Thứ 5, 09/05/2024 00:35:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Báo Xuân 21:12, 29/01/2014 GMT+7

Sáng ngời phẩm chất người cựu tù Côn Đảo

Thứ 4, 29/01/2014 | 21:12:00 186 lượt xem

Một ngày cuối năm, chúng tôi tìm đến nhà người lính tù Côn Đảo năm xưa, ông Nông Xuân Rỷ (1938), ở ấp Suối Đôi, xã Đồng Tiến (Đồng Phú). Ông đã trải lòng với chúng tôi về những tháng ngày tù đày ở Côn Đảo, về một tổ chức đảng hoạt động bí mật trong nhà lao. Hòa bình, ông là tấm gương sáng, niềm tự hào của nhân dân ấp Suối Đôi.

Khi chúng tôi đến, người lính ấy không có nhà. Bà Đàm Thị Chiểu - vợ ông nói: Ông lại đi họp ngoài xã rồi, các cháu ngồi chơi đợi ông nhá. Rồi bà quay xuống bếp, chuẩn bị cơm trưa. Gian phòng khách của ngôi nhà nhỏ như sáng bừng khi bằng khen, giấy khen được gia đình treo khắp. Đó là bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh... về thành tích đóng góp thời chiến cũng như thời bình của ông.

Vẫn như mới hôm qua

Hơn 11 giờ trưa, người cựu tù Côn Đảo trở về. Tay dắt chiếc xe đạp cũ, túi xách đựng tài liệu được ông buộc cẩn thận sau yên xe. Hình ảnh một người lính Cụ Hồ mộc mạc, đơn sơ ngay trước mắt chúng tôi.

Trên chiếc xe đạp cũ, hàng ngày ông Rỷ vẫn đi vận động người dân trong ấp làm theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ông cho biết: Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1962, khi vừa tròn 24 tuổi ông lên đường nhập ngũ ở Trung đoàn 165 thuộc Sư 312. Năm 1966, cả trung đoàn có lệnh vào chiến trường Phước Long, Bình Long. Năm 1967, trong một trận đi đánh địch ở Cần Lê, ông bị đạn xuyên qua vai và bị bắt. Ít lâu sau, ông được chuyển ra nhà tù Côn Đảo cùng với 150 người yêu nước khác, bắt đầu những tháng ngày tù đày. Năm 1971, gia đình ông nhận giấy báo tử báo tin ông đã hy sinh.

Ánh mắt đượm buồn, ông kể: Vừa đặt chân xuống phân khu D5, chúng tôi đã bị những cai ngục đấm đá liên tục và đẩy tất cả vào một phòng. Khoảng một tháng sau, chúng chuyển hơn 700 người lính sang phân khu B5, giam trong 7 ngăn. Mỗi ngăn có diện tích rất nhỏ mà có đến 10 người, đêm nằm không thể duỗi thẳng, chúng tôi toàn nằm nghiêng để tất cả có thể chợp mắt được một lúc. Trong hoàn cảnh đó, mọi người bàn bạc thành lập một đảng ủy với hơn 30 cán bộ ở các phòng giam để phổ biến và duy trì tinh thần cách mạng cho anh em. Ông cho biết thêm: “Tôi là tổ trưởng tổ đảng phòng giam 100, được may mắn ở cùng phòng với anh Giang là Bí thư đảng ủy. Tôi cùng với 6 đồng chí tổ trưởng ở các phòng giam khác nhận nhiệm vụ từ cấp trên sau đó triển khai cho anh em trong phòng”.

Chuyện đã lâu, nhưng ông vẫn không giấu được nỗi buồn và thất vọng khi kể lại câu chuyện phải khử 2 kẻ phản bội để đảm bảo an toàn cho tổ chức đảng. Ánh mắt nhìn xa xăm, ông chậm rãi nói: “Đành phải làm vậy. Đảng đã tha thứ, bỏ qua, nhưng tư tưởng của họ đã lệch lạc rồi không thể cứu vớt được”. 

Mỗi câu chuyện ông kể đều khiến người nghe xúc động. Côn Đảo là nơi chứng kiến người đồng đội sẵn sàng che chở khi địch tra tấn hoặc bị đày ra các khu biệt giam, chuồng cọp lao dịch khổ sai. Rồi hòa bình lập lại, mỗi người lại thấy lạnh lẽo khi thiếu đi bóng dáng người đồng đội của mình. Họ đã mãi nằm lại ở nghĩa trang Hàng Dương. Riêng ông trở về chiến trường năm xưa làm quê hương thứ hai và là chốn dừng chân của cuộc đời.

Nghị lực thép của người lính Cụ Hồ

Năm 1973, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, sau khi trao trả tù binh ở sông Thạch Hãn, ông quay về tỉnh Cao Bằng sinh sống. Năm 1999, cuộc sống quá khó khăn nên gia đình ông quay lại Bình Phước lập nghiệp. Với uy tín của người lính Cụ Hồ, ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ ấp Suối Đôi từ năm 2000 cho đến nay. Ấp Suối Đôi hiện có 289 hộ, chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng, Dao... Hằng ngày, người thương binh hạng ¾ luôn lấy tấm gương đạo đức của Bác Hồ để tự học, tự kiểm điểm và triển khai đến tất cả người dân. Hằng tháng, ông tổ chức họp ban, ấp để triển khai các nghị quyết, chính sách mới của Đảng và Nhà nước đến người dân, tuyên truyền người dân sống, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Một năm mới lại đến, một mùa xuân nữa lại về. Từ một ấp khó khăn, chưa có điện, đường sá đi lại còn khó khăn, cả chi bộ ấp Suối Đôi đã vận động nhân dân làm đường điện. Người dân tự nguyện hiến 2.000m2 đất xây dựng nhà văn hóa. Hộ nghèo trong thôn ấp đã giảm, không có gia đình sinh con thứ 3.

Quá khứ đã lùi xa gần 40 năm, nhưng câu chuyện về những ngày tháng tù đày ở Côn Đảo với ông như chỉ mới ngày hôm qua. Trong câu chuyện ông vẫn nhắc về anh Giang, bí thư đảng ủy, đồng đội cùng phòng với ông; anh Điệp, anh Hùng là những người tổ trưởng như ông. Ăn đói, mặc rách là hai từ mà ông kết thúc câu chuyện khi nhắc lại chuyện ở nhà tù Côn Đảo. “Đó là những tháng ngày cực khổ, tù đày nhưng cũng là những ngày vinh quanh, hạnh phúc của đời tôi khi được ăn chung, làm chung, hoạt động chung với những người cùng chí hướng”.  

Thanh Nga

  • Từ khóa
110653

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu