Thứ 2, 20/05/2024 01:24:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:16, 30/08/2012 GMT+7

Những bất cập trong luật dạy nghề

Thứ 5, 30/08/2012 | 09:16:00 182 lượt xem

Luật Dạy nghề đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua toàn văn ngày 29-11-2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2007. Ngay sau khi có hiệu lực thi hành, Luật Dạy nghề đã tạo động lực phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề rộng khắp ở các tỉnh thành trong cả nước. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, Luật Dạy nghề đã đã bộc lộ nhiều hạn chế, thậm chí là gây khó cho cá nhân và tổ chức thực hiện. Và, bất cập dưới đây là một minh chứng.

Tại Khoản 3, Điều 58 của luật quy định về “Trình độ chuẩn của giáo viên dạy nghề được quy định như sau: a) Giáo viên dạy lý thuyết trình độ sơ cấp nghề phải có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề trở lên; giáo viên dạy thực hành phải là người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề trở lên hoặc là nghệ nhân, người có tay nghề cao; b) Giáo viên dạy lý thuyết trình độ trung cấp nghề phải có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm kỹ thuật hoặc đại học chuyên ngành; giáo viên dạy thực hành phải là người có bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề hoặc là nghệ nhân, người có tay nghề cao; c) Giáo viên dạy lý thuyết trình độ cao đẳng nghề phải có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm kỹ thuật hoặc đại học chuyên ngành trở lên; giáo viên dạy thực hành phải là người có bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề hoặc là nghệ nhân, người có tay nghề cao; d) Trường hợp giáo viên dạy nghề quy định tại các điểm a, b và c của khoản này không có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm kỹ thuật hoặc đại học sư phạm kỹ thuật thì phải có chứng chỉ đào tạo sư phạm”.

Theo như quy định trên, giáo viên dạy nghề phải có chứng chỉ đào tạo sư phạm là quá khắt khe, vì thực tế cho thấy phương pháp cũng như nghiệp vụ dạy nghề khác hoàn toàn so với giáo dục phổ thông, cao đẳng và đại học. Do đó, việc quy định giáo viên dạy nghề bắt buộc phải có chứng chỉ sư phạm là không cần thiết và máy móc.

Bất cập thứ hai ở chỗ do đặc thù của dạy nghề là tỷ lệ thời gian thực hành chiếm đa số, nhưng trong Luật Dạy nghề hiện hành lại không yêu cầu giáo viên phải có một số năm kinh nghiệm nhất định hoặc phải có trình độ kỹ năng nghề nhất định khi tiến hành giảng dạy nghề. Điều này đã phần nào khiến cho chất lượng đào tạo nghề mặc dù đã được chú trọng nâng cao nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động về tay nghề. Trong khi đó, kỹ năng nghề, năng lực nghề nghiệp của lao động Việt Nam vẫn còn khoảng cách lớn so với các nước trong khu vực và thế giới.

Bất cập thứ ba là theo quy định trong Luật Dạy nghề hiện hành thì cơ sở dạy nghề thuộc của các doanh nghiệp nhà nước (tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước) không rõ là loại hình sở hữu công lập hay tư thục. Do đó, việc cấp hay hỗ trợ ngân sách để phát triển đối với cơ sở dạy nghề này như thế nào cũng là việc cần được làm rõ. Đồng thời, hiện nay, chương trình dạy nghề được xây dựng trên khung do nhà nước ban hành, nhưng thực tế không ít trường tự biên soạn hoặc mua tài liệu về rồi tự giảng dạy.

Trước những bất cập trên, đã đến lúc cần sửa đổi, bổ sung Luật Dạy nghề, nhất là khi nguồn nhân lực giá rẻ không còn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên việc sửa đổi như thế nào lại cần phải cân nhắc tính toán kỹ trên cơ sở khắc phục được những thiếu sót của luật cũ nhưng cũng phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người học đồng thời đảm bảo việc làm bền vững cho người lao động…

NV

  • Từ khóa
108326

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu