hợp trao nhầm hai bé trai tại Bệnh viện đa khoa Ba Vì (Hà Nội). Khi hai đứa bé 6 tuổi thì sự nhầm lẫn tai hại mới được phát hiện. Cho dù hai nữ hộ sinh để xảy ra sai sót nghiêm trọng đã bị kỷ luật, nhưng vết thương lòng mà họ gây ra cho các cháu cùng những người thân trong hai gia đình thì không thể bù đắp được.

Cái lý do mà một số người cho rằng, đưa việc giao nhầm trẻ sơ sinh vào “danh mục” sự cố y khoa nghiêm trọng là không thỏa đáng, bởi sau khi phát hiện, chỉ cần xét nghiệm ADN để xác định huyết thống và một vài thủ tục hành chính là có thể xác lập cha, mẹ, con và “ai về nhà nấy”. Thế nhưng về mặt tình cảm, sự tráo đổi không hề đơn giản và tổn thất với các gia đình là không thể bù đắp, nhất là với con trẻ, bởi chúng phải đối mặt với sự thay đổi vô cùng lớn, ngoài sức chịu đựng. Thế nên, Bộ Y tế đưa việc giao nhầm trẻ sơ sinh vào “sự cố y khoa nghiêm trọng” là một trong những biện pháp nhằm nâng cao trách nhiệm và sự cẩn trọng của nhân viên y tế.

Nguyên Thủy

  • Từ khóa
109064

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu