Thứ 7, 27/04/2024 18:28:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:50, 05/03/2020 GMT+7

Tấm lòng vì nước

Ngọc Diệp
Thứ 5, 05/03/2020 | 14:50:00 1,046 lượt xem
BPO - Theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện”, Nhữ Bá Sĩ có tên chữ là Nguyên Lập, hiệu là Đạm Trai, người làng Cát (Kẻ Cát), xã Cát Xuyên, tổng Dương Sơn nay là xã Hoằng Cát, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ông sinh tháng 2 năm Mậu Thân - 1788 và mất ngày 14-9 năm Đinh Mão - 1867, hưởng thọ 80 tuổi. Ông là nhà thơ, nhà văn dưới thời trị vì của vua Minh Mạng và Thiệu Trị.

Chính gốc họ Nhữ là ở làng Hoành Trạch, tỉnh Hải Dương, dời vào Thanh Hóa đến Nhữ Bá Sĩ là 13 đời. Tới đời thứ 7 là Nhữ Văn Vịnh, làm quan võ thời Lê, được phong là Đặng võ hầu. Các đời sau không đỗ đạt gì, gia đình chuyên làm ruộng. Mãi đến thân sinh Nhữ Bá Sĩ mới lưu tâm cho con cháu ăn học được nhiều người đỗ đạt. Nhữ Bá Sĩ đi học từ nhỏ, năm 11 tuổi vào trường tư ông Hương cống Đặng Văn Chinh, làng Mạo An, cùng huyện. Năm 15 tuổi, ông vừa học vừa làm thầy giáo tại nhà, dạy dỗ 2 em ruột là Nhữ Đình An và Nhữ Trọng Thực, sau này đều thi đỗ cử nhân. Riêng bản thân ông Nhữ, tuy học giỏi nhưng thi cử không thật đạt ý nguyện.

Trong khoa thi hương năm Kỷ Mão, triều Gia Long (năm 1819), ông và người em thứ hai Nhữ Đình An cùng dự thi, người em đỗ cử nhân, còn ông chỉ đỗ sinh đồ (tú tài). Sang khoa thi năm Minh Mạng thứ 2 (1821), đến tuổi 37, ông mới đỗ cử nhân, song thi hội chỉ được tam tường (trên cử nhân, dưới tiến sĩ, ngang phó bảng sau này). Đỗ xong, ông được giữ chân hành tẩu bộ Công, rồi ra hậu bổ Bắc thành, làm Tri huyện Tiên Lữ, rồi về Huế trải các chức chủ sự bộ Hình viên ngoại lang, Lang trung...

Năm 1830, sau khi đi thanh tra thuế đường ở Quảng Nam, vì một chuyện vu cáo, ông bị cách chức kết án xử tử giam hậu; đến năm 1833 được tha, phải đi hiệu lực trong phái bộ sang Quảng Đông (Trung Quốc). Về nước, ông được khai phục hàm Cửu phẩm, làm việc ở Viện đô sát, sau ra huấn đạo An Lão (năm 1834), giáo thụ Hoài Đức (1836), rồi quyền Tri phủ ứng Hòa (năm 1838). Ngót 20 năm nổi chìm trong bể hoạn, ông thấy rõ thế thái nhân tình nên mới quyết tâm cáo bệnh từ quan để trở về mở trường tư dạy học, viết sách suốt 16 năm. Biết Nhữ Bá Sĩ là người có tài, đức, triều đình nhà Nguyễn muốn trọng dụng lại nên đã 3 lần vời ông làm quan nhưng ông vẫn từ chối. Mãi đến năm 1854, Nhữ Bá Sĩ mới ra nhận chức Hàn Lâm trước tác, rồi Đốc học Thanh Hóa. Ở đây, ông phụng chỉ làm sách “Thanh Hóa tỉnh chí”. Nhưng chỉ 2 năm sau, khi sách làm xong, ông lại cáo bệnh về với làng xóm, trường học cũ của mình và tiếp tục dạy học.

Tuy dứt khoát với quan trường, ông vẫn rất quan tâm đến việc nước. Lúc này, giặc Pháp đã bắt đầu xâm lược nước ta, triều đình Huế đang đắn đo suy tính về chính sách đối ngoại thì liên tục mấy năm ông dâng lên Tự Đức nhiều bài sớ chủ chiến. Năm 1860, là tờ sớ Tây bất khả hòa (không thể giảng hòa với Tây được); năm 1864, là bài sớ nổi tiếng: Tĩnh dương tam sách (3 sách lược đánh giặc Tây dương) dài đến mấy vạn chữ. Vua Tự Đức đã phê vào tờ tấu: “Người này tuổi đã cao rồi, đáng tiếc thay!”. Ông còn dâng sớ chống việc xây dựng nhà thờ đạo Gia Tô ở Thanh Hóa. Năm 1865, ông lão 78 tuổi này còn nằm võng theo đường trạm dịch vào Nghệ An để cùng một số quan lại mưu toan mộ dân quân kéo vào Nam kỳ tiếp chiến. Việc chưa thành thì ông mất.

Nhữ Bá Sĩ là nhà văn, một thầy giáo đạo cao, đức trọng. Nhà ông ở là một thư viện lớn, luôn luôn có người ghi chép, bảo quản. Ông thu góp được nhiều sách tìm mua khắp trong, ngoài nước. Trường học của ông đặt trên bến sông Nghi, con sông quê hương ông lấy tên là Nghi Am, hàm ý có liên hệ với câu chuyện Tăng Điểm, tỏ chí mình với Khổng Tử (Luận ngữ). Trong sách “Từ điển văn học”, tiến sĩ Phạm Tú Châu đã viết về ông như sau: Nhữ Bá Sĩ học rộng biết nhiều, có hoài bão lớn, có tinh thần dân tộc cao... Với số lượng tác phẩm có nhiều đóng góp về nội dung và thể loại, ông xứng đáng được coi là một nhà văn, nhà thơ có tầm cỡ ở thế kỷ XX.

Là một nhà giáo có tâm và có tài, học trò của ông nhiều người đỗ cao. Có người tuân theo ý chí bảo vệ Tổ quốc của ông, đứng ra lãnh đạo phong trào Cần Vương chống Pháp, như Phạm Bành. Trong hàng ngũ nghĩa sĩ Ba Đình sau này, cũng có con trai ông là Nhữ Tham Hối, cháu nội ông là Nhữ Kiểu. Các cháu khác như Nhữ Tri Mại, Nhữ Trí Viễn... đều là những nhà nho hăng hái trong cuộc vận động duy tân ở miền Trung vào đầu thế kỷ XX.

Lời bàn:

Tuy con đường thi cử, quan chức của Nhữ Bá Sĩ không những lận đận mà còn đầy gập ghềnh, chông gai nhưng ông đã lập nghiệp bằng cách sử dụng kiến thức uyên bác của mình để dạy học và sáng tác, đào tạo cho xã hội một số người tài và đóng góp vào kho tàng văn hóa Việt Nam những tác phẩm giá trị. Các bài văn, thơ của Nhữ Bá Sĩ đều toát lên lòng yêu xứ sở, đất nước, ý thức tự hào về truyền thống quê hương, dân tộc và cả nỗi niềm trăn trở của tác giả trước nạn xâm lược của phương Tây.

Ngày ấy, không chỉ Nhữ Bá Sĩ mà còn có biết bao anh hùng hào kiệt quyết chí chống thực dân Pháp xâm lược. Song, vì vua quan nhà Nguyễn chỉ vì lợi ích ích kỷ của hoàng tộc nên đã chối từ mọi đề nghị canh tân đất nước. Từ vua Tự Đức đến các vua nhà Nguyễn tiếp theo như Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Đồng Khánh đã để mất nước vì không chịu canh tân để quốc gia giàu mạnh, tự cường. Từ đó dẫn đến nước ta ngày càng suy yếu, là cơ hội để thực dân Pháp xâm lược và vơ vét. Vì thế, cả dân tộc đắm chìm trong kiếp ngựa trâu suốt gần trăm năm. 

  • Từ khóa
110297

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu