Thứ 2, 20/05/2024 11:36:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 16:21, 15/05/2013 GMT+7

Xấu vẫn khoe

Thứ 4, 15/05/2013 | 16:21:00 114 lượt xem

 

Chuyện kể lại rằng, ngày xưa có một ông quan võ nhưng lại rất sính thơ nôm. Ở bên nhà viên quan kia có một người hàng xóm khéo tán ăn. Hễ làm được bài thơ nào viên quan võ cũng gọi người hàng xóm kia sang rồi đọc cho khách nghe. Lão hàng xóm mỗi khi nghe chủ nhà đọc xong một bài thơ dù hay dù dở lão cũng cứ khen hay. Có lần lão hàng xóm còn nói với viên quan kia rằng:

Thơ của quan toàn là lời vàng, chữ ngọc, quả thật là chẳng kém gì Lý Bạch, Đỗ Phủ tái thế.

Mỗi lần nghe lời tâng bốc ấy, viên quan lại cho lão hàng xóm kia được ăn uống lu bù và toàn là của ngon, vật lạ.

Có lần, viên quan lại cho gọi lão hàng xóm kia sang đánh chén. Khi vừa ngồi vào bàn ăn, viên quan liền nói: Tôi mới làm xong cái chuồng chim ở sau vườn. Nhân lúc cao hứng, tôi đã sáng tác ra được một bài thơ tứ tuyệt. Bây giờ, tôi thử đọc bác nghe xem sao nhé! Nói rồi viên quan khề khà đọc rằng:

Bốn cột chênh vênh đứng giữa trời, Đứa thì bay bổng đứa bay khơi. Ngày sau hắn đẻ ra con cháu, Nướng chả băm viên đánh chén chơi.

Viên quan vừa đọc dứt lời, lão hàng xóm kia đã nức nở khen:

Chà! Chà! Hay quá, hay quá, xin quan bác đọc cứ từ từ lại từng câu để cho kẻ hèn mọn là em đây được thưởng thức hết cái hay của bài thơ ạ!

Nghe vậy, viên quan lại càng thích chí, hai cánh mũi của ông ta lúc đó cứ phập phà, phập phồng, rồi ông ta dõng dạc đọc lại ngay: Bốn cột chênh vênh đứng giữa trời.

Lão hàng xóm kia tán ngay: Tuyệt! Cứ như câu này thì quan phải làm đến chức thuộc tứ trụ triều đình.

Viên quan tiếp: Đứa thì bay bổng đứa bay khơi.

Lão hàng xóm nịnh tiếp: Ôi, thế thì quan còn thăng chưa biết đến đâu!.

Quan đọc đến câu: Ngày sau hắn đẻ ra con cháu,

Lão hàng xóm lại tán rằng:

Hay quá! Với câu này thì em chắc chắn rằng con cháu của quan ngày sau sẽ là nhiều vô kể!.

Lão hàng xóm vừa nói xong, viên quan đọc tiếp: Nướng chả băm viên đánh chén chơi.

Đến đây thì người kia ngần ngừ, sau lại tâng bốc: Tuyệt quá! Đây thực sự là cảnh quan lớn về già thì tha hồ mà phong lưu.

Đến lúc này, cái mũi của viên quan võ đã nở bằng cái đấu, ông ta đắc chí rung đùi, rồi rót rượu mời người kia và nói:

Thơ của tôi kể cũng tự nhiên đấy nhỉ? Bây giờ nhân cuộc vui tôi thử làm một bài tức cảnh nữa nhé?. Ngay sau đó, viên quan nhìn quanh thấy con chó, mới vịnh luôn một bài thơ rằng: Chẳng phải voi, chẳng phải trâu; Ấy là con chó cắn gâu gâu. Khi ngủ với nhau thì phải đứng; Cả đời không ăn một miếng trầu.

Lão hàng xóm kia lại gật gù tâng bốc, quan lại thưởng rượu và gọi thêm đồ nhắm. Lúc đó, lão hàng xóm được thể lại càng đưa quan lên chín tầng mây. Rồi vui miệng, lão hàng xóm kia cũng xin đọc theo một bài thơ. Sau khi được viên quan chủ nhà cho phép, lão liền đọc: Quanh quanh đằng đít lại đằng đầu; Hễ thấy ai vào cắn gâu gâu. Ăn hết của thơm cùng của thối! Trăm năm chẳng được chén chè tầu.

Cứ thế, cuộc ngâm vịnh của viên quan võ và lão hàng xóm kéo dài mãi cho đến lúc cả hai người rượu đã say mềm mới thôi.

Lời bàn:

Nhà văn Nguyễn Công Hoan ngày xưa đã từng đưa ra một khái niệm về “truyện”. Và theo ông: Truyện là bịa, nhưng là bịa có thật. Và với ai thì không biết, nhưng với tôi thì nhận xét trên của nhà văn Nguyễn Công Hoan là có phần chính xác. Bởi lẽ sự thật nào cũng chỉ là sự thật tương đối, vì nó tùy thuộc vào góc nhìn và khoảng cách của người quan sát. Đối với người quan sát khác, ở góc nhìn khác và khoảng cách khác, thì họ sẽ có một “sự thật khác”. Vấn đề là cung cách diễn đạt các sự kiện lịch sử hay một sự việc hoặc một con người nào đó. Mà đã là cung cách có nghĩa là sự diễn đạt mang màu sắc chủ quan. Biến cố, sự kiện hoặc nhân vật... sẽ được phủ lên một màn sương của những ước muốn tiềm ẩn. Và như thế, sự kiện, sự vật và hiện tượng sẽ dễ dàng trở thành giai thoại. Giai thoại không có nghĩa là lịch sử bị xuyên tạc vì giai thoại nào cũng hàm chứa hạt nhân hợp lý trong đời sống xã hội, thậm chí giai thoại còn phản ánh một cách trung thành và chính xác về một sự kiện hay hiện tượng nào đó.

Và nói như vậy là để khẳng định giai thoại trên không phải hoàn toàn là bịa, mà nó có phần phản ánh khá trung thực, chính xác tính cách tham lam và cả những thói hư, tật xấu của tầng lớp quan lại dưới thời phong kiến ngày xưa, nhất là những kẻ đã dốt nhưng lại hay khoe chữ. Còn kẻ hèn thì hay nịnh bợ để kiếm miếng ăn ngon. Văn học dân gian Việt Nam nói chung và giai thoại nói riêng là vậy, nó là thứ vũ khí sắc bén của người dân để chống lại cường quyền, bọn quan tham và ngu dốt. Vì thế, muốn tìm hiểu lịch sử xã hội phong kiến Việt Nam thời xưa thì không gì bằng đọc và nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam. 

Đ.T

  • Từ khóa
109412

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu