Thứ 2, 20/05/2024 04:30:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 13:59, 20/06/2012 GMT+7

Đói cho sạch, rách cho thơm

Thứ 4, 20/06/2012 | 13:59:00 1,843 lượt xem

Tục ngữ Việt Nam có câu “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Câu này có nghĩa là con người, dù chẳng may rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn về vật chất nhưng cần phải biết giữ mình, sống cho trong sạch, đừng làm những điều trái với đạo lý, vi phạm pháp luật.

Câu chuyện về nữ sinh gốc Việt Diane Trần ở bang Texas, Hoa Kỳ là một điển hình về sự vượt khó vươn lên đáng để chúng ta, đặc biệt là các bạn trẻ học tập. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ ly dị, Diane Trần đã phải làm thêm để có tiền nuôi bản thân và anh trai đang học đại học.

Trớ trêu thay, cô đã bị tòa án của bang này tuyên phạt ngồi tù 24 giờ và nộp phạt 100 USD vì vắng mặt trên lớp quá 10 lần trong 6 tháng không xin phép! Thương cô nữ sinh nghèo, hiếu học, một trang web đã đứng ra quyên góp được 100.000 USD (hơn 2 tỷ đồng Việt Nam) để giúp Diane Trần. Thế nhưng, cô đã từ chối số tiền này với một câu nói chứa đựng tính nhân văn sâu sắc “có những đứa trẻ khác ngoài kia đang phải vật lộn nhiều hơn tôi”. Câu nói của Diane Trần hàm ý muốn các nhà hảo tâm dành số tiền trên để giúp đỡ những em nhỏ còn khó khăn hơn mình. Điều đó thể hiện truyền thống “Thương người như thể thương thân”, “Lá rách ít đùm lá rách nhiều” của người Việt Nam đã có từ hàng ngàn đời.

Vậy mà có những người mẫu, diễn viên sẵn sàng “đi khách” với giá từ 1.000 đến 2.000 USD/lần, thậm chí còn nhiều hơn thế tùy vào mức độ “nổi tiếng” của từng người. Vì tiền, họ sẵn sàng bán đi nhân phẩm, chà đạp lên thuần phong mỹ tục của dân tộc. Đáng lên án hơn, khi bị cơ quan điều tra phát hiện, bắt giữ, những “người nổi tiếng” luôn lấy lý do hoàn cảnh... nhà nghèo. Vì nghèo nên dễ sa ngã trước những cám dỗ vật chất, bị “lóa mắt” trước những xấp tiền dày cộp. Suy cho cùng, những câu trả lời của các cô “chân dài” làm giàu bằng “vốn tự có” chỉ là sự ngụy biện để bao che lối sống buông thả, hưởng thụ vật chất tầm thường. Trong xã hội chúng ta đã chứng kiến rất nhiều tấm gương biết vượt lên hoàn cảnh để trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội.

Đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn năm nay đưa ra một vấn đề dù không quá mới mẻ nhưng đáng để chúng ta phải suy ngẫm: “Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội”. Đối lập với dối trá là chân thật, thẳng thắn. Phải chăng nền kinh tế thị trường với những mặt trái của nó đã sinh ra nhiều thói hư, tật xấu, trong đó có “bệnh” dối trá? Trong đó có không ít cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp làm ăn gian dối, thua lỗ nhưng báo cáo hằng năm vẫn rất hoành tráng. Một số cán bộ sẵn sàng bỏ tiền ra mua bằng, mua chức; hối lộ, tham nhũng; chạy chỗ, chạy huân chương... để lo giữ “ghế” nhằm mưu cầu tư lợi cho bản thân và gia đình... Đó là biểu hiện của sự suy thoái về mặt đạo đức đòi hỏi toàn Đảng, toàn xã hội phải ra sức ngăn chặn, đẩy lùi.

Chính Trực

  • Từ khóa
108320

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu