Thứ 6, 17/05/2024 23:47:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Báo Xuân 17:44, 29/01/2014 GMT+7

Xuân về Tiểu khu 42

Thứ 4, 29/01/2014 | 17:44:00 205 lượt xem

Tiểu khu 42 thuộc Nông lâm trường Đắk Ơ (xã Đắk Ơ, Bù Gia Mập) nay đã đổi khác, không còn cảnh lửa cháy, khói ngút trời như những ngày đầu người dân tới đây khai phá, lập nghiệp. Thay vào đó là màu xanh của những cánh rừng, khu vườn được trồng mới và những căn nhà khang trang mới xây. Dù còn bộn bề khó khăn, nhưng người dân nơi đây đã “an cư lạc nghiệp”, nhờ nhiều chính sách quan tâm kịp thời của chính quyền địa phương.

NƠI NHỮNG HỘ NGHÈO, BỊ THU HỒI ĐẤT GẶP NHAU

Hầu hết đất của bà con ở đây thuộc diện bị thu hồi, do xâm chiếm đất rừng trái phép. Năm 2009, UBND tỉnh đã phê duyệt chuyển đổi diện tích rừng nghèo kiệt, tạo quỹ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo được hưởng Chương trình 33 của Chính phủ. Từ đó, tiểu khu cũng là nơi tái định canh, định cư của nhiều hộ nghèo không có đất sản xuất, những hộ lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép trước ngày 1-1-2004.

Năm 2000, vì cuộc sống khó khăn, gia đình ông Nguyễn Văn Út rời quê Kiên Giang lên định cư tại thôn 6, xã Đắk Ơ (Bù Gia Mập). Buổi đầu lên Bình Phước lập nghiệp, gia đình ông gặp muôn vàn khó khăn, phải ở nhờ nhà bà con. Để có kế sinh nhai, gia đình ông đã phá rừng lấy đất trồng mì, trồng bắp và đây là nguồn thu nhập chính. Năm 2006, UBND tỉnh có quyết định thu hồi hơn 1 ha đất lâm nghiệp của gia đình ông Út, do lấn chiếm trái phép. Mới đầu, ông Út và một số hộ khác không hiểu chủ trương trên của UBND tỉnh nên đã kéo nhau đi khiếu kiện, với hy vọng đòi lại đất khai phá trái phép của mình. Được cán bộ ngành chức năng và địa phương giải thích, ông Út và các hộ dân ở đây đã hiểu được chủ trương và không khiếu kiện nữa, chăm chỉ làm ăn.

 Cũng vì kế sinh nhai, 51 hộ dân tại thôn Cây Da, xã Phú Văn, (Bù Gia Mập) đã từ nhiều miền quê nghèo khác nhau trong cả nước tìm về đây lập nghiệp. Buổi đầu tới đây, nhiều hộ cũng giống như hộ ông Út, đã tham gia phá rừng làm rẫy. Một số hộ khác thì dành dụm tiền để mua đất, nhưng vì không am hiểu pháp luật, họ đã mua phải đất vườn được khai phá từ đất lâm nghiệp lẫn chiếm trái phép. Do đó, ước mơ “an cư lạc nghiệp” của họ bỗng vụt mất, họ trở thành những người trắng tay.

NIỀM VUI ĐÃ TRỞ LẠI...

Tính đến thời điểm này, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ cấp đất tái định canh, định cư từ 1 đến 1,5 ha đất /hộ (tùy thuộc vào số nhân khẩu của gia đình) tại Tiểu khu 42 cho gần 200 hộ dân của huyện Bù Gia Mập và đã có 66 hộ được  hưởng nhà ở từ Chương trình 167 (Chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo của Chính phủ). Dù mọi thứ ở đây mới chỉ bắt đầu, nhưng bằng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, bà con nơi đây như tìm lại được niềm vui. Họ đã có nhà ở, có đất để lao động sản xuất nên phấn khởi vươn lên làm giàu.


Một góc Tiểu khu 42

Ông Nguyễn Văn Út cho biết: “Sau khi bị thu hồi đất lâm nghiệp do khai phá trái phép, gia đình tôi được Nhà nước cấp đất tái định canh, định cư. Tôi rất mừng. Từ ngày được cấp đất sản xuất, gia đình tôi đã trồng 2 vụ mì (sắn), cuộc sống đã bớt khó khăn hơn nhiều. Tiếp đó không lâu, gia đình tôi lại được Nhà nước hỗ trợ tiền xây nhà theo Chương trình 167, tôi thực sự không biết nói gì hơn, cảm ơn Đảng và Nhà nước rất nhiều”. Có đất sản xuất, có nhà mới, gia đình ông Út thoát cảnh chạy ăn từng bữa, lều tre tạm bợ với mưa gió tứ bề. Trước mắt cuộc sống còn khó khăn, nhưng gia đình ông đã có động lực để phấn đấu thoát nghèo.

Đang loay hoay tìm chốn ở và lo kế sinh nhai sau khi bị thu hồi đất do xâm chiếm đất lâm nghiệp trái phép, gia đình chị Lê Thị Lanh (xã Đắk Ơ) được Nhà nước bố trí đất tái định cư tại Tiểu khu 42. Ngoài 25 triệu đồng tiền hỗ trợ xây nhà từ Chương trình 167, chị Lanh đã vay mượn thêm để xây dựng ngôi nhà kiên cố. Chị Lanh vui mừng nói: “Trước đây, vợ chồng tôi không có nhà cửa. Nay đã có nhà ở kiên cố, vợ chồng tôi sẽ cố gắng làm ăn để trả nợ, nuôi con cái học hành tới nơi tới chốn”.

...DẪU CÒN KHÓ KHĂN

Đến nay, hầu hết các hộ dân ở đây đã ổn định nơi ăn chốn ở, nhưng đời sống vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó khó khăn lớn nhất là điện sinh hoạt và đường giao thông. Tuy đường vào tiểu khu đã có, nhưng đến mùa mưa trở thành con đường chết. Con đường đất đỏ này chỉ được múc và san ủi bằng phẳng, chưa được rải sỏi. Vào mùa mưa, mặt đường như một chảo mỡ trơn nhẫy, bị nước mưa chia cắt thành nhiều rãnh, ổ gà. Xe ôtô không đi được, xe gắn máy cũng chào thua. Vào mùa khô, chỉ cần 1 chiếc xe máy chạy qua là đường bụi mù.


Người dân phấn khởi góp sức xây nhà theo Chương trình 167

Ông Nguyễn Trung Trí, Chủ tịch UBND xã Đắk Ơ cho biết: “Đường từ trung tâm xã vào Tiểu khu 42 dài khoảng 10 km, nếu đầu tư làm đường nhựa thì kinh phí khoảng 20 tỷ đồng. Trong khi đó, hằng năm xã chỉ được cấp ngân sách đầu tư cho giao thông khoảng 500 triệu đồng. Với nguồn kinh phí hạn hẹp này, xã chỉ đủ tiền sửa lại đường bị hư hỏng”.

Hiện nay, công trình nước sạch tại Tiểu khu 42 cũng được UBND tỉnh phê duyệt xây dựng với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Dự kiến năm 2014 sẽ triển khai thực hiện để cấp nước sạch cho người dân sử dụng. Dự án kéo điện sinh hoạt vào tiểu khu cũng đang được triển khai. Điện lực huyện đã chôn trụ, kéo dây điện vào tiểu khu chờ đấu nối là người dân có điện sử dụng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trung Trí, tại Tiểu khu 42 có đường điện trung thế của Bộ Quốc phòng đi qua, do đó UBND huyện đã xin hạ thế đường điện để các hộ dân sử dụng. Bộ Quốc phòng đang xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, nên điện vẫn chưa thể về tiểu khu kịp trong năm 2013.

                    Nhất Sơn

  • Từ khóa
110683

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu