Thứ 7, 27/04/2024 15:15:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:42, 29/12/2019 GMT+7

Bài học giữ nước

N.D
Chủ nhật, 29/12/2019 | 13:42:00 421 lượt xem
BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, kể từ khi vương triều Lý thành lập cho đến thời vua Lý Thánh Tông, quan hệ giữa nhà Tống với Đại Việt nhìn chung khá tốt. 2 nước thường xuyên gửi sứ giả qua lại, quan hệ buôn bán cũng rất phát triển. Người Tống mở các bạc dịch trường gần biên giới làm nơi trao đổi, buôn bán giữa thương nhân 2 nước. Quan hệ thương mại với nước Tống là một phần quan trọng trong giao thương của Đại Việt.

Các vua nhà Lý tỏ ra nhún nhường với nhà Tống, thường gửi cống phẩm và nhận các sắc phong của vua Tống. Thư từ của vua Đại Việt gửi cho vua Tống gọi là biểu, tên gọi dành cho văn bản cấp dưới gửi cấp trên. Thư từ, văn bản mà vua Tống gửi vua Đại Việt thì gọi là chiếu, tên gọi dùng cho văn bản vua gửi cho cấp dưới. Mặc dù, Đại Việt chấp nhận một mối quan hệ nước lớn, nước nhỏ đối với nhà Tống nhưng cũng tỏ ra rất tự cường trong các chính sách đối nội và đối ngoại. Các vua Lý một mặt vẫn nhận sắc phong vương của vua Tống, mặt khác, tự xưng đế và các vấn đề về biên giới đối với nước Tống rất cương quyết.

Nước Tống tuy ra vẻ bề trên nhưng vẫn sợ uy của triều Lý. Minh chứng rõ nét là khi Nùng Trí Cao nổi lên dựng nước Nam Thiên, ông muốn thuần phục Tống để chống lại Việt nhưng nước Tống đã không dám nhận lời, vì sợ mất lòng triều Lý. Đặc biệt là vào năm 1059, Lý Thánh Tông đã đem quân đánh vào Khâm Châu của Tống, cướp phá các động Tư Lãm, Cổ Vạn, Chiêm Lãng trên đất Tống, uy hiếp thành trì, thị uy rồi rút về. Về nguyên cớ của cuộc tấn công này, sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chỉ ghi chép ngắn gọn là “vì người Tống tráo trở”. Thực chất nguyên nhân cụ thể là chính sách thù địch của viên quan Tri châu tên là Tiêu Chú đối với Đại Việt. Tiêu Chú thường xuyên cho người chiêu dụ những tù trưởng biên giới nước ta bỏ Việt theo Tống, ngầm nuôi bọn du đãng để chống phá Đại Việt và thường dâng thư về triều Tống khuyên gây chiến.

Vua Tống biết do cấp dưới mình khiêu khích trước, sợ sẽ bùng phát chiến tranh nên cũng làm lơ cho qua. Bấy giờ phía Bắc nước Tống có nước Liêu của người Khiết Đan, nước Tây Hạ của người Đảng Hạng mới lập đều là những nước có quân đội mạnh, là những dân tộc thiện chiến thường xâm lấn, quấy nhiễu nước Tống, buộc Tống phải cống nạp để yên ổn. Vì vậy, bao nhiêu binh hùng, tướng mạnh của Tống chủ yếu dùng để phòng thủ hướng Bắc, không có đủ điều kiện để thi hành một chính sách cứng rắn đối với Đại Việt ở phương Nam.

Từ khi vua Tống Thần Tông lên ngôi đã tin dùng Vương An Thạch, phong làm Tể tướng (năm 1069). Tể tướng Vương An Thạch đã tiến hành cải cách mang tên Tân pháp để củng cố lại kinh tế, binh bị của nước Tống. Tân pháp đã mang lại một số thay đổi tích cực cho kinh tế, quân đội. Tiềm lực nước Tống được cải thiện nhiều, nhất là tập trung được các nguồn lực đất nước vào tay triều đình. Nhưng với những biện pháp quá mạnh tay và hệ thống quan lại thi hành Tân pháp lại có kẻ tham nhũng nên đã vấp phải nhiều sự bất bình và kháng cự của dân chúng cùng giới quan lại thủ cựu.

Vì thế, Tể tướng Vương An Thạch cùng vua Tống chủ trương đánh Đại Việt - nước mà ông cho là yếu hơn Liêu, Tây Hạ và vua Lý Nhân Tông lại còn nhỏ khi lên ngôi mới 7 tuổi, nhằm giải tỏa mâu thuẫn trong nước, dùng chiến công để lấy lại uy thế phe cải cách và uy thế nước Tống. Đồng thời để chứng tỏ sự hiệu nghiệm của Tân pháp, thôn tính mở rộng lãnh thổ, cuối cùng là mưu toan cướp bóc của cải và tài nguyên của Đại Việt để làm giàu cho nước Tống. Nhưng lúc này họ còn ngại thế lực Đại Việt đang cường thịnh, nội bộ lại đoàn kết. Đến khi biết nội tình Đại Việt có nhiều xáo trộn trong cuộc đổi ngôi, vua mới còn nhỏ thì vua Tống Thần Tông mới hạ quyết tâm. Các quan chức nước Tống đoán biết ý nên đã sàm tấu với vua Tống rằng: Giao Chỉ vừa đánh Chiêm Thành bị thất bại, quân không còn nổi một vạn, có thể lấy quân Ung Châu sang chiếm Giao Chỉ.

Lời bàn:

Từ giữa thế kỷ XI, nhà Tống gặp phải những khó khăn chồng chất: Trong nước, nội bộ mâu thuẫn, nhân dân đứng lên đấu tranh ở nhiều nơi. Ở vùng biên cương phía Bắc thường xuyên bị 2 nước Liêu - Hạ quấy nhiễu. Vì vậy, nhà Tống âm mưu tiến hành xâm lược Đại Việt với mong muốn giành thắng lợi để giải quyết mâu thuẫn nêu trên. Và chiêu dương đông kích tây này là một thủ đoạn thường thấy trong đấu đá quyền lực chính trị Trung Quốc từ xưa đến nay. Cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc và phía Nam vào năm 1979 là một bằng chứng. Nhưng, mọi toan tính của các thế lực xâm lược đều thất bại thảm hại.

Vì trong lịch sử dân tộc mình, nhân dân Việt Nam phải liên tiếp đương đầu chống giặc ngoại xâm, phải tiến hành hàng chục cuộc kháng chiến để bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền lãnh thổ. Hoàn cảnh lịch sử khắc nghiệt đó đã hun đúc nên những giá trị văn hóa giữ nước đặc sắc; đồng thời cho thấy ý nghĩa sống còn của các giá trị văn hóa giữ nước: “Giữ nước từ khi nước chưa nguy”, hay “tiên phát chế nhân” của Lý Thường Kiệt chống lại quân Tống - chủ động tiến công trước để làm giảm sức mạnh, ý chí của quân địch. Nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh đặc sắc đó thể hiện trí sáng tạo tuyệt vời của tổ tiên ta.

  • Từ khóa
110276

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu