Thứ 4, 08/05/2024 23:23:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Báo Xuân 21:47, 29/01/2014 GMT+7

Khi lòng dân là “cơ sở cách mạng”

Thứ 4, 29/01/2014 | 21:47:00 223 lượt xem

Chúng tôi về thị xã Phước Long những ngày cuối năm. Từ nơi nghỉ, tôi nhìn ra núi Bà Rá. Sự hùng vĩ của núi non và chút se lạnh của sáng chớm xuân dường như không che nổi quầng sáng màu đỏ của mặt trời đang nhô lên sau đỉnh núi. Đã từng biết về những đội vũ trang tuyên truyền của vùng Phước Long xưa qua sách báo, nhưng khi được nghe kể về ký ức hào hùng qua những nhân chứng sống, tôi mới cảm nhận được tình cảm thiêng liêng, quý báu mà nhân dân dành cho cán bộ cách mạng trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. 

Ông Nguyễn Mính và “cơ sở cách mạng” năm xưa - bà Nguyễn Thị Chút

Ông Nguyễn Mính, nguyên là đội viên đội vũ trang tuyên truyền (VTTT) Bà Rá đưa tôi đến nhà bà Nguyễn Thị Chút, 82 tuổi, ở khu phố 1, phường Thác Mơ. Ông Mính cho biết, gia đình bà Chút là “cơ sở cách mạng” của ông trong những năm 1968 đến 1973. Trong khoảng thời gian tham gia công tác trong đội, ông đã nhiều lần được bà Chút báo tin để tránh bị địch phát hiện. Bà Chút cũng từng là người giúp đội phát tán tờ rơi kêu gọi nhân dân trong vùng địch chiếm đóng ủng hộ cách mạng, đi theo hoạt động cách mạng. Ông Mính cho rằng trong những năm tháng ác liệt đó, tham gia công tác trong đội VTTT rất nguy hiểm vì phải len lỏi vào tận lòng địch để tuyên truyền vận động nhân dân giác ngộ và xây dựng cơ sở cách mạng, nắm tình hình địch, kêu gọi thanh niên nhập ngũ... Vì hoạt động trong vùng địch chiếm, nếu ông và nhiều cán bộ cách mạng không được nhân dân, gia đình bà Chút bảo vệ, che chở thì khó bảo toàn sinh mạng và hoàn thành nhiệm vụ.

Bà Chút móm mém cười: “Hồi đó tui 2-3 lần giấu truyền đơn vào lá chuối, đợi có thời cơ thì phát tán. Được chú Mính nhiều lần đến nhà tuyên truyền, nên tui mong được đóng góp cho cách mạng. Tui vừa tham gia sản xuất vừa nghe ngóng tin tức, có “động” là báo chú Mính biết để lánh mặt.

Nhờ vậy nên dù nhà bà Chút ở dưới chân núi, nằm ngay trong vùng địch chiếm nhưng nhiều đêm ông Mính vẫn vào lấy thông tin và không bị địch phát hiện. “Lúc đó tôi ở giữa, địch ở hai đầu, có dân che chở nên mới làm tốt nhiệm vụ được giao” ông Mính nhớ lại.

Ông Nguyễn Giám xúc động hồi tưởng lại kỷ niệm năm xưa

Đối với bà Huỳnh Thị Minh Tuyết, người từng giữ chức Đội trưởng Đội VTTT Bà Rá năm xưa thì những tình cảm của nhân dân dành cho cán bộ cách mạng là vô biên, không thể nào kể hết. Bà Tuyết giãi bày: Có những đêm đi làm nhiệm vụ gặp trời mưa, vào được nhà dân thì người đã ướt. Tôi được một phụ nữ lớn tuổi lấy dầu xoa bóp khắp người cho ấm. Những đồng đội của tôi kể lại có người được dân đào hầm cho ở, được chăm sóc khi bị thương, cho ăn khi đói... Chiến tranh ác liệt, lại hoạt động ngay trong lòng địch nên thành viên trong đội thường là những người có sức khỏe và vững vàng tư tưởng. Vì vậy với họ lúc đó cảm nhận được những tình cảm ấy thật thiêng liêng, cao quý. Bà Tuyết kể lại: Tôi nhớ có một lần bị địch càn quét thời gian dài, anh em không thể ra ngoài để nhận tiếp tế lương thực. 7 ngày không có cơm, phải ăn củ chuối, trái sung để cầm cự. Lúc đó các cơ sở người Kinh bị bắt hết, may mắn chúng tôi được gia đình bà Hai (Sơn Long) chia lại cho bắp hột và gạo. Sau đó, các cơ sở đồng bào Xêtiêng cũng tìm cách tiếp tế gạo để chúng tôi tiếp tục bám trụ và thực hiện nhiệm vụ.

Bà Tuyết giới thiệu chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Giám (1931) ở khu phố 1, phường Thác Mơ. Bà Tuyết cho biết ông Giám là người từng cưu mang và chăm sóc 3 bộ đội bị thương tại vườn chuối nhà mình. Ông Giám vui vẻ kể: Lúc đó tôi làm ở trạm y tế, biết cách chăm sóc vết thương nên giúp đỡ họ, đó cũng là chuyện thường. Chuyện này chỉ có tôi và má tôi biết. Tôi chăm sóc họ đến khi khỏe thì dẫn đường cho họ Thoát khỏi vùng địch. Sau giải phóng, có một người tên Tạo về đây nhận má tôi làm má nuôi, nghe đâu gia đình ảnh ở tỉnh Bình Dương.

Bà Tuyết, ông Mính và nhiều người từng tham gia trong các đội VTTT ở vùng Phước Long xưa mà chúng tôi được gặp đều nói rằng không thể kể hết những công ơn mà nhân dân đã ưu ái dành cho họ, cho cách mạng trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Những ân nhân của họ thường không có tên, không có địa chỉ cụ thể và thậm chí có người chỉ thoáng qua không gặp lại nên không thể nhớ. Những ông Hai, bà Ba, hay ông Tư đều là những cái tên mơ hồ trong trí nhớ của những người lớn tuổi, mà chỉ những xúc cảm của họ về kỷ niệm là có thật, rất cụ thể. Và tôi đã cảm nhận được điều đó. Ông Mính cho rằng ông rất vui khi thấy bà Chút được Đảng, Nhà nước tặng Huy chương Kháng chiến, địa phương tặng nhà tình nghĩa, và bản thân ông đến thời điểm này có thể được quan tâm chăm sóc bà lúc tuổi già như một người thân.

Có ai đó đã từng ví hình tượng mặt trời trong lòng núi Bà Rá chính là lòng dân. Tôi thực sự chưa nghĩ ra một hình ảnh khác có sức bao quát, ý nghĩa hơn hình ảnh so sánh ấy. Thế nhưng, một sớm xuân ở Phước Long đã khiến tôi có nhiều cảm xúc hơn khi nghĩ về lịch sử, về truyền thống cách mạng nơi này. Tôi và nhiều thế hệ yêu nước, yêu quê hương kế tiếp sẽ nguyện sống xứng đáng với những hy sinh thầm lặng, và tình cảm thiêng liêng, cao quý ấy!         

  Phan Hội An

  • Từ khóa
110663

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu