Thứ 7, 27/04/2024 18:43:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:20, 26/11/2019 GMT+7

Lê Thánh Tông vi hành

Thứ 3, 26/11/2019 | 09:20:00 1,490 lượt xem

BP - Lê Thánh Tông là hoàng đế thứ tư của nhà hậu Lê. Ông tên thật là Lê Tư Thành, là con thứ tư của Lê Thái Tông. Cuối năm 1442, hoàng đế Thái Tông mất, thái tử Lê Bang Cơ lên ngôi, tức Lê Nhân Tông, phong Tư Thành làm Bình Nguyên vương. Năm 1459, người con cả của Thái Tông là Lê Nghi Dân đột nhập cung cấm giết vua Nhân Tông. Nghi Dân tự lập làm vua, cải phong Tư Thành làm Gia vương. Nghi Dân chỉ ở ngôi được 6 tháng. Ngày 6 tháng 6 âm lịch năm 1460, các tể phụ Nguyễn Xí, Đinh Liệt làm binh biến, bức tử Nghi Dân. 2 ngày sau, họ bàn nhau đón Tư Thành nối ngôi.

Ông trị vì từ ngày 26-6-1460 đến khi qua đời năm 1497, tổng cộng 37 năm, là vị hoàng đế trị vì lâu nhất thời hậu Lê. Trong lịch sử phong kiến Việt Nam đã chứng kiến những bậc minh quân trị quốc, từng bước xóa bỏ tham nhũng, trong đó tiêu biểu là vua Lê Thánh Tông. Và giai thoại sau đây là một minh chứng.

Chuyện xưa kể lại rằng, thuở ấy, tại kinh thành Thăng Long có tên trộm rất nổi tiếng. Hắn có tài “xuất quỷ nhập thần”. Hắn định trộm của ai thì nhà đó dù đã phòng bị vẫn không thoát. Là tên trộm lành nghề nhưng hắn được đông đảo nhân dân yêu mến. Bởi hắn chuyên trộm của nhà giàu đem cho người nghèo. Đã nhiều lần các quan phủ doãn cho dò bắt, nhưng hắn ẩn hiện tài tình, không cách nào tóm được, vì hành tung của hắn nhanh như gió chỗ nào cũng vào lọt nên người dân còn phong tước hiệu cho hắn là “Quận Gió”. Ở những nơi không ai ngờ, “Quận Gió” ngang nhiên xuất hiện. Ở những chốn canh phòng cẩn mật, không ai có thể lọt qua, hắn vẫn luồn qua được.

Tiếng đồn về “Quận Gió” lọt đến tai vua Lê Thánh Tông và nhà vua quyết định cải trang vi hành để tìm hiểu sự thật. Đã cận giờ giao thừa, có một thanh niên trạc 20 tuổi tìm đến nơi “Quận Gió” đang trú ngụ. Người này tự xưng là môn sinh Trường Quốc Tử Giám, năm hết tết đến, muốn về quê Thanh Hóa cúng ông bà, nhưng nhà nghèo không có tiền nên đến phiền “Quận Gió” giúp cho một ít làm lộ phí. Nghe xưng danh là giám sinh, “Quận Gió” hồ hởi nói: “Giúp ai tôi cũng sẵn lòng. Giúp học trò nghèo thì tôi càng không tiếc sức. Nhưng tôi không có sẵn tiền. Tôi là một đạo chích. Vậy anh muốn tôi lấy của ai?”. “Trộm của phú ông ở cửa Tây” - người thanh niên nói. “Không được! Phú ông ở cửa Tây giàu có là nhờ cày sâu, cuốc bẫm, lao động vất vả quanh năm suốt tháng trên các cánh đồng các làng Nghi Tàm, Võng Thị. Không nên lấy của ông ấy” - “Quận Gió” đáp. “Trộm của chủ cửa hiệu vàng bạc ở phố cửa Đông được không?” - người thanh niên ướm lời. “Cũng không được! Ông chủ cửa hiệu chế tác và bán đồ dùng vàng bạc phố cửa Đông là người ngay thẳng. Ông ta tích cóp được chút của ăn, của để là nhờ lăn lộn, khó nhọc trên thương trường. Không nên lấy của ông ấy. Thôi để tôi đến nhà lão quan coi kho bạc của nhà vua ở phố cửa Bắc chôm cho anh vài nén bạc. Lão ấy có lắm vàng ròng, bạc nén trong nhà. Đó là những thứ không phải của hắn” - vừa dứt lời, “Quận Gió” đã băng mình vào bầu trời đen mịt mùng của đêm cuối năm. Người ta còn chưa nhai giập bã trầu đã thấy “Quận Gió” trở về với 2 nén bạc trong tay. “Quận Gió” nói: “Với 2 nén bạc này, anh có đủ tiền làm lộ phí và còn để dùng vào việc sôi kinh, nấu sử. Mong rằng sau này anh đỗ đại khoa làm rạng danh công ơn sinh thành, dòng họ, tổ tiên”.

Cầm 2 nén bạc lên soi dưới ánh đèn dầu và thấy có đề 4 chữ “Quốc khố chi bảo”. Vua Lê Thánh Tông lúc đó nghĩ trong bụng rằng: “Không nghi ngờ gì nữa, đây quả đúng là bạc trong kho của triều đình”. Sáng mồng một tết, nhà vua cho thiết đại triều. Khi tất cả quan văn võ đã tề tựu đông đủ, khi ấy nhà vua mới đem câu chuyện vi hành đêm 30 tết kể lại cho mọi người nghe. 2 nén bạc được chuyền tay cho tất cả quan xem tận mắt. Viên quan coi kho cứng họng trước những chứng cứ không thể chối cãi. Hắn bị lột bỏ hết mọi tước vị, gia sản bị tịch thu và lưu đày đi ải xa.

Lời bàn:

Điều giỏi nhất của Lê Thánh Tông không phải trên lưng ngựa, không phải ở bản lĩnh đối đầu với các nước xung quanh, mà chính là tạo nên một rường cột về bộ máy hoàn chỉnh cho nước Đại Việt ngày ấy. Với Bộ luật Hồng Đức nổi tiếng, Lê Thánh Tông đã đưa Việt Nam trở thành nhà nước pháp quyền thuở sơ khởi. Và trong đó có những điều luật mà đến bây giờ - tức gần 600 năm sau, nhưng vẫn còn khiến người ta phải cố đấu tranh mà đạt được. Đó là tư tưởng “bênh vực và bảo vệ quyền lợi phụ nữ”. Và thứ hai là bảo vệ quyền sở hữu tài sản của muôn dân, chống tham nhũng triệt để, chống sự lạm quyền và ức hiếp dân chúng.

Nhờ vậy, trong suốt 37 năm trị vì, với quan điểm bỏ cha truyền con nối, trọng người tài thực sự, kiên quyết với nạn tham quan, Lê Thánh Tông đã tạo nên một di sản khổng lồ về tất cả lĩnh vực từ hành chính, kinh tế đến xã hội, từ bảo vệ biên cương đến mở rộng lãnh thổ. Vì vậy, với hậu thế hôm nay, vua Lê Thánh Tông và thời Hồng Đức thịnh thế ấy mãi mãi đi vào lịch sử phong kiến của dân tộc Việt Nam, đó là thời kỳ vinh quang nhất, ấm no nhất và đặc biệt là kiêu hãnh nhất.

N.D

  • Từ khóa
110262

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu