Thứ 3, 21/05/2024 10:34:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Báo Xuân 18:08, 29/01/2014 GMT+7

Sức sống mới ở vùng kháng chiến

Thứ 4, 29/01/2014 | 18:08:00 185 lượt xem

Mùa xuân này đồng bào các dân tộc trong vùng kháng chiến cũ ở các xã Lộc Hòa, Lộc An (Lộc Ninh), Thanh Hòa, Thiện Hưng, Hưng Phước, Phước Thiện, Tân Tiến, Tân Thành (Bù Đốp) đón một năm mới với nhiều khí thế mới. Đây là mùa xuân thứ 14 kể từ ngày Trung đoàn 717 (Binh đoàn 16) về làm kinh tế, xây dựng hạ tầng cơ sở, đảm bảo an sinh xã hội... tạo nên những khởi sắc mới trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở một vùng biên giới.

Lửa thử vàng

Những ngày cuối năm 2013 chúng tôi có dịp đến thăm Trung đoàn 717 đóng tại xã Tân Thành (Bù Đốp) để cảm nhận sự “thay da đổi thịt” của vùng đất mà trước đây gần như là điểm trắng về nhiều mặt. Trước mắt chúng tôi, nhiều ngôi nhà khang trang, vườn cây xanh tốt... dọc những con đường trải nhựa tạo nên các khu dân cư sầm uất. Mùa xuân mới đang mang thêm cho vùng đất này nhiều khởi sắc.

Thượng tá Trần Văn Ảnh, Chính ủy Trung đoàn 717 tiếp chúng tôi với sự hân hoan trước những thành tựu mà cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên của đơn vị trong năm 2013 đã đạt được. Trong không khí xuân mới, thượng tá Ảnh nhớ lại buổi đầu khai hoang mở đất vô cùng gian khó. Trung đoàn được thành lập năm 1999 với nhiệm vụ làm kinh tế thuộc Binh đoàn 16 (Bộ Quốc phòng), đóng chân trên địa bàn 8 xã của 2 huyện Lộc Ninh và Bù Đốp. Nơi này trong những năm kháng chiến chống Mỹ là vùng căn cứ cách mạng. Ngày nay lại là vùng sâu, xa, biên giới, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trong điều kiện hết sức khó khăn, trình độ dân trí thấp và hạ tầng yếu kém.

Sau khi được thành lập, 28 cán bộ, chiến sĩ trong bộ khung của trung đoàn đã hành quân từ tỉnh Gia Lai về ở nhờ nhà dân, lều tạm để bám trụ địa bàn, gây dựng cơ sở vật chất. Sau khi ổn định được bộ khung, trung đoàn bắt tay vào nhiệm vụ của mình, vừa tuyển quân, xây dựng khu định cư, vừa tăng gia sản xuất, đặc biệt là công tác gom dân từ rừng ra. Với chức năng là đơn vị làm kinh tế, sau 14 năm trung đoàn đã có 7 ban, 9 đội sản xuất và 1 bệnh xá quân dân y kết hợp; tổng diện tích vườn cây cao su là 1.200 ha, với 409 lao động. Trung đoàn đã cho hơn 403 hộ dân nhận khoán vườn cây, trong đó có 220 hộ đồng bào dân tộc thiểu số từ những nơi khác được đơn vị đưa về sống trong khu định cư. Trung đoàn còn tạo việc làm thường xuyên cho hơn 1.000 lao động tại các địa bàn đơn vị đứng chân.

Thượng tá Ảnh nhớ lại: “Ngày mới thành lập, vùng đất này thuộc thâm sơn cùng cốc nên các đồng chí Đỗ Huy Đức, Vũ Xuân Hải... là những chỉ huy đầu tiên của trung đoàn luôn băn khoăn lo lắng. Nhưng đến nay, mỗi mùa xuân sang là một cái mốc để trung đoàn trưởng thành và xứng đáng với danh hiệu “đơn vị quyết thắng” mà Bộ Quốc phòng đã trao tặng”.

Ấm áp nghĩa tình quân dân 

Đưa chúng tôi thăm căn nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi phục vụ sinh hoạt... anh Điểu Phú tâm sự: “Từ ngày vào làm công nhân cho trung đoàn, gia đình tôi đã vươn lên thành hộ khá, có nhà xây, xe máy”. Ngoài làm công nhân cao su cho trung đoàn, vợ chồng anh còn làm hơn 7 sào ruộng nước và chăm sóc vườn tiêu để tăng thêm thu nhập.


Công nhân được hướng dẫn khai thác mủ tại vườn cây

Anh Trần Văn Biên, Đội trưởng Đội sản xuất số 3 nhớ lại, năm 2001 khi thủy điện Cần Đơn tích nước, 11 hộ đồng bào dân tộc Xêtiêng với 50 người được trung đoàn bố trí định cư tại đây. Để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, cán bộ, chiến sĩ trung đoàn đã dựng nhà, nhận họ vào làm việc tại đơn vị. Sau hơn 10 năm, cuộc sống của các hộ đã hoàn toàn thay đổi. Cụ Thị Ven tâm sự: “Trước đây, cuộc sống của chúng tôi du canh, du cư không ổn định. Sống nhờ vào thiên nhiên nên cái đói bủa vây quanh năm, không biết tết là gì. Từ ngày vào đây với trung đoàn, con cái có việc làm, nhà không lo cái đói, lại có điều kiện đón xuân nên già rất vui”.

Không những vậy, những năm qua nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, dân vận nên những hủ tục mê tín dị đoan, lạc hậu, ma chay đình đám... trong sinh hoạt của đồng bào đã được xóa bỏ. Người dân đang thực hiện nếp sống văn minh, tham gia tất cả các sinh hoạt cộng đồng trên tinh thần vượt khó để xây dựng và phát triển kinh tế.

“sỏi đá cũng thành cơm”

Sau 14 năm xây dựng và phát triển, vùng đất nơi trung đoàn đóng chân đã làm ngỡ ngàng khách lạ ghé thăm khi những khu dân cư, trường học, đội sản xuất, nhà máy chế biến mủ đang mọc lên.

Thượng úy Nguyễn Văn Bảy, Đội trưởng đội 1 cho biết: “Hiện đội 1 quản lý 365 ha cao su, trong đó có 352 ha đang khai thác. Những năm qua, sản lượng mủ khai thác đạt 110-115% so với kế hoạch trung đoàn giao, 4 năm liền đội 1 đạt danh hiệu đơn vị thi đua quyết thắng của binh đoàn. Chị Lê Thị Thơ, công nhân tổ sản xuất 1, Đội 1 là điển hình lao động giỏi, nhiều năm liền đạt “bàn tay vàng cạo mủ” của đơn vị. Chị từ Hà Tĩnh vào Bình Phước lập nghiệp trong tay không có tài sản gì nên cuộc sống vô vàn khó khăn. Từ khi được nhận vào làm công nhân cho trung đoàn thì cuộc sống gia đình như bước sang trang mới. Hiện chị Thơ đã xây được nhà ở khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Từ lương công nhân chị đã tích lũy mua thêm 6 ha cao su và 1.000 nọc tiêu nên đời sống của gia đình đã dư dả.


Sản phẩm mủ tại Nhà máy Chế biến của trung đoàn -  luôn bảo đảm chất lượng

Hiện lương bình quân của công nhân trong trung đoàn đạt trên 6 triệu đồng/người/tháng, hơn 45% hộ gia đình có thu nhập 150 triệu đồng/năm. Anh Lâm Quốc Hoàng, Tổ trưởng tổ sản xuất 4, Đội 1 (nơi có 20 hộ đồng bào và nhiều công nhân đồng bào dân tộc thiểu số làm việc) cho biết: “Với sự quan tâm, tạo điều kiện của trung đoàn, đơn vị cho người dân tộc thiểu số được học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc, giao khoán vườn cây và nhận vào làm công nhân... nhà nào bây giờ cũng có xe máy, tivi và nuôi con ăn học. Đời sống các gia đình ổn định, không còn hộ nghèo đói”.

Xuân mới đang về, Bình Phước mùa cao su đang thay lá, vùng biên giới Bù Đốp, Lộc Ninh cũng đang có sự thay đổi diệu kỳ. Đường điện, đường giao thông đã đến tận các ngõ ngách của thôn ấp, vùng căn cứ cách mạng năm xưa nay không còn là vùng sâu, xa, cách trở nữa, khoảng cách vùng miền trong sản xuất, sinh hoạt đang được rút ngắn... Thành tích đó có phần đóng góp quan trọng của Trung đoàn 717 trên vùng biên cương của Tổ quốc.   

 Nhóm PV KT

  • Từ khóa
110681

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu