Thứ 5, 09/05/2024 02:57:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Báo Xuân 21:16, 29/01/2014 GMT+7

Ước nguyện của những trái tim nhân ái

Thứ 4, 29/01/2014 | 21:16:00 126 lượt xem

Khi những chậu mai đua nhau khoe sắc, nhà nhà, người người sum họp đón mùa xuân mới thì đâu đó quanh ta vẫn còn những hoàn cảnh, mảnh đời bất hạnh... rất cần sự sẻ chia. Anh Phạm Văn Tuấn ở ấp 1, xã Thanh Hòa (Bù Đốp) đã làm những bữa cơm 2.000 đồng hỗ trợ người lao động nghèo bán vé số, lượm ve chai, làm thuê làm mướn, người già, trẻ em và học sinh xa nhà... giúp họ bớt khó khăn cuộc sống.


CÁI TÂM CỦA ÔNG CHỦ QUÁN
VÀ ĐIỂM ĐẾN 
CỦA NGƯỜI NGHÈO

Nằm lọt thỏm trong con hẻm nhỏ, cách thị trấn Thanh Bình không xa, quán cơm 2.000 của anh Tuấn luôn tấp nập vào mỗi trưa các ngày thứ ba, thứ năm, thứ bảy hằng tuần. Không khang trang, bề thế nhưng tươm tất, gọn gàng và tràn ngập yêu thương... Đó là ấn tượng của bất cứ ai khi đến với quán cơm 2.000 của anh. Chút tò mò, chúng tôi hỏi chuyện nhưng các tình nguyện viên rất ngại trả lời. Bởi theo họ, làm việc thiện không nói ra thì hơn. Dù vậy, tôi vẫn cảm nhận được những yêu thương, sự sẻ chia mà các anh, các chị, các bạn tình nguyện viên dành cho người dân nơi đây.

Quán cơm 2.000 của anh Phạm Văn Tuấn ở Bù Đốp luôn  tấp nập vào các ngày thứ ba, năm, bảy hằng tuần

Xen giữa dòng người xếp hàng chờ mua cơm, chúng tôi có cuộc trò chuyện nhanh với bà Trương Thị Chín (85 tuổi). Gia cảnh khó khăn, một mình bà phải phụ con trai nuôi 2 cháu nhỏ đang tuổi ăn học. Cuộc mưu sinh của 4 mẹ con bà cháu luôn chật vật, khó khăn. “Từ ngày Tuấn mở quán cơm 2.000 đến nay, 3 bà cháu tôi chưa bỏ bữa cơm nào. Ra đây ăn vừa ngon, rẻ, tui lại ăn được nhiều hơn ở nhà. Chỉ mong cháu Tuấn gắng sức để quán cơm duy trì lâu dài và phục vụ tất cả các ngày trong tuần” - bà Chín trải lòng.

Xế trưa, khi khách đã vãn, anh Tuấn mang ra một suất cơm và mời tôi ăn cho biết. Cũng như các vị khách được phục vụ trước đó, suất ăn đầy đủ với cơm, thịt gà kho sả, canh thịt heo, rau muống luộc và trái cây tráng miệng. Quay sang anh, tôi chia sẻ thật lòng: Là người thường xuyên phải đi xa nên tôi rất hay ăn cơm bụi. Với phần cơm thế này, ở những quán khác tôi phải trả ít nhất 15 ngàn đồng. Nhưng anh chỉ lấy 2.000 đồng. Sao anh không miễn phí luôn? “Nhiều người vẫn hỏi tôi như thế khi đến quán. Nhưng tôi nghĩ khác. Nếu miễn phí mọi người đến ăn sẽ có cảm giác mang ơn... Để tránh làm tổn thương người nghèo, tôi quyết định thu ít tiền. Lúc đầu tính thu 1.000 đồng, nhưng làm như thế sẽ rất khó trả tiền nên chúng tôi quyết định thu 2.000. Dù tiền thu được không bao nhiêu (mỗi ngày chỉ khoảng 300 ngàn đồng) nhưng điều quan trọng là người nghèo đến với quán được phục vụ chu đáo, công bằng, bình đẳng như những vị khách ở các quán cơm khác. Có mua có bán, không ai cho ai” - anh Tuấn chia sẻ.

Anh Tuấn vẫn làm cơm cho người nghèo

Tôi hỏi sao anh không phục vụ tất cả các ngày trong tuần mà chỉ phục vụ vào các ngày thứ ba, năm, bảy? Anh Tuấn cười: “Mục đích tôi mở quán là để mọi người cảm nhận và biết yêu thương, chia sẻ. Nếu phục vụ tất cả các ngày trong tuần sẽ vô tình tạo cho người nghèo tâm lý trông chờ, ỷ lại”.

Tuy không nhiều và không thể tổ chức thường xuyên nhưng những suất cơm 2.000 đồng của anh Tuấn đã đem lại niềm vui, nguồn động viên tinh thần cho một số người đang ngày ngày vất vả mưu sinh. Bê trên tay dĩa cơm nóng hổi, cụ Chín cười nói: “Thời buổi này với 2.000 đồng chẳng thể mua được món gì để ăn, nhưng ở đây tôi mua được một dĩa cơm rất ngon. Được mọi người ở quán hỏi han, chia sẻ, động viên... tôi thấy gần gũi và thân thiết vô cùng”.


NHỮNG “THẰNG KHÙNG”
Ở VÙNG BIÊN

Nhiều người vẫn nói chúng tôi như thế, nhưng được giúp đỡ mọi người là tôi vui rồi. Anh Tuấn kể lại: “Ấp ủ ước mơ lớn lên sẽ làm được điều gì đó giúp đỡ mọi người nên sau một thời gian được bạn bè giới thiệu, kể chuyện về những quán cơm 2.000 ở thành phố Hồ Chí Minh đã trao tận tay người nghèo những yêu thương, chia sẻ mà không làm tổn thương họ, tôi quyết định mở quán cơm như thế ở huyện vùng biên của Bình Phước còn nhiều gian khó. Những ngày quyết định mở quán, mẹ tôi vẫn bảo: “Con muốn làm từ thiện thì vào chùa hoặc đến các trung tâm nuôi dưỡng người già, trẻ em. Mở quán ra nếu đứt gánh giữa đường thì người đời cười cho...”. Hiểu những suy nghĩ của mẹ, nhưng tôi vẫn quyết tâm làm. Buổi đầu mở quán còn nhiều bỡ ngỡ, lo lắng, nhưng tôi đã nhanh chóng được bạn bè, anh em, cô bác gần xa giúp đỡ. Bây giờ nhóm thiện nguyện của chúng tôi đã có 5 người. Trong đó có một bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa huyện Bù Đốp cổ động chung tay góp sức. Anh giúp chúng tôi kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm nên tôi cũng thấy an lòng và quyết tâm làm đến cùng”.    

Dù quán mở chưa lâu nhưng đã có rất nhiều người đến với anh, chung tay cùng anh hoàn thành tâm niệm. Giúp anh từ những ngày đầu còn “manh nha ý định” có gia đình ông Lê Quốc Phong ở xã Thanh Hòa. 3 cha con ông Phong quán xuyến mọi việc ở quán từ quản lý thu chi, nấu nướng đến dọn dẹp, trang trí quán. Bên cạnh anh luôn có mẹ, vợ và các con ủng hộ, khích lệ. Các chị Nguyễn Thị Điểm, anh Trần Thanh Tâm là những đầu bếp của nhà hàng ở xã Thanh Hòa (Bù Đốp) giúp anh nội trợ... Cùng với rất nhiều bạn trẻ, học sinh, thanh niên, công an xã đến phục vụ, rửa chén mỗi ngày. Người góp của, người góp công, không ai bảo ai, tất cả đã làm nên những bữa cơm cho người nghèo thêm phần ấm áp.

Để có gần 200 suất cơm phục vụ mỗi ngày, một nhóm tình nguyện viên của anh gần 10 người ở xã Thanh Hòa (Bù Đốp) đã tập trung làm việc từ 4 giờ sáng. Người nấu, người nhặt rau, người làm thịt... Khoảng hơn 2 tiếng chuẩn bị, cơm và thức ăn nấu chín được phân từng phần trên các khay i-nox sạch sẽ. Khoảng hơn 10 giờ sáng, quán bắt đầu đón những vị khách đầu tiên. Vãn khách, các tình nguyện viên lại quần quật với việc dọn rửa, vệ sinh quán. Họ nhiệt tình, vui vẻ, cùng nhau gánh vác công việc nặng nhọc này mà không chút nề hà.

Năm mới đã đến. Mùa xuân sẽ mang theo hy vọng về những điều tốt đẹp. Như một câu hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “Sống trên đời sống cần có một tấm lòng...”. Vâng! Một tấm lòng “để gió cuốn đi” cho dư âm của nó lan tỏa mãi.        

 Minh Luận

  • Từ khóa
110676

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu