Thứ 3, 21/05/2024 11:30:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Báo Xuân 17:46, 29/01/2014 GMT+7

Tết của những người giữ rừng

Thứ 4, 29/01/2014 | 17:46:00 173 lượt xem

Ngày tết, ai cũng muốn sum họp cùng gia đình, nhưng với những cán bộ kiểm lâm, họ phải có mặt 24/24 giờ trong rừng, bởi đối tượng xấu thường lợi dụng những ngày tết thực hiện các hành vi vi phạm lâm luật. Do vậy, khi mọi người đang vui xuân thì lực lượng kiểm lâm lại phải căng mình làm nhiệm vụ. Không chỉ người ở lại, mà những người được về nhà ăn tết cũng luôn chuẩn bị tinh thần sẵn sàng có mặt khi có tình huống xảy ra.

VÌ LÁ PHỔI XANH

Như một hiệp sĩ độc hành với hành trang là chiếc võng, cái radio, con dao phát và mì gói, ngày nào ông Vũ Gia Long, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Bù Đốp, phụ trách tuyến đường sông cũng đi tuần trên ghe dọc tuyến sông, rồi lại lên bộ kiểm tra đường tuyến. Thời gian gắn bó với rừng chưa nhiều, nhưng chưa năm nào ông ăn tết cùng gia đình mà miệt mài gìn giữ lá phổi xanh ở huyện nghèo biên giới. Ông cho biết: “Trên đường tuần tra tôi không quản thời gian, những lúc mệt hay đêm tối, mắc võng nghỉ lại giữa rừng và làm bạn với chiếc radio”. Dù nguy hiểm luôn rình rập bởi những kẻ săn bắn thú rừng và chặt phá rừng đe dọa, nhưng với tình yêu rừng, ông quên đi tất cả để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với ông những cánh rừng bạt ngàn, xanh thẳm chính là món quà thiên nhiên trao tặng con người.

Ông Long nói: Tôi đưa gia đình từ Yên Bái vào Thanh Hòa (Bù Đốp) lập nghiệp, năm 2004 vào làm nhân viên giữ rừng cho đến nay. Thời gian đầu rất bỡ ngỡ, được anh em trong hạt tận tình hướng dẫn nên càng làm càng đam mê, gắn bó với rừng. Có yêu rừng mới thấy rừng đẹp. Rừng ở Bù Đốp đang phát triển mạnh, có nhiều thú rừng kéo về sinh sống, không chỉ bò tót, nai, mễn mà khỉ cũng rất nhiều. Ở khu rừng khộp thỉnh thoảng voi còn kéo về cả đàn. Được chứng kiến những cảnh như thế, tôi càng thêm yêu và gắn bó với rừng.

Mỗi khi dừng nghỉ, những người giữ rừng phải gom rác và cành cây khô đốt đuổi muỗi rừng

Dừng tay châm ngọn lửa đuổi muỗi, anh Trần Anh Hùng, Tổ phó tổ lưu động, chuyên trực chiến bảo vệ và phòng chống cháy rừng cho biết: Muỗi trong rừng rất nhiều, chỉ cần có hơi người là chúng kéo đến rất đông, muốn đuổi phải đốt lửa, hun khói. 25 năm theo nghiệp kiểm lâm và gắn bó với rừng Bù Đốp từ những ngày đầu, chưa năm nào anh ăn một cái tết trọn vẹn với gia đình. “Ví như chiều tối ngày mồng 1 tết năm 2011, nhận được tin báo, tôi lập tức triển khai cho anh em trong tổ và phối hợp với chốt đường sông lên thác Ông Sấu ở sông Đắk Quýt, phát hiện kẻ gian di chuyển bè gỗ vừa về tới, chúng tôi đã triển khai vây bắt, đến khuya thì bè gỗ được giữ lại. Nhằm bảo vệ số tài sản trên, tôi phải cho tài công chạy về hạt (vì không có sóng điện thoại di động) đề nghị hỗ trợ thêm lực lượng, còn mình và một cán bộ nữa ở lại canh gác. Hơn một ngày canh gác bè gỗ với mì tôm và nước sông, lúc đầu chúng tôi rất lo lắng, bởi từ vị trí vây bắt về đến hạt phải đi hơn 20km đường sông, lại ở giữa rừng sâu, nếu bọn lâm tặc manh động tấn công sẽ rất nguy hiểm. Đây có lẽ là kỷ niệm tôi không bao giờ quên” - anh Hùng chia sẻ.

Vào ngành từ năm 1980 và có hơn 10 năm gắn bó với tuyến đường sông, với cán bộ phụ trách tuyến đường sông của hạt, anh Lương Tùy Lũy có rất nhiều kỷ niệm với nghề. Anh bồi hồi kể: Mấy năm trước, cũng vào dịp tết, tôi cùng anh em trong tổ đi tuần tra trên tuyến sông thì phát hiện bè gỗ đang trôi theo dòng nước, anh em tạm giữ và đưa về chốt. Kéo bè về đến ngã ba Vàm (điểm giao giữa sông Bé và sông Đắk Quýt) thì bị lâm tặc tấn công giành lại bè gỗ. Nhưng với tinh thần kiên quyết và cứng rắn của cả tổ, bọn lâm tặc đã phải lùi bước. Nhà ở Lộc Ninh, nhưng hơn 30 năm nay, tôi chưa ăn một cái tết trọn vẹn cùng gia đình. Năm nào cũng vậy, không trực 30 thì mồng 1 tết. Hiểu rõ nghề của chồng nên vợ và các con rất thông cảm, chia sẻ giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ.

Tốt nghiệp Đại học Nông Lâm Huế và nhận nhiệm vụ ở hạt từ năm 2008, đến nay Lương Văn Bảo đang phát huy hiệu quả những gì đã học vào thực tế. Bảo chia sẻ: Lúc mới vào nghề, em nghĩ bảo vệ rừng là một nghề đơn giản, nhưng thâm nhập thực tế mới hiểu không dễ. Muốn làm tốt, mình phải có tình yêu gắn bó với rừng và phải đặt cái tâm vào công việc. Phải thường xuyên đi rừng, tìm hiểu hướng phát triển mới đưa ra được những giải pháp bảo vệ rừng thiết thực. Là cán bộ trẻ, em mong hạt phối hợp với tổ chức đoàn địa phương đưa đoàn viên thanh niên vào rừng đón tết, vui xuân và giao lưu văn nghệ với những người giữ rừng, giúp chúng em có cơ hội giới thiệu, quảng bá nét đẹp của rừng và tuyên truyền cho các bạn trẻ ý thức bảo vệ rừng.

VUI XUÂN KHÔNG QUÊN NHIỆM VỤ

Hiện Hạt Kiểm lâm Bù Đốp đang quản lý và bảo vệ 7.200 ha rừng tự nhiên. Trước sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng, đến nay tình hình phá rừng đã hạn chế đáng kể. Lo ngại nhất với chúng tôi vẫn là làm sao không để cháy rừng xảy ra, bởi thời điểm giáp tết là tháng cao điểm của mùa khô. Do vậy, bên cạnh việc tăng cường tuần tra trên tuyến đường sông và đường bộ thì lực lượng thường trực và các trang thiết bị phòng chống cháy rừng cũng luôn được chuẩn bị sẵn.

Trước đây, mỗi khi xảy ra cháy rừng, chúng tôi phải di chuyển 6-7km mới đến nơi có nguồn nước, khi nước về đến thì đám cháy đã lan rộng. Với phương châm “Nước xa không cứu được lửa gần”, hạt đã khảo sát, khoanh những vị trí quan trọng dễ xảy ra cháy rừng, đưa máy múc nhỏ vào đào các hồ nước có thể tích từ 20-30m3, đồng thời cải tạo lại các hố bom trong rừng. Những hồ này được lót bạt ni-lon, bên trên gác cây, phủ bạt, trồng cây lạc dại để hạn chế nước bị thẩm thấu vào lòng đất và bay hơi. Nếu có cháy rừng xảy ra, chúng tôi chỉ cần đưa loại máy bơm nhỏ vào dập lửa, vừa cơ động, vừa thuận tiện trong việc di chuyển vì nguồn nước đã được chuẩn bị sẵn - Hạt trưởng Nguyễn Văn Ách nói.

Đối với khu vực rừng khộp có rất nhiều loại gỗ quý, nhưng cũng là nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao nhất, bởi ở đây tầng đất nông dễ ngập úng vào mùa mưa và khô kiệt vào mùa nắng. Từ nhiều năm nay, hạt triển khai phương pháp nuôi dưỡng hệ thực vật thứ cấp dưới tán khộp nhằm giữ ẩm vào mùa khô để hạn chế cháy rừng. Ngoài ra, hạt còn tự chế các phương tiện chữa cháy bảo đảm cơ động, tiện lợi như xe đạp thồ chữa cháy, máy phun nước nhờ lực đẩy của canô lướt sóng... và vận động ủng hộ đóng 2 chiếc thuyền máy trị giá hơn 1 tỷ đồng để cơ động trong việc vận chuyển và di chuyển lực lượng.

Nhằm tạo không khí tết cho anh em, tại các chốt giữ rừng hạt đều lập bàn thờ Tổ quốc, tổ chức nấu cơm lam và mời các hội, đoàn thể cùng vui xuân, đón tết. Đây còn là cơ hội để chúng tôi giới thiệu về giá trị của rừng, giúp mọi người hiểu rõ công việc của người kiểm lâm - ông Ách cho biết thêm.

Lâm Phương

  • Từ khóa
110682

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu