Thứ 2, 20/05/2024 01:23:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 00:00, 04/07/2011 GMT+7

Bảo hiểm nông nghiệp - mừng và lo

Thứ 2, 04/07/2011 | 00:00:00 122 lượt xem

Theo Quyết định 315/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bắt đầu từ ngày 1-7-2011, bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) sẽ được triển khai thí điểm ở một số tỉnh, thành. Với chính sách này, hiện hàng triệu nông dân đang kỳ vọng BHNN sẽ giúp họ phần nào giảm bớt gánh nặng rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh. Nhưng liệu chính sách này có thành công và mang lại hiệu quả như mong đợi.

Cũng theo quyết định trên, Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN; hộ nông dân, cá nhân cận nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN được hỗ trợ 80% phí bảo hiểm. Hỗ trợ 60% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân không thuộc diện nghèo, cận nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN; tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN được hỗ trợ 20% phí bảo hiểm. Được Nhà nước hỗ trợ phí bảo hiểm và khi gặp rủi ro thì nông dân được doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường, điều này người nông dân nào cũng muốn.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) có đảm đương nổi công việc vô cùng mới mẻ này không. Vì khó khăn thứ nhất đối với DNBH là ở chỗ xác định giá trị của từng loại cây trồng, vật nuôi để bảo hiểm. Ví dụ như Bình Phước là địa bàn thường xuyên xảy ra hỏa hoạn vào mùa khô và lũ, lốc xoáy vào mùa mưa làm gãy đổ các loại cây trồng như điều, tiêu, cao su… nên khi triển khai chắc chắn sẽ có nhiều hộ nông dân tham gia. Nhưng DNBH khó có thể tính đúng giá trị từng loại cây trồng để đưa ra giá bảo hiểm. Vì giá trị của các loại cây trồng này phụ thuộc rất nhiều vào thị trường, mà thị trường nông sản hàng hóa thì lúc cao lúc thấp rất thất thường.

Cái khó thứ hai đối với DNBH là tập quán sản xuất nhỏ lẻ của nông dân gây khó khăn cho việc triển khai BHNN. Hiện nay, mỗi nông dân chỉ làm một vài sào đến 1 hoặc 2 ha trồng cây lương thực hay 3 đến 5 ha trồng cây công nghiệp thì công ty không thể nào ký hợp đồng với hết cả triệu hộ nông dân. Đó là chưa nói đến chuyện quản lý sao cho có hiệu quả, đem lại lợi nhuận cho DNBH. Cái khó thứ ba là nếu các DNBH được tính đúng, tính đủ mức phí cần thiết, ít nhất cũng bằng ngưỡng dự báo rủi ro, thì Nhà nước và cả nông dân dù chỉ là 20% đối với hộ cận nghèo và 40% đối với hộ không thuộc diện cận nghèo liệu có khám nổi?

Mặc dù Bình Phước không phải là tỉnh được chọn để thực hiện thí điểm BHNN. Song, chính sách này một khi được thực hiện đại trà trên cả nước thì chắc chắn nông dân Bình Phước sẽ có nhiều thuận lợi trong sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là sẽ tránh được thiệt hại nặng khi bị thiên tai, hỏa hoạn hoặc rủi ro. Tuy nhiên, BHNN là hoạt động hoàn toàn mới mẻ ở nước ta và tất nhiên là “vạn sự khởi đầu nan”, song mong rằng các DNBH và nhà nông sớm tìm được tiếng nói chung để chính sách này sớm mang lại hiệu quả, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển nông nghiệp và nông thôn ở nước ta trong những năm tới.

ĐT

  • Từ khóa
108299

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu