Thứ 4, 08/05/2024 16:08:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Báo Xuân 21:41, 29/01/2014 GMT+7

Bù Lạch - Nam thiên đệ nhất trảng

Thứ 4, 29/01/2014 | 21:41:00 567 lượt xem

Giáp ranh với vùng Nam Tây nguyên lộng gió, xã Đồng Nai (Bù Đăng) trở thành đất lành và là nơi 11 dân tộc anh em cùng sinh sống. Thăm Đồng Nai, bạn sẽ thấy cuộc sống yên bình của đồng bào qua hình ảnh rẫy mì, vườn bắp ngút ngàn xanh; những rẫy lúa vàng ươm hay đàn trâu thong dong gặm cỏ. Bạn cũng có thể lắng nghe các già làng kể chuyện kháng chiến, ngắm những ngôi nhà gỗ mộc mạc đơn sơ nhưng ấm áp lúc xuân về...


Thác Voi, một điểm đến đáng để các bạn trẻ yêu thích “phượt” chinh phục lúc du xuân

Từ thị trấn Đức Phong, dọc theo quốc lộ 14 khoảng 3km đến ngã ba Vườn Chuối du khách rẽ phải. Từ đây, chạy thêm 12km đường rừng quanh co, đồi dốc, du khách sẽ tới đất Đồng Nai, thả hồn trong không khí rẻo cao êm ả, thanh bình.

THIÊN NHIÊN TUYỆT MĨ

Đường vào Đồng Nai mang cái tên chung của xã, trập trùng đồi núi và ngút ngàn cây xanh. Đi qua các khúc cua tay áo, những ai quen sống ở vùng đồng bằng sẽ được dịp trải nghiệm lý thú với cảm giác khá “phiêu”. Du khách ở phố sẽ thấy đam mê trước những chùm hoa cà phê nghịch mùa trắng trước gió, thở hơi thở bình yên với không khí mát lạnh.


Thủng thẳng bầy trâu gặm cỏ

Từ ngã ba xã, rẽ trái men theo đường trải nhựa, chúng tôi tìm vào trảng cỏ Bù Lạch - trảng cỏ tự nhiên đẹp nổi tiếng của đất Đồng Nai nói riêng, Nam bộ nói chung. Dọc hai bên đường là những nếp nhà gỗ đơn sơ ấm áp. Đi qua khoảng 3km, trảng cỏ rộng bao la, hồ nước mênh mông hiện ra trước mắt. Vào mùa khô, cây cỏ trên trảng chuyển thành một màu vàng óng ả như những tấm thảm mịn màng. Ở đó, những chùm hoa sim, hoa mua, hoa cúc dại đua nhau nở. Từng đàn bướm chập chờn bay lượn trên những cánh hoa nhỏ xinh. Bướm và hoa như những cặp tình nhân bịn rịn, quyến luyến không muốn chia rời. Từng đàn chim bay lượn, tạo thành đường cánh cung xinh xắn trên nền trời trong xanh. Xa xa, những mảng rừng xanh thẳm như đưa hồn du khách thăng hoa.

Trên những trảng cỏ, những đàn trâu bò nối đuôi nhau nhởn nhơ gặm cỏ. Đồng bào ở đây cho biết, trâu bò được thả rong quanh năm. Chúng tự do ăn cỏ, tự lớn lên, sinh sản thành bầy đàn mà không cần đến sự chăm sóc của con người. Vậy nên khi thấy người lạ, những chú trâu đầu đàn khựng lại. Chú ta vểnh tai lên như nghe ngóng điều gì đó rồi mới rung chuông gọi đàn đi tiếp. Âm thanh lóc cóc, leng keng phát ra từ chiếc chuông trên cổ trâu như tiếng “nhạc rừng” thú vị.

Quần thể trảng cỏ Bù Lạch còn có nhiều thác nước tự nhiên như: Thác Đứng, thác Pan Toong, thác Bù Xa, nhưng độc đáo nhất vẫn là thác Voi. Thác Voi cao khoảng 15m, rộng 8m, quanh năm nước tung bọt trắng xóa. Câu chuyện xưa của đồng bào bản địa kể rằng, thác Voi là nơi quần tụ của muông thú và là nơi những đàn voi rừng kéo về tắm mát, uống nước trên hồ nơi đỉnh thác. Vì tranh giành lãnh thổ nên giữa các chú voi đầu đàn thường xảy ra các trận quyết chiến. Voi thua trận, kiệt sức rơi từ đỉnh thác xuống và chết. Lâu dần, xác các chú voi tạo thành những ngọn đồi nhỏ nơi chân thác nên đồng bào gọi đó là thác Voi.

TÌNH NGƯỜI BAO LA

Trong chuyến du xuân trên đất Đồng Nai, chúng tôi xin ngủ nhờ nhà chị Thị Diệu Hiền ở ấp 7. Chị Hiền là người con của dân tộc Khơme, miệt sông nước Kiên Giang. Thời sinh viên, chị quen Điểu Mang rồi theo anh về làm con dâu của đồng bào Mơnông ở đây. Chị Hiền vào rừng hái rau nhíp, đọt mây, cà dại để về nấu canh thụt đãi khách. Chị khoe, cùng với cơm lam, canh thụt chính là món ăn truyền thống không thể thiếu của đồng bào ở đây.


Lung linh bóng nước ven hồ

Đêm đến, ngồi bên bếp lửa bập bùng, chị Diệu Hiền kể chúng tôi nghe những câu chuyện khó và vượt khó của đồng bào nghèo, về nếp sống chân chất, về phong tục truyền thống và sự đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong việc nhà, việc họ của đồng bào Mơnông. Sáng ra chị dắt chúng tôi đến các bà, các cô để xem cách những người phụ nữ giữ lại nét đẹp văn hóa của dân tộc mình qua khung dệt. Câu chuyện của các uôl (bà), các me (mẹ), các mit (cô) về váy áo, về họa tiết, hoa văn sẽ cho du khách hiểu thêm văn hóa Mơnông, Châu mạ ven dòng Đồng Nai hiền hòa, êm ả.

Đến xã Đồng Nai, chúng tôi còn được gặp những người con một thời giã gạo nuôi quân, gắn bó với cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Đất nước đã hòa bình, những cô giao liên, những anh du kích ngày nào nay đã lên lão, mái tóc điểm sương, bàn chân đi đã chậm lại nhưng ánh mắt của các già vẫn ngời sáng, tự hào khi kể lại chuyện xưa, những nỗ lực cho cuộc sống hôm nay.

Vợ chồng ông Điểu Bên - bà Thị Gia là du kích và giao liên thời chiến tranh chống Mỹ. Trở về đời thường, vợ chồng ông Bên là nông dân tích cực chăn nuôi, phát triển kinh tế với nương rẫy, đàn trâu, đàn gà. Ông nói ngày xưa đồng bào khổ nhiều rồi, giờ có cơm ăn, áo mặc phải tích cực lao động cho con cháu học mà noi theo.

Quê gốc ở Di Linh, tỉnh Lâm Đồng nhưng từ nhỏ già làng Điểu Bá Lộc đã vượt rừng hoạt động cách mạng tại khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Lâm Đồng và Bình Phước. Trải qua nhiều gian khó, bị địch bắt tù đày, trở về đi học lớp bồi dưỡng chính trị, rồi làm Bí thư Huyện đoàn Bù Đăng, Phó bí thư Huyện đoàn Phước Long, Bí thư chi bộ xã Thọ Sơn nên già Lộc nhớ rất kỹ những dấu mốc cuộc đời. Ông kể như in những lần bị địch bắt, dụ dỗ, tra tấn ở nhà giam Biên Hòa, Bệnh viện Gò Vấp và những kỷ niệm trong thời gian hoạt động với ông Ba Thọ; học tập, sinh hoạt với các ông Hai Tuyến, Bảy Thỏa. Trong mỗi câu chuyện ông kể là lòng trung thành với Đảng, với cách mạng và khát khao độc lập dân tộc của người con Mơnông trên đất thượng nguồn.

Là xã vùng cao, phần đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên đời sống vật chất còn thiếu thốn so với các xã gần thị xã, thị trấn. Tuy nhiên, khi vượt núi, lên ngàn du xuân tại Đồng Nai, bạn sẽ được hòa mình vào thiên nhiên bao la, khám phá những nét đẹp văn hóa tinh thần của đồng bào bản địa nơi đây. Đặc biệt với những du khách yêu thích lịch sử, ẩm thực, danh lam thắng cảnh thì Đồng Nai thực sự xứng đáng là mảnh đất để bạn khám phá.

Nhật Linh

  • Từ khóa
110645

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu