Thứ 7, 27/04/2024 19:29:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:12, 14/01/2020 GMT+7

Thời nào cũng cần

N.D
Thứ 3, 14/01/2020 | 13:12:00 389 lượt xem

BPO - Theo sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, Trịnh Căn là vị chúa Trịnh thứ tư thời Lê Trung hưng. Trịnh Căn sinh ra và lớn lên trong thời chiến tranh giữa các tập đoàn phong kiến Trịnh, Nguyễn đang ở cao trào. Trịnh Tráng, ông nội của Trịnh Căn đã 4 lần mang quân vào Nam dẹp nhà Nguyễn nhưng đều không giành được thắng lợi, lại bị hao binh tổn tướng. Tháng 4-1655, chúa Nguyễn cử 2 danh tướng là Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật mang quân lần đầu tiên vượt sông Gianh đánh ra Bắc, chiếm Bắc Bố Chính và 7 huyện Nghệ An. Vì thế, vùng đất Thanh Hóa, nơi phát tích của cả vua Lê lẫn chúa Trịnh bị uy hiếp.

Trịnh Căn lên cầm quyền từ tháng 8-1682 đến tháng 5-1709. Trịnh Căn là con trưởng của Tây Định vương Trịnh Tạc và mẹ là bà Vũ Thị Ngọc Lễ, người xã Thạch Lỗi, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương ngày nay. Xét về thế thứ thì ông là con trai thứ tư của Hoằng Tổ Dương vương, nhưng do 3 người anh trước đều mất sớm nên ông được coi là con trưởng. Lúc nhỏ, ông từng phạm tội và từng bị giam vào ngục, sau được tha.

Năm 1656, Trịnh Căn được gia phong Phó đô tướng quân, tước Phú quận công, mở dinh Tả quốc, thống lĩnh chư tướng và vùng Nghệ An để đánh Nam triều kiêm trấn thủ đất Nghệ An, rồi được gia thăng hàm Thái phó. Trịnh Căn chính thức xuất hiện trên chiến trường kể từ trận chiến với nhà Nguyễn ở Nghệ An, cuộc đụng độ thứ 5 giữa 2 nhà nước đàng Ngoài là họ Trịnh và ở đàng Trong là nhà Nguyễn. Năm đó ông mới 24 tuổi.

Sự nghiệp của Trịnh Căn chính là gạch nối cơ bản giữa thời Trịnh - Nguyễn phân tranh và thời thịnh trị của vua Lê, chúa Trịnh ở đàng Ngoài. Ông là người chỉ huy có công chặn đứng thế Bắc tiến của chúa Nguyễn, giữ hòa bình cho vùng đất Bắc Hà và đưa miền Bắc vào thời kỳ phát triển phồn thịnh trở lại sau nhiều năm binh lửa. Từ năm 1703, chúa Trịnh Căn đã lo chọn người kế vị. Theo sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” có đoạn chép về việc này như sau: Trước kia, con trưởng của Trịnh Căn là Trịnh Vĩnh mất sớm, vì thế Trịnh Căn lấy con thứ của mình là Trịnh Bách làm thừa tự. Nhưng đến Trịnh Bách cũng mất sớm. Trịnh Căn lại dùng cháu nội là con của Trịnh Vĩnh là Trịnh Bính làm thừa tự. Con của Trịnh Bính là Trịnh Cương, năm ấy mới 18 tuổi.

Thế rồi Trịnh Bính cũng bị bạo bệnh rồi mất sớm, mà khi đó Trịnh Căn thì đã cao tuổi nhưng vẫn chưa có người thừa tự nên ông cảm thấy bất ổn. Vì vậy, Trịnh Căn bèn triệu quan Bồi tụng là Nguyễn Quý Đức vào hỏi. Quý Đức thưa: Trọng trách trông coi việc nước và vỗ về quân sĩ thì phải thuộc về người chắt trưởng (chỉ Trịnh Cương), vậy cúi xin chúa sớm định ngay danh phận rõ ràng để cắt đứt sự dòm ngó. Trịnh Cương năm đó mới 18 tuổi. Trịnh Căn lại hỏi thêm Đặng Đình Tướng và Đình Tướng cùng thưa lời tương tự như Nguyễn Quý Đức. Bấy giờ, Trịnh Căn mới quyết ý dùng Trịnh Cương làm người thừa tự. Trịnh Căn làm tờ biểu, xin vua tiến phong Trịnh Cương làm Khâm sai Tiết chế Thủy Bộ Chư Dinh, hàm Thái úy, tước An Quốc Công, được mở phủ đệ riêng, quyền nắm giữ các cơ quan nhà nước.

Chuyện tưởng thế là đã rõ ràng, chẳng dè hơn 1 năm sau, tức vào năm 1704, các con của Trịnh Bách là Trịnh Luân và Trịnh Phất đã hợp mưu chống lại Trịnh Cương. Sự kiện này cũng được sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” chép lại như sau: Trước kia, khi Trịnh Bính mất, Luân và Phất thấy mình là con của Trịnh Bách, vị Tiết chế đã qua đời, lẽ ra phải được tập phong để lên nối nghiệp, vậy mà nay Trịnh Cương nhờ vai chắt của chúa Trịnh Căn mà được quyền lập phủ đệ riêng, nên Luân và Phất câu kết với bọn Đào Quang Giai làm bè đảng, tính hợp mưu lật ngôi vị của Trịnh Cương. Quan Hiệu thảo là Nguyễn Công Cơ dò biết được cơ mưu, liền báo cho Trịnh Căn biết. Sự việc bại lộ, Trịnh Căn sai bắt bọn này giam vào ngục và giao cho các quan Đình úy tra hỏi. Họ đều nhận tội nên tất cả bị trị theo phép nước. Nguyễn Công Cơ được thăng chức Thị lang.

Lời bàn:

Lớn lên trong thời loạn lạc, khi hữu sự, Trịnh Căn đã được cha đưa vào trận, không chỉ chống thù ngoài mà còn để dẹp đi những nguy cơ tranh giành ngôi báu trong nội tộc. Ngay từ khi chỉ mới ngoài 20 tuổi, trên cương vị thống lĩnh, cầm quân ngoài biên ải, Trịnh Căn đã hành xử cực kỳ nghiêm khắc và công bằng. Chính vì thế thuộc hạ của ông đều một lòng kính phục và sẵn sàng cùng ông vượt qua mọi hiểm nguy. Và vì vậy, thời Trịnh Căn ở ngôi chúa là thời kỳ đất nước tương đối ổn định sau nửa thế kỷ chiến tranh binh lửa với họ Nguyễn ở phương Nam và dẹp yên dư đảng họ Mạc ở phương Bắc. Các sử gia đương thời đánh giá Trịnh Căn là người luôn chú tâm củng cố bộ máy cai trị ở đàng Ngoài nhằm ổn định xã hội trên cơ sở lấy dân làm gốc.

Tiếc rằng, khi ông vừa nhắm mắt thì con, cháu ông xảy ra tranh đoạt quyền hành. Xưa nay, hành vi tranh đoạt quyền hành đã là cực xấu, tranh đoạt quyền hành với thân thuộc của mình thì lại càng cực kỳ xấu xa hơn. Thế nhưng vào thời ấy, điều này cũng dễ hiểu, bởi thời loạn là thời của tranh đoạt và thực tế thời đó cho thấy, bao đời chúa Trịnh cũng là bấy nhiêu đời tranh đoạt quyền hành của vua Lê. Hơn nữa, ngôi chúa thì chỉ có một mà con cháu họ Trịnh thời đó lại quá nhiều kẻ ham muốn quyền lực. Thế mới hay rằng, nếu không có “cái lồng cơ chế để nhốt quyền lực” thì đất nước sẽ lâm nguy và cái lồng ấy thời nào cũng cần.

  • Từ khóa
110280

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu