Thứ 5, 09/05/2024 06:55:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Báo Xuân 21:22, 29/01/2014 GMT+7

Tết nguyên đán với đồng bào Chăm

Thứ 4, 29/01/2014 | 21:22:00 424 lượt xem

Đồng bào Chăm không có tết cổ truyền, nhưng mỗi độ tết đến, xuân về, khi mai vàng khoe sắc thì người Chăm ở Bình Phước cũng rộn ràng không khí đón xuân. Trong những ngày tết, người Chăm cũng gói bánh chưng, bánh tét, diện những bộ trang phục đẹp nhất, trang trí nhà cửa và cùng đi thăm anh em, bạn bè chúc một năm mới nhiều may mắn.


NHỮNG LỄ HỘI ĐẶC SẮC
CỦA NGƯỜI CHĂM

Theo ông Chàm Sa, già làng xã Thuận Phú (Đồng Phú), người Chăm Bình Phước không có tết cổ truyền mà chỉ có các lễ hội theo phong tục của người Hồi giáo. Và lễ Ramadam là lễ hội lớn nhất năm. Đó là khoảng thời gian một tháng mà những người theo đạo Hồi sẽ nhịn ăn, uống, hút thuốc... từ lúc mặt trời mọc cho đến khi mặt trời lặn, mọi sinh hoạt đều tổ chức vào ban đêm. Tuy nhiên theo luật đạo Hồi, Thánh lễ này chỉ áp dụng cho người khỏe mạnh, còn những người đang ốm, phụ nữ mang thai, cho con bú, trẻ em dưới 5 tuổi... được miễn trừ. Điều đặc biệt là lễ Ramadan được tính theo lịch Mặt trăng của người Ả Rập (phụ thuộc vào ngày xuất hiện đầu tiên của trăng lưỡi liềm - ấn định tháng thứ 9 theo lịch Hồi giáo) nên không có thời điểm nào cố định.

Lãnh đạo tỉnh, thăm và tặng quà đồng bào Chăm nhân dịp lễ Ramadam

“Ramadam là dịp để rèn luyện sự kiên trì, sức chịu đựng của mỗi người trong những lúc khó khăn, hoạn nạn. Đó cũng là thể hiện lòng mộ đạo và sự cảm thông đối với những người nghèo khổ”, già làng Chàm Sa chia sẻ.

Tháng ăn chay người Chăm được kết thúc bằng lễ xả chay với không khí giống như ngày tết. Dịp này các hình thức từ thiện và làm việc tốt rất được chú ý. Họ sẽ cùng nhau tham gia các hoạt động quyên góp, giúp đỡ người kém may mắn hơn.

Với người Chăm, ngoài lễ Ramadam thì lễ hành hương (Hajj) cũng được coi là lễ hội lớn trong năm. Trong lễ này, những người có điều kiện sẽ hành hương về thánh địa Mecca - nơi sản sinh ra Hồi giáo, vì theo quan niệm của họ ít nhất trong đời cũng về thăm vùng đất thiêng 1 lần. Những người không có điều kiện về thăm quê thì tổ chức tưởng nhớ 1 ngày (15-10) và theo lịch Hồi giáo đây cũng là lễ kết thúc năm của họ.

Ngoài ra, hàng năm người Chăm còn tổ chức các lễ nghi khác như lễ sinh nhật giáo chủ, lễ cầu an, lễ tạ ơn... Trong các lễ nghi, người Chăm (mà chủ yếu là người đàn ông lớn tuổi) tập trung tại tiểu thánh đường hướng về mặt trời lặn, quê hương của Hồi giáo để cầu nguyện thượng đế phù hộ. Không giống như các tôn giáo khác, đạo Hồi không thờ bất cứ một di ảnh nào. Lễ vật cúng của người Chăm chủ yếu là cơm gà, bánh trái và tùy theo điều kiện của mỗi gia đình có thể mời anh em bạn bè, quan khách. Tuy nhiên, vào ngày lễ hành hương, vật cúng chủ yếu là thịt bò và tuyệt đối không được mời người ngoại đạo. Cũng theo luật đạo Hồi, trong các ngày lễ hay ngày thường đều cấm uống bia, rượu, bài bạc, kiêng ăn các loại động vật như heo, chó, rắn, ếch... thức ăn chủ yếu là gà, vịt, trâu, bò, dê, rau quả, cá, tôm nhưng với điều kiện là các loài động vật trước khi ăn thịt phải tự tay cắt tiết, vì theo họ thức ăn mua sẵn ở ngoài không rõ nguồn gốc, vì thế không đảm bảo vệ sinh.


XUÂN ĐẾN ĐỒNG BÀO CHĂM

So với các tỉnh, thành khác thì đồng bào Chăm ở Bình Phước số lượng không nhiều lắm, chỉ 65 hộ ở thôn Phú Vinh, xã Phú Riềng (Bù Gia Mập) gốc từ An Giang, một số từ Campuchia và 50 hộ ngụ ấp Tân Phú, xã Thuận Phú (Đồng Phú) gốc từ Tây Ninh sang lập nghiệp, tất cả đều theo Hồi giáo.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, già làng Ang Văn Him, thôn Phú Vinh phấn khởi, mặc dù phần lớn người dân ở đây chưa được hỗ trợ đất sản xuất nhưng nhờ những chính sách đãi ngộ của Đảng và Nhà nước mà người Chăm bây giờ khá hơn nhiều. Bà con được cấp nhà ở, được hướng dẫn sản xuất, đào tạo nghề, tạo việc làm. Cần cù, chịu khó bươn chải nên nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, có của ăn của để từ nghề cạo mủ cao su, bóc tách hạt điều, chăn nuôi... hiện chỉ còn 4 hộ nghèo già cả, không còn sức lao động.

Đảng và Nhà nước ta luôn chăm lo đến công tác tôn giáo và dân tộc, đặc biệt là chăm lo về đời sống vật chất, tinh thần và điều kiện an sinh xã hội của đồng bào dân tộc, trong đó có người Chăm. Vì thế, thời gian qua, người Chăm trên địa bàn tỉnh đã có những khởi sắc về mọi mặt. Cộng đồng người Chăm Bình Phước luôn hòa đồng sống tốt đời, đẹp đạo. Từ lâu cộng đồng người Chăm không còn sinh con thứ 3, các tệ nạn xã hội được đẩy lùi, con em đều được đến lớp, đến trường. Đặc biệt, cộng đồng người Chăm ở thôn Phú Vinh đã có 3 học sinh thi đậu đại học.

Khi được hỏi về không khí đón tết Nguyên đán của người Chăm như thế nào? ông Ang Văn Him khẳng định: “Tết nguyên đán không chỉ dành riêng cho người Kinh mà là tết của tất cả các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam”. Trong những ngày giáp tết, ngoài không khí chuẩn bị đón tết của đồng bào, thì ở đây chính quyền địa phương cùng các đơn vị đứng chân trên địa bàn còn có những phần quà tặng, để đồng bào Chăm có cái tết  vui hơn, ấm cúng hơn. Song song với không khí ăn tết, chúc mừng năm mới là các hoạt động vui chơi, múa hát. Những ngày này, các nam thanh nữ tú tập trung tại tiểu thánh đường cùng nhau vang lên tiếng hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng...”.

Vũ Thuyên

  • Từ khóa
110672

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu