Thứ 3, 21/05/2024 13:36:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Báo Xuân 18:19, 29/01/2014 GMT+7

Thổi hồn vào đá

Thứ 4, 29/01/2014 | 18:19:00 289 lượt xem

Gần 10 năm trở lại đây, nghệ thuật chơi tranh đá; tranh đá gắn liền với hòn non bộ mang đậm yếu tố phong thủy phát triển mạnh ở Bình Phước. Tại gia đình, quán cà phê, nhà hàng, khách sạn hay các công sở, chúng ta có thể bắt gặp những tác phẩm nghệ thuật bắt nguồn từ… đá.

Chúng tôi hẹn gặp thợ đá Trần Gia Phong vào một sáng cuối năm tại quán nhỏ gần chợ đêm thị xã Đồng Xoài. Bên ly cà phê, tôi được anh bật mí về nghề tạo hòn non bộ và làm tranh đá. Đó là một nghề chơi công phu và vô giá; đòi hỏi cả người làm và người chơi phải có kiến thức sơ đẳng về nghệ thuật, phong thủy và các giá trị tâm linh.

Tranh đá phong thủy

Xuất thân từ gia đình có truyền thống làm đá ở tỉnh Bình Định, gắn liền với nghề làm tranh đá gần 10 năm, anh Gia Phong cho biết: Nghệ thuật chơi đá đã có từ lâu, bắt nguồn từ các tỉnh có nhiều đá như Ninh Bình, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Tuy nhiên ở các tỉnh này, người chơi thường chơi theo hình thức hòn non bộ và tượng đá. Ở Bình Phước, nghệ thuật chơi đá xuất hiện muộn hơn, nhưng khi “trình làng” lại mang theo một hướng mới: Tranh đá trên tường và tranh đá kết hợp với hòn non bộ. Người dân yêu chuộng tranh đá bởi nó được thực hiện ngay trên tường, vừa đẹp, sang lại vừa bền với thời gian và mang theo phong thủy, vận khí cho gia chủ.

Tranh đá gần gũi với không gian của các quán cà phê ở thị xã Đồng Xoài

Tranh đá phong thủy thường có các chủ đề: Làng quê, sông nước, sơn thủy, thuận buồm xuôi gió, mã đáo thành công, lý ngư đớp bóng nguyệt... Mỗi ngôi nhà, hướng nhà, tuổi hợp của chủ nhà sẽ gắn liền với một bức tranh. Có tuổi hợp với cây, có tuổi hợp với nước, có tuổi hợp với chim thú và có tuổi lại hợp với sự phối hợp giữa chim muông, sông núi... Làm tranh đá đúng phong thủy khí nhà sẽ thêm thịnh vượng, tài lộc và sức khỏe của gia chủ sẽ dồi dào, mọi việc trong nhà sẽ hanh thông. Vì là tranh phong thủy nên hướng treo tranh cũng cần được đặc biệt chú ý, ví như: Bức mã đáo thành công thì con ngựa phải quay đầu vào nhà; bức thuận buồm xuôi gió thì đầu mũi thuyền phải dong thẳng ra phía cửa ngõ; bức sơn thủy hữu tình thì dòng nước phải chảy ngược vào trong nhà, trong làng...

Để tạo ra bức tranh đá đẹp, mang tính nghệ thuật đòi hỏi người thợ phải có năng khiếu sáng tạo và hội họa. Tranh được vẽ phác thảo bằng bút chì trên bìa cứng, lên maket mẫu, sau đó mới thi công trực tiếp trên tường. Khi thi công, người thợ phải cẩn thận, tỉ mỉ, đem cả đam mê vào tranh. “Nếu không thả hồn mình vào, đảm bảo bức tranh làm ra sẽ thiếu sự sinh động, thiếu cái “hồn” của  tranh” - anh Phong bật mí.

Công phu và vô giá

Để có một bức tranh đá đẹp, một khung cảnh hợp phong thủy và đảm bảo tính “sang”, khâu chọn đá, phối màu và phối cảnh rất quan trọng. Đối với tranh, đá được chọn chủ yếu là đá cuội, sỏi tự nhiên, đá chẻ, đá răng lược... Đá có nhiều màu sắc khác nhau: Xanh, trắng, đỏ, đen, kem, nâu, xám, vàng... Mỗi bức tranh cần có sự phối hợp hài hòa của nhiều màu sắc, kích thước đá để tạo độ xa, gần, đậm, nhạt.

Đá cây Bình Phước góp phần tạo nên những hòn non bộ trong nghệ thuật chơi đá hiện đại

Ban đầu, người thợ làm đá sẽ định hình bức tranh, dùng dụng cụ cắt đá tạo các mẫu vật: Cây dừa, chiếc thuyền, cánh chim, con cá... và dùng keo gắn kết chúng lại với nhau thành một thể thống nhất. Sau hàng loạt công đoạn tỉ mẩn, người thợ sẽ phết thêm một lớp sơn trong, tạo độ bóng, độ bền cho tranh. Với các viên đá sỏi thông thường, mỗi bức tranh có giá dao động từ 1,5 đến 3 triệu đồng/mét. Những bức tranh mang tính nghệ thuật cao, đòi hỏi sự cầu kỳ, đường nét, sự phối trộn màu sắc phức tạp và đá đẹp, giá có thể cao hơn nhiều lần. Thông thường mỗi mét tranh người thợ có thể làm từ 3 đến 7 công hoặc nhiều hơn.

Ngày nay, chơi tranh đá phổ biến khá rộng rãi ở Bình Phước. Tuy nhiên, khi chơi tranh đá kết hợp với hòn non bộ lại đòi hỏi một chuẩn mực khác, khắt khe hơn. Yếu tố phong thủy được đặc biệt đề cao. Kích thước của tranh, núi, ngọn thác, dòng nước phải tương đối, tạo độ cân xứng và hài hòa. Tranh đá thường là nền, làm nổi bật cho các hòn non bộ. Non bộ có nhiều loại, to nhỏ khác nhau; loại có thác và suối nước, loại chơi khô. Độ cao, chiều rộng của hòn non bộ được người chơi dựa vào cây thước Lỗ ban để làm theo. Anh Phong cho biết, thông thường người dân sẽ làm non bộ theo số lẻ như cao 1,35m, 2,35m hay 2,75m để ứng với các chữ Quý, Tài, Lộc...

 Đá để đắp hòn non bộ thường là đá cây ở Bình Phước, đá vôi Ninh Bình và đá san hô Nha Trang (Khánh Hòa). Đá thiên nhiên thường có giá trung bình khoảng 7.000 đồng/kg. Mỗi hòn non bộ thường nặng từ 2 tấn trở lên. Công dựng cảnh, tạo hình được tính tùy vào độ khó của việc đục đá. Trong các loại đá, đá san hô ở Nha Trang dễ xử lý nhất. Đá Ninh Bình nặng và chắc nên rất khó làm, đòi hỏi người thợ phải kiên trì, chịu khó và nhẫn nại. Các hình mẫu tranh đá, hòn non bộ được tạo nên từ rất nhiều loại đá khác nhau nên có thể nói chơi đá thiên nhiên là một nghệ thuật chơi công phu, cầu kỳ và... vô giá.

Ngày nay, nghệ thuật chơi tranh đá, hòn non bộ gắn liền với phong thủy phát triển mạnh ở Bình Phước. Đón xuân Giáp Ngọ 2014, nhiều ngôi nhà rộng, khang trang có sân vườn hoặc các quán cà phê sẽ được điểm sắc thêm tranh đá kết hợp với hòn non bộ. Những ngôi nhà hẹp, nhỏ hoặc không có sân vườn, người dân sẽ chơi tranh đá gắn với các chủ đề cụ thể. Và ở chủ đề nào, những hòn đá “cứng đầu” cũng trở nên  có “hồn” hơn trong mắt người tạo, người chơi.  

Tường Linh

  • Từ khóa
110675

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu