Thứ 2, 20/05/2024 02:54:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:54, 25/12/2018 GMT+7

Hơn cả giảm gánh nặng cho cơ quan tố tụng

Thứ 3, 25/12/2018 | 09:54:00 121 lượt xem

BP - Theo thống kê của UBMTTQVN tỉnh, từ đầu năm đến nay, 878 tổ hòa giải ở cơ sở trên toàn tỉnh đã hòa giải 1.399 vụ việc, trong đó hòa giải thành 912 vụ việc, 400 vụ việc chuyển cơ quan chức năng, 87 vụ việc đang tiếp tục hòa giải. Nội dung các vụ việc chủ yếu liên quan đến tranh chấp đất đai, dân sự, hôn nhân - gia đình và một số mâu thuẫn phát sinh trong đời sống, sản xuất ở khu dân cư. Trong khi đó, theo thống kê của Tòa án nhân dân tỉnh, năm 2018, tòa án 2 cấp trên địa bàn thụ lý 7.547 vụ án, vụ việc dân sự, hôn nhân - gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, đã giải quyết 6.259 vụ; còn số liệu lĩnh vực này của ngành kiểm sát là đã kiểm sát 7.373 án.

Qua đó có thể thấy, về số lượng, các tổ hòa giải ở cơ sở đã tham gia giải quyết xấp xỉ 1/5 so với cơ quan tố tụng. Tất nhiên sự so sánh chỉ là tương đối, bởi tính chất, mức độ phức tạp và nhiều yếu tố khác giữa vụ việc hòa giải ở cơ sở với những vụ án, vụ việc phải đưa ra tòa án giải quyết là khác nhau. Tuy nhiên, ở một góc độ khác có thể thấy hòa giải ở cơ sở đóng vai trò vô cùng quan trọng và mang ý nghĩa rất lớn.

Ví dụ, hai gia đình có rẫy liền kề, đường ranh là hàng cây do hai bên cùng trồng, nay đo chính quy thì xảy ra tranh chấp. Nếu tổ hòa giải ở cơ sở uy tín, giải quyết được tranh chấp thì tòa án bớt đi gánh nặng của một vụ án dân sự. Nếu không, dù đơn giản nhất tòa án cũng phải triệu tập hai bên tới làm việc, thuyết phục và lập biên bản hòa giải thành với đầy đủ thủ tục như một vụ án dân sự, cũng được thống kê vào con số 7.373 hay 7.547 như đã nêu và các thẩm phán, kiểm sát viên sẽ phải gánh thêm khoảng 20% đầu vụ việc.

Với một đất nước pháp quyền, các vụ việc dân sự nên đưa ra tòa án giải quyết triệt để. Hòa giải có thể để lại hệ quả pháp lý nhất định nếu vụ việc không được giải quyết dứt điểm, song hiếm khi xảy ra. Người Việt vốn có những nét văn hóa đặc biệt, tập tục và thói quen sống riêng, nên mới hình thành tổ hòa giải và các tổ “vác tù và hàng tổng” ở khu dân cư ấy giữ vai trò rất quan trọng. Như trường hợp lấy ví dụ, bản án có thể mang giá trị pháp lý cao nhất, nhưng chưa chắc tạo nên sự bình yên trên 2 mảnh vườn ở cạnh nhau bằng kết quả của tổ hòa giải. Kết quả của hòa giải đem lại sự “tâm phục, khẩu phục” và nó mang lại sức nặng trong đời sống, sự ổn định xã hội và có giá trị văn hóa rất lớn - điều mà không phải phán quyết nào của cơ quan tố tụng cũng có được.

Không chỉ giảm gánh nặng cho các cơ quan tố tụng, hòa giải ở cơ sở còn có vai trò, ý nghĩa quan trọng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân. Bởi khi hòa giải, bên cạnh lý lẽ đạo đức, văn hóa ứng xử, các hòa giải viên - là những người uy tín trong cộng đồng còn sử dụng quy định pháp luật để giải thích, hướng dẫn, giúp các bên tự dàn xếp mâu thuẫn, tranh chấp. Bên cạnh đó, qua hòa giải, văn hóa và pháp luật cũng đến với người dân một cách tự nhiên, trực tiếp, thấm sâu trong mỗi gia đình. Hòa giải không chỉ tháo “ngòi nổ” từ đầu, mà còn góp phần củng cố đoàn kết, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thực tế cho thấy, nơi nào làm tốt hòa giải ở cơ sở, nơi đó trật tự, an toàn xã hội ổn định, đời sống tinh thần, vật chất của người dân được nâng lên... Và điều đó còn quan trọng hơn là giảm đi một vụ việc phải đưa ra cơ quan tố tụng giải quyết.                       H. Nguyên

  • Từ khóa
109019

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu