Thứ 7, 27/04/2024 16:35:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:57, 01/12/2019 GMT+7

Bộ luật Gia Long

Chủ nhật, 01/12/2019 | 09:57:00 11,361 lượt xem
BP - Ngay sau khi lên ngôi năm 1802, vua Gia Long (1762-1820) tiếp tục sử dụng Bộ luật Hồng Đức của nhà hậu Lê để quản lý xã hội. Sau đó, nhà vua ra lệnh soạn bộ luật mới cho vương triều mình. Đó là “Hoàng Việt luật lệ” hay còn gọi là Bộ luật Gia Long, đây là bộ luật chính thức của Việt Nam thời đầu nhà Nguyễn. Bộ luật này do Nguyễn Văn Thành, Vũ Trinh, Trần Hựu dựa vào “Đại Thanh luật lệ” và “Luật Hồng Đức” làm cơ sở soạn bộ luật cho triều Nguyễn và được vua Gia Long cho ban hành chính thức vào năm 1815.

Bộ luật Gia Long gồm 398 điều chia thành 22 quyển. Bộ luật phân thành 6 loại tương ứng với chức năng do 6 bộ phụ trách để tiện thi hành, gồm: Danh lệ, Lại luật, Hộ luật, Lễ luật, Binh luật, Công luật và Tỷ dẫn luật đều quy định về việc áp dụng luật pháp. Ngay trong phần đầu của bộ luật, vua Gia Long đích thân viết lời tựa, trong đó có đoạn: “Trẫm tự thân sửa chữa ban hành cho thiên hạ, khiến người ta biết được phép lớn cần ngừa, rõ như mặt trăng không thể ẩn giấu. Điều cấm răn dạy, nghiêm như sấm sét không thể xâm phạm”.

Trong 398 điều của Bộ luật Gia Long, có tới 79 điều quy định về các tội liên quan đến tham nhũng, điều chỉnh hành vi của quan lại lạm quyền. Điều 31 quy định, quan lại nhận hối lộ phải chịu hình phạt thấp nhất là 70 trượng, cao nhất là treo cổ. Điều 111 quy định, quan lại dùng uy thế (chức vụ) vô cớ bắt trói người và tra khảo họ nơi tư gia (không kể có thương tích hay không thương tích) thì tăng hơn người thường 2 bậc tội. Nếu nạn nhân chết, người ấy bị xử treo cổ... Vì thế, bộ luật này là kim chỉ nam để các vị vua trị vì xuyên suốt thời Nguyễn. Dưới thời vua Minh Mạng, người nào tham ô của công dù làm quan với chức vụ cao đều bị vua xử lý rất nặng, có khi vượt khỏi quy định pháp luật.

Sách sử ghi lại vào năm 1822, dưới triều vua Minh Mạng, tại Quảng Đức và Quảng Trị bị thiên tai nên gạo đắt, triều đình cho phát 25 ngàn hộc để bán cho dân. Người lính quản lý kho thóc ở kinh là Đặng Văn Khuê phụ trách phát thóc cho dân, nhưng mỗi hộc thóc lại thiếu một ít. Vụ việc bị phát giác, vua Minh Mạng giao bộ Hình tra xét. Án xong tâu lên, vua Minh Mạng liền ra lệnh chém.

Trong sách “Đại Nam thực lục” kể, vào tháng 5-1823, một ông quan làm việc tại Phủ Nội vụ tên là Lý Hữu Diệm lấy trộm hơn 1 lạng vàng bị phát giác. Bộ Hình đưa ra xét xử vụ án. Điều 229 của bộ luật triều Nguyễn có quy định: Kho của vua gọi là Nội phủ, nó ở trong cấm địa của hoàng thành, nếu lấy trộm món gì ở đó dù nhiều hay ít đều bị tội chém đầu. Tuy nhiên, với Hữu Diệm, thay bằng tuyên án chém đầu, bộ Hình giảm xuống thành tội đi đày. Vụ án tâu lên, vua cho rằng ở thời vua trước, có một viên quan thông đồng với thợ bạc đúc trộm ấn giả để trộm đổi lấy ấn thật trong kho. Những tên này đều bị chém ngay. Hữu Diệm dám công nhiên lấy trộm cả cân vàng, theo nhà vua, trong mắt Diệm đã không có pháp luật. Vì thế, vua lệnh giải ngay Hữu Diệm đến chợ Đông Ba chém đầu để răn đe những người khác có ý định phạm tội.

Năm 1816, Thượng thư bộ Binh là Đặng Trần Thường bị xét xử. Trong thời gian làm quan ở Bắc thành đã nhũng nhiễu tham ô tiền thuế điền và ao đầm của dân nên y bị khép vào tội tử hình và tịch biên hết tài sản. Tháng 11-1831, Tư vụ Nội vụ phủ Nguyễn Đức Tuyên lại ăn bớt nhựa thơm, rồi lấy mật trộn lẫn vào, để ít hóa nhiều. Gian dối bị phát hiện, đáng lẽ cũng bị xử tử và chặt tay treo ở kho. Nhưng để răn đe nghiêm hơn, vua Minh Mạng ra chỉ dụ: Chặt một bàn tay thủ phạm Nguyễn Đức Tuyên đem treo, xóa tên trong sổ làm quan, để lại cho nó cái đầu, khiến nó suốt đời hối hận.

Thời vua Tự Đức, có viên quan tên là Vũ Đinh nổi tiếng chính trực. Một hôm ông phát hiện người coi kho lấy trộm một ít tiền rồi lén ra quán uống rượu. Số tiền chẳng đáng bao nhiêu nhưng không hiểu vì sao chuyện lọt đến tai vua Tự Đức. Vua xem cáo trạng rồi phê rằng: Tội không dung tha, lệnh truyền xử chém.

Lời bàn:

Tham nhũng là “căn bệnh” muôn thuở của mọi thời đại và cội nguồn của nó là thuộc tính tự nhiên của con người. Mọi quốc gia, mọi hệ thống chính trị và mọi dân tộc ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới đều phải đối mặt với tham nhũng cùng những biến thái tinh vi của nó. Như vậy có thể khẳng định rằng, tham nhũng là một căn bệnh của nhân loại. Và cũng như các loại bệnh tật khác, nó là khuyết tật tự nhiên mang tính bản năng, là một phần thuộc về bản chất đời sống con người. Chính vì vậy, dù có căm thù hay nguyền rủa tham nhũng đến mức nào, thì chúng ta cũng không thể xóa sạch được tham nhũng, đơn giản vì chúng ta không thể tiêu diệt con người.

Do đó, chúng ta phải nghiên cứu nó một cách toàn diện và biện chứng dưới những khía cạnh khác nhau của đời sống kinh tế - xã hội, để từ đó đưa ra những giải pháp phòng, chống một cách có hiệu quả. Vì chỉ có cách nhìn đúng đắn và khách quan mới giúp chúng ta có được những phương thuốc hiệu nghiệm để chế ngự, hay ít nhất là hạn chế thứ “bệnh dịch” xã hội này. Tuy nhiên, trước khi tìm ra phương thuốc đặc trị đối với chứng bệnh nan y - tham nhũng, thì trước hết mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mọi người dân phải biết sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật. Cả xã hội đều thượng tôn pháp luật thì chắc chắn tham nhũng sẽ không còn đất sống.

N.D

  • Từ khóa
110264

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu