Thứ 2, 20/05/2024 11:37:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:16, 15/06/2013 GMT+7

Trung trinh một tấm lòng

Thứ 7, 15/06/2013 | 14:16:00 206 lượt xem

Dưới thời vua Tự Đức (1848-1883), Nguyễn Tư Giản là một trong người cận thần của nhà vua, được nhà vua giao cho chức Kinh Diên khởi chú, giúp việc giảng sách cho vua. Tự Đức là một trong những vị vua rất chăm chỉ nghe giảng thêm kinh sách, tuy nhiên cũng có lúc vì quá bận việc, nhà vua đã không thể tới tòa Kinh Diên để nghe giảng sách một cách đều đặn được. Quan Kinh Diên khởi chú là Nguyễn Tư Giản lấy đó làm điều lo ngại, bèn cùng với đồng liêu dâng sớ can vua. Việc này, sách Đại Nam chính biên liệt truyện có đoạn ghi lại như sau:

Nhà vua từng vì bận việc mà nghỉ nghe giảng sách. Nguyễn Tư Giản cùng với đồng liêu dâng sớ can, đại lược nói rằng: Tòa Kinh Diên đặt ra là cốt để làm nơi giảng giải cho rõ đạo học của thánh hiền, bồi bổ đức lớn cho đấng vua hiền, hiểu được nỗi buồn còn uẩn khuất của dân, xét kỹ sự được, sự mất của đạo trị nước, tóm lại là không điều gì lại không có ở đó. Thế mà gần đây thánh thượng ít ra ngự ở tòa Kinh Diên, cũng chẳng thấy triệu bọn thần vào nơi Tiện Điện để đối đáp, thần lấy làm e ngại rằng vua tôi ngày một cách xa, lời giúp ích ngày một hiếm, dân tình ở dưới ngày càng bị che lấp, muôn việc ngày càng bị cản trở... tất cả đều nảy sinh từ đây. Nay, mấy tháng liền rất ít mưa, ấy là trời đã răn bảo trước vậy. Cúi xin bệ hạ noi gương đời trước, hăng hái nối chí người xưa, ngày nghe giảng thì thân đến truyền bảo, ngày nghỉ thì triệu bọn thần đến để hỏi han. Thiết nghĩ, bệ hạ nên lắng nghe lời khuyên hối cải để bồi bổ đức lớn, không nên lấy sự chiều ý của người khác mà làm điều hay mà nên khuyến khích sự mạnh bạo, thẳng thắn. Với những người chầu tả hữu, kẻ nào gian tà thì đuổi đi, kẻ nào nịnh hót thì giáng bỏ, mọi vật quý của lạ và những trò vui chơi quyết không cho dâng lên trước mặt. Được như thế thì lúc nào động cũng như tĩnh, lúc cất nhắc công việc cũng như khi vô sự yên bình, chẳng chút mảy may tình riêng nào có thể chen lấn vào được. Khi ham muốn riêng tư đã sạch thì lẽ trời sẽ tỏ, tâm tư như cõi hư không thì lòng trời cũng hiểu thấu, ắt sẽ sẵn giúp cho đến thành công. Bấy giờ đem áp dụng vào việc cai trị thiên hạ thì thật chẳng có gì là khó cả. Nhược bằng không làm như vậy thì Kinh Diên chẳng qua chỉ là nơi bàn luận thơ văn, mà xét về ngọn nguồn, bọn thần chưa dám cho việc này là có ích.

Năm Ất Hợi (1875), ông được bổ chức Thượng thư bộ Lại sung Cơ mật viện đại thần. Nhưng đến tháng 7, thì Nguyễn Tư Giản lại bị giáng chức phải ra làm Sơn phòng sứ ở Chương Mỹ (thuộc Hà Tây cũ) coi việc khẩn hoang để chuộc tội. Lý do là vì trước đây ông đã cho một học trò tên Phan Văn Nhã vào làm thư lại. Sau đó, Nhã đã làm ấn giả, bảng Cửu phẩm giả. Vì cả tin, nên Nguyễn Tư Giản cùng Tham tri Nguyễn Văn Thúy và Thị lang Nguyễn Mậu Đạo đều điềm nhiên ký tên và đóng dấu vào. Việc bị phát giác và tâu lên, vua giao cho Pháp ty chiếu luật định án. Năm Mậu Dần (1878), ông được triệu về Huế, trao chức Thị giảng học sĩ và ủy nhiệm phụ trách việc khánh tiết. Sau biến cố tại kinh thành Huế xảy ra vào đêm 22-5-1885, vua Hàm Nghi cùng đoàn tùy tùng chạy ra Tân Sở (Quảng Trị), vua Đồng Khánh lên thay, Nguyễn Tư Giản được cử giữ chức Thị lang bộ Hộ, nhưng sau đó ông giả ốm xin về nghỉ.

Năm 1886, triều đình cho mời một số danh sĩ ra làm việc. Từ chối mãi không được, Nguyễn Tư Giản phải ra làm Tổng đốc Ninh - Thái (Bắc Ninh - Thái Nguyên). Tháng 3 năm 1887, vua Đồng Khánh trích công quỹ một ngàn đồng Đông Dương để Chính phủ Pháp mua đồng đúc tượng Toàn quyền Paul Bert. Nhân đó, các quan trong Nha Kinh lược Bắc kỳ là Nguyễn Hữu Độ và Nguyễn Chính cũng bày ra chuyện lạc quyên ở các tỉnh để góp thêm tiền mua đồng. Thế nhưng, các quan chức ở tỉnh Ninh - Thái không quyên góp một đồng nào. Lập tức, Nha Kinh lược tâu lên vua, xin cho tra vấn và đổi chức. Thuận theo yêu cầu, vua Đồng Khánh cho Nguyễn Xuân Duẩn đến thay, đồng thời triệu Nguyễn Tư Giản về Nha Kinh lược xét hỏi.

Bị tra vấn, Nguyễn Tư Giản biện giải rằng: Việc này không do chỉ dụ nhà vua giao trách nhiệm cho cả ba kỳ. Chỉ riêng Nha Kinh lược Bắc kỳ định ra, các Tổng đốc không được dự bàn thì không trách cứ được. Việc quyên góp là việc làm tự nguyện, pháp luật cũng không ràng buộc, các quan chức Ninh - Thái hiện nay đang rất túng quẫn, không thể có tiền góp sang nước Pháp. Sau đó, Nguyễn Tư Giản xin được từ quan, về ẩn thân dạy học ở Phát Diệm cho đến năm Canh Dần (1890) thì mất tại đây, thọ 67 tuổi.

Lời bàn:

Khi nói về Nguyễn Tư Giản, sử gia đương thời là Hàn Thụy Vũ đã từng viết: Là một người học rộng, tài cao, một đại thần nòng cốt của triều Nguyễn, khi chế độ quân chủ Việt Nam sang đời Thiệu Trị bắt đầu suy thoái, ông luôn trăn trở trước những vấn đề trọng đại của đất nước đặt ra cho thế hệ mình... Là một trí thức lớn, ông không khuôn suy nghĩ của mình vào những chuyện thường tình, mà dành tâm trí cho những vấn đề quốc kế dân sinh. Trong bài ứng chế viết cho vua Tự Đức năm  1853, ông nêu lên 6 cái tệ lớn của quan lại đương chức, mà nhức nhối hơn cả là nạn tham nhũng và hiện tượng quan viên ngồi chơi... Ấy là cái nạn “nhũng viên”, tức là kẻ nhàn tản quá nhiều trong cơ quan chính quyền.

Tiếc rằng, Nguyễn Tư Giản chưa có cái dũng khí cầm gươm ra trận quyết chiến với giặc ngoại xâm như Phạm Văn Nghị, Nguyễn Hữu Huân và ông cũng chưa có cái can đảm dứt khoát khước từ sự lôi kéo của nhà Nguyễn. Chỉ với những điều ông nghĩ, những việc ông làm cũng đã đủ để cho người đương thời và hậu thế rõ được tấm lòng yêu nước, thương dân của ông.

N.N

  • Từ khóa
109421

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu