Thứ 5, 09/05/2024 05:51:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Báo Xuân 21:31, 29/01/2014 GMT+7

Ngày xuân ở khu công nghiệp

Thứ 4, 29/01/2014 | 21:31:00 224 lượt xem

Bình Phước hiện có 6 khu công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút hàng chục ngàn công nhân, trong đó lao động là thanh niên chiếm tỷ lệ cao. Một thực tế đang đặt ra là công nhân tại các khu công nghiệp (KCN) thiếu sân chơi giải trí để nâng cao đời sống tinh thần sau những giờ làm việc mệt mỏi. Vì vậy, từ khi khu lưu trú văn hóa công nhân được thành lập tại các điểm nhà trọ ở KCN đã thực sự gắn kết mọi người xích lại gần nhau, cùng sẻ chia những khó khăn, vất vả của đời thường và sự yêu thương ngày thêm sâu đậm.

SẺ CHIA YÊU THƯƠNG

Nằm trên con ngõ nhỏ chạy dài, khu lưu trú văn hóa công nhân đặt tại nhà trọ Minh Thuận gần KCN Bắc Đồng Phú luôn vui nhộn bởi công nhân đến xem tivi, đọc sách báo vào mỗi buổi tối trong tuần và ngày Chủ nhật. Với họ đây là hoạt động bổ ích, tạo thói quen tốt, mang lại những giá trị tinh thần thiết thực. Nếu trước đây sau mỗi giờ làm, công nhân chủ yếu nghỉ ngơi tại phòng, sống khép kín, thì từ khi khu lưu trú văn hóa hoạt động (tháng 8-2013), phần lớn công nhân trong khu nhà trọ đã hòa đồng, gần gũi, hỗ trợ nhau lúc khó khăn; đồng thời động viên cùng chịu khó đọc sách báo để nâng cao hiểu biết xã hội, giúp ích trong giao tiếp.

Thanh niên công nhân thường đọc sách báo vào các buổi tối và ngày chủ nhật

Gắn bó với tủ sách tại khu lưu trú từ ngày đầu, chị Phạm Thị Hiền làm trong Công ty TNHH Free Well (KCN Bắc Đồng Phú) cho biết: Công nhân xa quê, đi làm về chủ yếu sinh hoạt tại phòng. Điều kiện kinh tế khó khăn, thời gian bị hạn chế (có thể tăng ca) nên ít tham gia các hoạt động vui chơi giải trí ngoài xã hội. Vì thế, tivi, tủ sách trong khu lưu trú đã trở thành người bạn thân thiết, giúp chúng tôi hạn chế tụ tập ăn nhậu, chơi games, hay cờ bạc... Không những vậy, các bạn đã sống cởi mở, vui vẻ hơn nhờ những buổi đọc sách báo, xem phim cùng nhau. Mình thường đọc báo về bí quyết nấu ăn, cách gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Tủ sách đa dạng các lĩnh vực nên người đọc tùy chọn theo sở thích. Anh Đỗ Văn Tuấn (quê tỉnh Bạc Liêu) ở khu nhà trọ Minh Thuận chia sẻ: Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi nghỉ học sớm, đi làm phụ giúp ba mẹ. Giờ có công việc ổn định, có điều kiện tiếp cận sách báo nên tôi sẽ tích cực đọc để hiểu biết thêm. Tôi thường đọc sách lịch sử về các cuộc kháng chiến của dân tộc và về Bác Hồ. Những câu chuyện về Bác đã giúp bản thân ý thức hơn trong cuộc sống, từ việc làm nhỏ nhất.

Sống gần gũi, quan tâm đến công nhân nên chủ nhà trọ Minh Thuận được nhiều người quý mến. Bên cạnh đó, giá phòng, điện, nước phù hợp nên đa số người thuê trọ đều đến ở ổn định. Lúc rảnh rỗi, anh Thuận tham gia cùng mọi người vui chơi giải trí tại khu lưu trú, tạo sự gắn kết. Anh Thuận chia sẻ: Thanh niên trong dãy trọ đều năng động, dễ hòa nhập. Tham gia nhiều hoạt động, các bạn trở nên mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp và trong cuộc sống.


SÂN CHƠI BỔ ÍCH CỦA THANH NIÊN CÔNG NHÂN

Trong số công nhân đang làm việc tại tỉnh Bình Phước có hơn 60% công nhân ngoài tỉnh, hầu hết phải thuê trọ ở gần KCN. Tuy nhiên, đến nay chưa có KCN nào xây dựng nhà ở cho công nhân, trong khi các dãy nhà trọ ở khu dân cư hầu hết chật hẹp, chưa bảo đảm vệ sinh môi trường, không có sân vui chơi... Xuất phát từ tình trạng trên, việc thành lập các khu lưu trú văn hóa công nhân có ý nghĩa thiết thực, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi giải trí, hạn chế tệ nạn xã hội.

Anh Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân tỉnh cho biết: Năm 2013, trung tâm đã phối hợp thành lập 4 khu lưu trú văn hóa công nhân đặt tại nhà trọ gần các KCN: Chơn Thành, Minh Hưng - Hàn Quốc, Bắc Đồng Phú. Mục tiêu của khu lưu trú là tuyên truyền vận động đến từng công nhân, gia đình, từng dãy nhà trọ về thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh cho thanh niên công nhân; cung cấp những kiến thức, kỹ năng cần thiết, từ đó giúp công nhân năng động, sáng tạo, có bản lĩnh chính trị, tác phong công nghiệp, sống trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội; xây dựng, mở rộng, tập hợp đoàn kết thanh niên, thành lập các câu lạc bộ thanh niên tự quản, đội, nhóm xung kích, ước mơ xanh.

Để bảo đảm hoạt động thường xuyên, mỗi khu lưu trú được trung tâm trang bị 1 tivi, 1 tủ sách với hơn 100 đầu sách về Bác Hồ, pháp luật, sức khỏe... và dụng cụ tập luyện thể dục - thể thao, 1 bảng tên, trị giá khoảng 50 triệu đồng. Định kỳ 6 tháng một lần, trung tâm phối hợp với chủ nhà trọ tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao cho công nhân, lồng ghép tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phòng chống các tệ nạn xã hội. Đồng thời phối hợp kiểm tra an toàn hệ thống điện, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, trồng cây xanh...

Thành lập đầu tiên và cũng là mô hình hoạt động hiệu quả nhất, khu lưu trú tại nhà trọ bà Út ở ấp 3B, xã Minh Hưng (Chơn Thành) không những thu hút được thanh niên công nhân tham gia mà cả người lao động lớn tuổi thuê trọ cũng hưởng ứng nhiệt tình. So với các điểm lưu trú khác, hộ anh Lê Văn Thắm (quản lý nhà trọ bà Út) có phòng khách rộng, là nơi công nhân xem tivi, đọc sách báo hằng ngày. Anh Thắm cho biết: Trước đây, công nhân sống khép kín nhưng từ khi có khu lưu trú, mọi người sinh hoạt vui nhộn hẳn lên. Xem thời sự, đọc sách báo đã trở thành thói quen tích cực của công nhân, đời sống tinh thần được cải thiện rất nhiều.

Mùa xuân đến, những người đi làm ăn xa ai cũng mong được trở về sum họp bên gia đình cùng thưởng thức hương vị tết ở quê nhà và sự đoàn viên. Thế nhưng với những công nhân không có điều kiện về quê thì năm nay ở lại đã có tivi, sách báo làm bạn trong những ngày tết xa quê”.

Chiều cuối năm, gió xuân đang nồng đậm, hương vị tết đang len lỏi đến với mỗi gia đình. Khu lưu trú văn hóa công nhân luôn đầy ắp tiếng nói cười, gọi nhau í ới của các bạn thanh niên cùng thưởng thức kênh truyền hình giải trí hay chương trình thời sự. Đối với họ, tivi và sách báo thực sự là người bạn hữu ích, giúp mọi người gần nhau hơn.                                 

C.H

  • Từ khóa
110667

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu