Thứ 7, 27/04/2024 18:26:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 10:19, 25/02/2020 GMT+7

Cuộc đời oanh liệt

N.D
Thứ 3, 25/02/2020 | 10:19:00 2,522 lượt xem

BPO - Trước năm 1740, ở trấn Sơn Tây có một cuộc khởi nghĩa khá lớn do thủ lĩnh Đô Tế cầm đầu. Trong thành phần của lực lượng tham gia cuộc khởi nghĩa này có một nhà nho trẻ là Nguyễn Danh Phương. Theo sách “Việt sử tân biên”, Nguyễn Danh Phương còn có tên gọi khác là Nguyễn Danh Ngũ, tuy vậy người đương thời thường gọi ông một cách thân mật và trìu mến là quận Hẻo. Ông người làng Tiên Sơn, huyện Yên Lạc, trấn Sơn Tây (nay thuộc huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc). Hiện các sử gia vẫn chưa rõ Nguyễn Danh Phương sinh năm nào.

Minh họa: S.H

Theo các thư tịch cổ cũng như một số tài liệu dân gian cho biết, thuở thiếu thời, ông từng dùi mài kinh sử để thử vận may bằng đường khoa trường, nhưng tình hình xã hội ở đàng Ngoài từ khi Trịnh Giang lên nắm quyền thay Trịnh Cương (năm 1729) có nhiều biến động tiêu cực. Trịnh Giang không lo việc triều chính, chỉ hưởng lạc, tăng cường bóc lột dân chúng, vì thế nhiều người bất bình với chính quyền họ Trịnh. Nguyễn Danh Phương bỏ dở nghiệp văn chương theo nghiệp võ.

Năm 1739, nghe tin Đô Tế và thủ lĩnh Bồng khởi nghĩa ở Sơn Tây, ông đến xin đầu quân. Nhờ có nghĩa khí và văn tài, ông được thủ lĩnh Tế trọng dụng, xếp vào hàng những người thân tín nhất. Tháng 2 năm Canh Thân (1740), chúa Trịnh lúc đó là Trịnh Doanh đã phong cho Võ Tá Lý (người làng Hà Hoàng, huyện Thạch Hà, nay là xã Thạch Môn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) làm Chinh Tây Đại tướng quân đi đánh thủ lĩnh Tế. Trong trận ác chiến ở Yên Lạc, thủ lĩnh Tế thua trận, Nguyễn Danh Phương liền đem tàn quân chạy về Tam Đảo để tính kế lâu dài. Từ đây, Nguyễn Danh Phương thực sự trở thành thủ lĩnh của một cuộc khởi nghĩa mới.

Sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” có đoạn chép về Nguyễn Danh Phương ở thời kỳ này như sau: Nguyễn Danh Phương vốn là dư đảng của thủ lĩnh Tế, chiếm núi Tam Đảo, lợi dụng địa thế hiểm trở để xây thành đắp lũy, chiêu mộ dân binh, quyên góp lương thực và rèn đúc khí giới, họp phe đảng ẩn náu trong núi rừng. Theo Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái, chốn núi rừng mà Nguyễn Danh Phương cùng nghĩa sĩ của mình ẩn náu chính là ngọn Độc Tôn Sơn trong dãy Tam Đảo. Từ Độc Tôn Sơn, Nguyễn Danh Phương liên tục tổ chức nhiều cuộc tấn công ra các vùng chung quanh, gây chấn động khắp cả 2 trấn Tuyên Quang và Hưng Hóa.

Khi mới dựng cờ khởi nghĩa, do tương quan thế và lực lượng rất chênh lệch, Nguyễn Danh Phương chủ trương kết hợp rất chặt chẽ giữa kiên quyết với mềm mỏng. Kiên quyết là kiên quyết trừng trị đích đáng những kẻ tham quan ô lại, những đơn vị quân đội nhỏ của chúa Trịnh dám hung hăng tiến sâu vào căn cứ của nghĩa quân. Mềm dẻo là mềm dẻo trong sách lược đối phó với âm mưu đàn áp đẫm máu của triều đình. Mục tiêu của Nguyễn Danh Phương là gây tiếng vang bằng những trận đánh hiểm hóc, giành hiệu quả lớn nhất với những tổn thất nhỏ nhất. Bấy giờ, hễ gặp cơ hội thuận tiện là Nguyễn Danh Phương tấn công không khoan nhượng, nhưng nếu xét thấy điều kiện chưa cho phép thì thường gửi thư giả vờ xin hàng.

Trong sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” có đoạn viết: Nhiều lần Nguyễn Danh Phương vờ xin hàng để hoãn binh, Trịnh Doanh biết đây là mưu kế giả trá nhưng cũng đem ra bàn với bầy tôi. Trịnh Doanh cho rằng, việc đánh dẹp cần phải biết có lúc phải hòa hoãn. Nay trước hết là phải bàn cho rõ, giặc nào cần diệt trước, giặc nào cần dẹp sau. Giặc cần dẹp trước, theo Trịnh Doanh, chính là nghĩa binh của Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ, Nguyễn Hữu Cầu, Hoàng Công Chất... còn như giặc có thể dẹp sau là Nguyễn Danh Phương.

Từ nhận định đó, Trịnh Doanh chủ trương tập trung lực lượng đàn áp Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ, Nguyễn Hữu Cầu, Hoàng Công Chất. Bởi vì những người này đang cầm đầu những cuộc khởi nghĩa có lực lượng lớn mạnh hơn và đang có nguy cơ trở thanh đối trọng với triều đình của vua Lê - chúa Trịnh. Chính vì vậy, Trịnh Doanh đã hạ lệnh cho Trấn thủ Sơn Tây tạm chấp nhận đề nghị xin hàng của Nguyễn Danh Phương, để lo tập trung quân dẹp các cuộc khởi nghĩa lớn khác.

Lời bàn:

Sau hơn 10 năm chiến đấu ngoan cường và thông minh, cuộc khởi nghĩa do Nguyễn Danh Phương lãnh đạo đã bị triều đình phong kiến Lê - Trịnh đè bẹp. Nguyễn Danh Phương bị bắt và bị giết cùng 1 ngày với Nguyễn Hữu Cầu. Nguyễn Danh Phương là một trong những danh tướng xuất thân áo vải lừng danh nhất đàng Ngoài. Cuộc đời oanh liệt của ông đã khiến không biết bao nhiêu tướng lĩnh cao cấp của đàng Ngoài phải thất điên bát đảo. Ông chưa từng được học ở bất cứ một trường võ bị nào, nhưng tài năng quân sự của ông thì các võ quan chuyên nghiệp đương thời chưa dễ đã sánh được. Ông chính là tướng tài trong số những tướng tài thời đó.

Các cuộc khởi nghĩa nông dân trên vùng đất Vĩnh Phúc và miền núi phía Tây trong phần lớn thế kỷ XVIII, trong đó tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa do Nguyễn Danh Phương chỉ huy, là một trong những hiện tượng phản ánh tinh thần quật khởi đấu tranh chống lại ách áp bức của các tầng lớp nhân dân trước chính sách cai trị của nhà Lê. Mặc dù cuộc khởi nghĩa nông dân do ông chỉ huy không giành được thắng lợi nhưng ý chí đấu tranh chống áp bức cường quyền của nghĩa quân đã làm cho cơ đồ của tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh thời bấy giờ bị lung lay.

  • Từ khóa
110293

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu