Thứ 4, 08/05/2024 21:40:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 15:47, 28/07/2019 GMT+7

Dụ cọp ra khỏi hang

Chủ nhật, 28/07/2019 | 15:47:00 371 lượt xem
BP - Không phải cho đến ngày nay, mà từ xa xưa đã có không ít vụ án dẫu biết rõ nghi phạm là ai, nhưng lại không thể đưa ra xét xử, vì đối tượng phạm tội trốn khỏi nơi cư trú và ẩn náu nơi thâm sơn cùng cốc không thể tìm ra. Vậy phải làm sao để tội phạm bị tra cổ vào gông, tay chân chịu cùm? Trả lời cho câu hỏi này là hoàn toàn phụ thuộc vào tài trí của người điều tra, phá án và quan xét xử. Ở lĩnh vực này, Nội tán Nguyễn Khoa Đăng là vị quan điển hình.

Nguyễn Khoa Đăng là công thần thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Ông sinh năm 1690, tại huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên (nay là tỉnh Thừa Thiên - Huế). Nguyễn Khoa Đăng vốn thông minh từ nhỏ. 18 tuổi, ông ra làm quan, lần lượt trải đến chức Nội tán kiêm Án sát sứ, Tổng tri Quân quốc Trọng sự, tước Diên Tường hầu vào năm 1722. Ông nổi danh là người có mưu lược, trung thực và đức độ. Ông có tài xử kiện cáo, đủ trí xét ngay gian, cho nên được người đời gọi là “Bao Công”. Nổi bật hơn cả là việc ông đã đem lại an ninh cho vùng truông nhà Hồ. Truông nhà Hồ thuộc nơi giáp giới đất Quảng Bình và Quảng Trị. Tương truyền rằng, khi xưa chỗ này là núi rừng rậm rạp, có nhiều côn đồ tụ tập để cướp bóc những người đi qua khu vực này.

Bấy giờ, Nguyễn Khoa Đăng làm Nội tán, thấy dân sống không yên với bọn cướp, ông bèn nghĩ cách dẹp chúng để trừ họa cho dân. Để dụ được bọn lục lâm thảo khấu liều lĩnh này, ông nghĩ ra một kế đắc dụng. Nguyễn Khoa Đăng lệnh cho chế ra một loại hòm gỗ kín có lỗ thông khí vừa 1 người ngồi, có khóa bên trong để người trong hòm mở được dễ dàng. Sau đó, ông cho tuyển những người giỏi võ cho ngồi vào trong hòm, để sẵn vũ khí. Chuẩn bị xong đâu đó, quan Nội tán tìm kế dẫn dụ. Một đoàn quân sĩ cải trang làm dân phu để khiêng những hòm của cải trá hình đi qua truông nhà Hồ. Trước đó, ông đã cho người phao tin có quan trấn ngoài Bắc sắp về quê, đem theo nhiều tư trang quý giá. Bọn cướp nghe tin chẳng khác gì như “mèo thấy mỡ”, chúng bày binh bố trận hòng đánh úp, cướp trọn số của cải kia.

Quả nhiên, thông thuộc địa bàn, vũ khí áp đảo, những hòm của cải bị chúng cướp rất dễ dàng, hò nhau khiêng về đại bản doanh. Những chiếc hòm nặng vừa đặt xuống, chẳng cần chúng mở để ngắm “của cải” thì nắp đã bật tung cả lên, các võ sĩ từ bên trong nhanh như sóc cầm vũ khí lao ra tấn công bọn chúng. Cùng lúc ấy, binh lính của quan Nội tán 4 mặt vây kín. Đảng cướp nhanh chóng buông gươm, quỳ gối chịu trói. Vậy là nạn cướp ở truông nhà Hồ được dẹp tan. 

Cũng tại đất Hồ Xá, quan Nội tán họ Nguyễn còn phá được một vụ án khó, kẻ trộm phải đeo gông, mà người mắc nạn thì lấy lại được của cải đã mất trước đó. Số là có người lái buôn nọ làm nghề buôn giấy. Khi đem giấy đi qua làng Hồ Xá thì nghỉ trọ ở đó. Vốn đây là đất có trộm cướp nhiều, thấy của thì chúng nẫng nhanh hơn ai hết. Kết quả vị lái buôn kia bị mất luôn một gánh giấy. Không biết tìm đâu cho ra, ông ta bèn kêu lên quan Nội tán. Sau khi đã rõ nguồn cơn, Nguyễn Khoa Đăng cho người đi tìm hiểu, do thám mà không thu được tín hiệu gì khả quan. Ông cho rằng, muốn phá được án, cần phải dụ cọp ra khỏi hang. Vì thế, ông đã nghĩ ra một đắc kế. Quan Nội tán cho triệu tập dân sở tại và các làng lân cận rồi truyền bảo dân các xã, thôn rằng, quan tỉnh lệnh họ phải làm ngay một tờ khai tên tuổi, quê quán cho minh bạch để chính quyền dễ quản lý. Khi ấy, mọi người đua nhau đi mua giấy để làm bản khai. Chẳng mấy chốc, giá giấy tăng lên nhanh chóng.

Tên trộm gánh giấy kia sau khi lấy được của thì giấu ở nhà, nay thấy giá giấy tăng lên nhanh, nghĩ kiếm được món lời to, nên hắn đem giấy ra chợ bán. Nhưng đạo chích giấy nào biết rằng, binh lính của quan Nội tán đã được bí mật rải khắp chợ để chờ hắn lộ diện. Tiền lời chưa kịp thu thì kẻ trộm giấy đã phải chịu tội nơi công đường, không chỉ trả lại gánh giấy đã chôm chỉa, mà còn phải đền tiền giấy cho dân địa phương đã tốn tiền mua giấy kê khai tên tuổi. Riêng dân tình đất Hồ Xá thì khen ngợi tài trí của ông mãi không thôi.

Lời bàn:

Tài xử án như Bao Công, đó là khen ngợi của người đương thời đối với Nguyễn Khoa Đăng, bởi ông là người có biệt tài xét xử các vụ kiện cáo. Thời ấy, có rất nhiều vụ án tưởng chừng đã đi vào ngõ cụt vì chứng cứ không rõ ràng, phần vì thủ phạm phi tang, phần vì lâu ngày dấu vết bị mất. Thế nhưng, bằng tài năng, trí tuệ và sự mẫn cán trong công việc, cùng với việc áp dụng kinh nghiệm trong thực tiễn cuộc sống, ông tìm ra được những kẻ trộm dưa, trộm tiền của người bán dầu, trộm giấy... và điều này đã khiến ông nổi tiếng. Không những thế, ông còn nổi danh là người có mưu lược, trung thực, đức độ và luôn biết sống vì dân, vì những người nghèo khổ.

Từ nội dung của giai thoại này cho thấy, trong quá trình điều tra phá án, việc lần tìm manh mối, xâu chuỗi sự kiện, tình tiết vụ án cần có sự logic. Vì vậy, đức tính không thể thiếu của người làm công tác điều tra, đó là sự nhẫn nại, cẩn trọng, tỉ mỉ, không bỏ qua bất cứ tình tiết, manh mối nào dù là nhỏ nhất. Tuy nhiên, như thế vẫn là chưa đủ, mà còn phải biết đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn cuộc sống và am hiểu tâm lý tội phạm để chọn đúng thời điểm kết thúc vụ việc mà những kẻ phạm tội không thể chối cãi. Thiết nghĩ, kinh nghiệm phá án của Nguyễn Khoa Đăng vẫn còn là bài học quý cho công tác điều tra và xét xử ngày nay.

N.D

  • Từ khóa
110210

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu