Thứ 7, 27/04/2024 15:52:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:01, 12/12/2019 GMT+7

Hết lòng vì nước

Thứ 5, 12/12/2019 | 09:01:00 331 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Bùi Ư Đài sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống Nho học ở làng Bách Cốc, tổng Trình Xuyên Thượng, huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng (nay là xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Cụ Hương cống là ông nội Bùi Ư Đài, tức cử nhân Bùi Doãn Nguyên, vốn quê ở huyện Thanh Oai. Năm 1304, đời vua Trần Anh Tông, cụ đi thi hội nhưng không đỗ nên từ đất Thanh Oai tìm về làng Bách Cốc mở trường dạy học và sinh con trai là Bùi Quang Gia. Cụ Bùi Quang Gia đi thi cũng chỉ đỗ Hương cống năm 1374, cụ không làm quan mà chỉ ở làng dạy học. Cụ Bùi Quang Gia sinh được 2 người con trai. Con trai thứ là Bùi Doãn Hậu, con trai lớn là Bùi Doãn Trung - tên thời thơ ấu của Bùi Ư Đài.

Mùa xuân năm 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa mở ra thời kỳ 10 năm gian khổ mà oanh liệt chống giặc Minh xâm lược. Bùi Ư Đài khi ấy vừa 35 tuổi, hơn Lê Lợi 2 tuổi, kém Nguyễn Trãi 3 tuổi, đã có mặt ngay buổi đầu cuộc dấy nghĩa Lam Sơn. Hơn thế, ông còn có mặt ở hội thề Lũng Nhai tháng 2-1416. Như vậy, không chỉ 10 năm mà là 12 năm Bùi Ư Đài tham gia phong trào Lam Sơn với tư cách là một văn thần giữa số đông là tướng quân võ biền của phong trào.

Ông tham gia hết chiến trận ở núi rừng Lam Sơn lại vào xứ Nghệ, Tân Bình, Quảng Hóa, rồi bùng nổ những trận đánh lớn ở đồng bằng châu thổ sông Hồng, vùng núi rừng biên giới đến khi giặc Minh thất bại thảm hại, phải rút quân về nước. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế và văn thần Bùi Ư Đài được giao làm Thượng thư đứng đầu bộ Lễ trông coi mọi việc văn hóa, giáo dục của triều đình nhà Lê. Sau đó, ông được giao trông coi việc hành chính, quân sự ở những vùng trọng yếu của đất nước như đồng bằng Bắc bộ, biên giới phía Bắc và cả miền Tây từ Thanh Hóa đến tận Thừa Thiên - Huế.

Về sau, các tướng quân võ biền thời chiến tranh đến thời bình trở thành đại thần trở nên lộng quyền như Lê Sát, Lê Nhân cùng tay chân lập phe phái từ cuối đời trị vì của vua Lê Thái Tổ sang đến đầu thời kỳ vua Lê Thái Tông. Bùi Ư Đài cùng nhiều bậc nghĩa thần, trung chính khác đã phải lâm vào hoạn nạn như trong chính sử “Đại Việt sử ký toàn thư” đã chép rằng: “Lê Sát tự chuyên giữ quyền binh ghét người hiền, ghen người tài, giết Lưu Nhân Chú để ra oai, truất Trịnh Khả để người ta sợ, bãi tước của Bùi Ư Đài khiến triều đình không ai dám nói, đuổi Bùi Cẩm Hổ ra nơi biên thùy khiến gián quan phải câm mồm”.

Không cam chịu, Bùi Ư Đài làm sớ can gián vua Lê Thái Tông mới lên ngôi phải gạt bỏ bọn gian thần để đưa những người có tài năng, đức độ vào chính quyền, củng cố đất nước. Bọn Lê Sát nhân cơ hội này đã khép ông vào tội ly gián vua tôi, buộc vua Lê Thái Tông phải xử chém. Nhà vua đưa ra triều thần đình nghị nhưng cuối cùng vua phải ra chỉ dụ: “Ông ấy nói lời nói ngay thẳng, đúng đắn, không có gì sai”. Song, trước sức ép của bọn lộng thần, cuối cùng, nhà vua buộc phải ra lệnh đưa ông đi đày ở viễn châu 3 năm.

Sau thời gian bị lưu đày, ông đã trở lại chính trường tiếp tục công việc triều đình. Một thời gian sau, ông cáo lão về quê sống đến cuối đời. Ông mất ngày 22-8-1461, hưởng thọ 79 tuổi. Ở quê hương ông vẫn còn những lời truyền tụng về lòng trung trực và tinh thần quyết liệt đấu tranh chống bọn gian thần qua câu chuyện: “Giận dữ bọn gian thần, ông vừa cưỡi ngựa vừa vung đao chém đổ hàng loạt cây chuối dại mọc ven đường từ đầu làng về dinh nhưng vẫn không thể chém hết được”.

Vua hiền Lê Thánh Tông sau khi biết chuyện, hiểu được tấm lòng của vị trung thần, đã xuống chiếu truy phong ông là Thái phó Bình quận công và sắc phong ghi lại công trạng của ông: Tài kiêm văn võ, trải nghiệm qua nhiều việc lớn. Lúc yên, lúc nguy, có nhiều công lớn với nước nhà”.

Lời bàn:

Bùi Ư Đài là một trong những trung thần của nhà Lê, với tài kiêm văn võ. Ông là vị quan thanh liêm, đoàn kết được các dân tộc miền núi, khiến vùng biên giới yên ổn. Theo nhà sử học Lê Văn Lan: “Với tư cách là văn quan, khai quốc công thần triều Lê Sơ, Bùi Ư Đài tiếp tục sự nghiệp làm văn quan là trọng thần, là khai quốc công thần của triều Lê ở các đời vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông. Với tài năng, ý chí hơn người và đặc biệt lòng trung thành cùng với phẩm chất cương trực của mình, Bùi Ư Đài đã trở thành một nhà quản lý được cử đi trị nhậm ở tất cả miền trọng yếu của đất nước. Dù ở cương vị nào, ông đều hoàn thành sứ mệnh của một vị trung thần giúp Lê Lợi đánh tan quân Minh và xây dựng vương triều nhà Lê Sơ thái bình, thịnh trị”.

Theo sử sách còn lưu truyền đến ngày nay, Bùi Ư Đài làm quan trải qua 3 triều vua Thái Tổ, Thái Tông và Lê Nhân Tông. Sau khi ông mất, vua Lê Thánh Tông đã ban chiếu rằng: “Như rồng ngâm, như hổ phục, suốt đời làm tôi trung phụng sự quân vương... Một con người phi thường, con người hiếm có... dũng mãnh như hổ báo, làm Tả Tướng cho Thái tổ Hoàng đế bình thiên hạ... Làm quan... đặt kế sách như Khổng Minh nhà Hán, giúp rập nước nhà, con cháu cùng được hưởng phúc”. Một danh thần được đích thân vua Lê Thánh Tông - một trong những vị vua anh minh nhất của nhà Lê, đã hạ bút viết như vậy thì tên tuổi và sự nghiệp của ông sẽ sánh mãi cùng trời đất.

N.D

  • Từ khóa
110269

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu