Thứ 3, 21/05/2024 13:42:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Báo Xuân 21:05, 29/01/2014 GMT+7

Cậu bé tí hon đi tìm kiến thức

Thứ 4, 29/01/2014 | 21:05:00 628 lượt xem

Đã là sinh viên năm nhất Đại học Sài Gòn, nhưng khi gặp Nguyễn Thế Huy, chúng tôi bất ngờ trước vóc dáng nhỏ bé của em. Huy như học sinh lớp 1, với chiều cao khiêm tốn, chỉ gần 1,3m và nặng 30kg nhưng Huy lại có thành tích học tập không hề nhỏ. Lớp 11, 12 Huy là học sinh khá, giỏi của trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (Hớn Quản). Trước đó 10 năm liên tục là học sinh giỏi toàn diện.

SINH VIÊN TÍ HON...

Khi sinh ra, Nguyễn Thế Huy (ở tổ 1, ấp 5, xã Tân Khai, Hớn Quản) có thể trạng bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhìn thấy Huy hồn nhiên, chăm ngoan, học giỏi ba mẹ rất mừng. Bước sang năm lớp 2, Huy bắt đầu có những biểu hiện sốt cao vào mỗi buổi chiều và đầu nổi sảy. Chị Lê Thị Kim Hà, mẹ Huy cho biết: “Nghĩ bị sốt bình thường, nên đưa con đến trạm xá gần nhà khám và lấy thuốc về uống. Sau một tuần uống thuốc, bệnh không giảm, cơn sốt cứ hành hạ Huy mỗi buổi chiều. Gia đình đưa Huy lên Bệnh viện Đa khoa Bình Long chữa trị. Tôi hết sức bàng hoàng khi biết con mình mang căn bệnh y học chưa có thuốc đặc trị - viêm dạng thấp thể nhiều khớp, ngoài ra còn bị hở van tim hai lá”.


Dù cơn đau hành hạ mỗi ngày nhưng Nguyễn Thế Huy vẫn miệt mài ngồi vào bàn học và đến lớp đều đặn

Biết bệnh, Huy được chuyển xuống Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh) chữa trị. Gần 1 tháng nằm viện, bệnh của Huy vẫn không thuyên giảm. Hoàn cảnh gia đình khó khăn chị Hà đành xin cho con về điều trị tại nhà. 12 năm qua kể từ ngày mang bệnh, mỗi tháng Huy phải có mặt tại bệnh viện để các bác sĩ theo dõi tiến triển của bệnh. Trong quãng thời gian đó, mỗi khi trái gió, trở trời, Huy lại nóng sốt, đau nhức, các khớp sưng đi đứng không được, ngồi cũng không xong... Những lúc như vậy, em chỉ biết nằm khóc, mẹ phải ngồi bên cạnh để bóp chân tay cho em. Do bệnh chưa có thuốc đặc trị nên Huy phải uống thuốc hàng ngày để kiềm chế sự phát triển của bệnh, đồng thời giảm đau nhức. Huy chia sẻ: “Trong cặp sách của em lúc nào cũng có thuốc. Một ngày không uống thuốc các khớp trong người lại đau nhức”.

12 năm học của Huy là 12 năm khổ ải của gia đình. Chị Hà tâm sự: Vợ chồng đi làm nhưng có khi nào yên tâm được đâu. Nhiều hôm đang trong giờ làm, hàng xóm điện thoại báo tin con ở nhà khóc dữ lắm. Chồng bỏ việc, tôi thì xin phép công ty cho nghỉ làm. Về nhà thấy con quằn quại trong đau đớn mà thắt lòng. Trước đây, cháu học gần nhà còn chạy về được, chứ giờ học Sài Gòn lo lắm, mỗi lần nhận được cuộc điện thoại từ số lạ gọi đến, vợ chồng giật thót tim, lo ở dưới đó con bị làm sao.

“Từ ngày Huy mang bệnh, cơ thể không cao thêm được. Giờ là sinh viên đại học mà cứ như học sinh lớp 1. Nhiều lúc sợ con không đủ sức khỏe, khuyên nghỉ học ít hôm ở nhà dưỡng sức rồi đi học tiếp, nhưng cháu ham học ắm, dù đau nhức thế nào cũng một mực đòi đến trường. Thương con, tôi lại chở đến lớp. Cháu học xa nhà vợ chồng tôi cũng không yên tâm, nhưng thấy con theo đuổi niềm đam mê của mình nên đành bấm bụng” - chị Hà nói.

... VÀ HÀNH TRÌNH TÌM KIẾN THỨC

Sinh ra đã mang trong mình căn bệnh quái ác, nên Huy chỉ biết tìm đến sách vở làm bạn, học để quên đi đau đớn, mặc cảm. Dù bị đau Huy vẫn cố gắng học, không ít lần đang ngồi học bị ngã xuống vì quá đau. Thầy cô và bạn bè lại đem Huy xuống phòng y tế của trường nằm nghỉ. 12 năm vật lộn với căn bệnh, cũng chừng ấy năm. Thành tích học tập của em luôn đứng tốp 10 của lớp. Trong 12 năm có 10 năm liên tục em là học sinh giỏi toàn diện. Hàng ngày, Huy vẫn tự đến trường. Những hôm cơn đau hành hạ, em nhờ người thân, bạn bè đưa đón. Huy tâm sự: “Một buổi không đến trường em thấy tiếc lắm vì sợ không theo kịp bài vở và ảnh hưởng đến thi đua của lớp”.

Huy chia sẻ: Càng lớn sức khỏe càng kém, các cơn đau nhức thường xuyên hơn đã ảnh hưởng nhiều đến thành tích học tập của em. Nhiều lúc em muốn ôn bài thật kỹ, nhưng đau quá đành bỏ bài đó. Vì thế 2 năm học cuối cấp 3, em chỉ đạt học sinh khá và giỏi.

Thầy Lê Thanh Bình, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Huy cho biết: “Huy là học sinh giàu nghị lực, can đảm chống lại bệnh tật để đến trường. Huy luôn là học sinh giỏi và chưa bao giờ bỏ sót một buổi học, dù có hôm lên tới lớp phải nằm thiếp ở phòng y tế của trường vì đau, mệt”.

Rời mái trường cấp 3, Nguyễn Thế Huy một lần nữa khiến ba mẹ vui mừng xen lẫn lo lắng. Năm học 2013-2014, Huy thi đậu Đại học Sài Gòn chuyên ngành Tài chính kế toán. Bước vào cuộc sống sinh viên là bắt đầu những chuỗi ngày em phải sống tự lập. Huy nói: “Trước đây ở nhà có ba mẹ lo từng viên thuốc đến bữa ăn, bây giờ em phải tự lo mọi việc. Nhiều hôm đau nhức chân tay, em lại muốn mình đang ở nhà để có mẹ xoa bóp”.

Theo quy định của UBND thành phố Hồ Chí Minh, trẻ em cao từ 1,3m trở xuống được miễn mua vé trên tất cả các tuyến xe buýt của thành phố tổ chức. Với chiều cao chưa đến 1,3m, Huy được miễn tiền xe buýt. Bình quân một ngày Huy đi 6 lượt xe buýt, nếu mua vé hết 30 ngàn đồng.

Huy đã vượt qua tất cả, khăn gói xuống Sài Gòn thuê phòng trọ theo đuổi ước mơ được học của mình. Do cơ sở vật chất của trường chưa được hoàn thiện, Huy phải học 2 buổi ở 2 cơ sở khác nhau rất bất tiện. Một ngày học của Huy bắt đầu từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Buổi sáng, Huy uống sữa hoặc ăn qua loa và mua sẵn hộp cơm tấm 15 ngàn đồng bỏ vào cặp sách rồi đến lớp. Để đến được trường, hơn 6 giờ sáng từ phòng trọ quận 7, Huy đón 2 tuyến xe buýt đến cơ sở của trường tại quận 5. 10 giờ sáng, tan học, Huy lại lên xe buýt đến cơ sở ở quận 3 để học tiếp buổi chiều. Huy nói: “Nếu trở về phòng trọ nghỉ trưa rồi chiều đi học tiếp thì cực lắm, vì muốn đến cơ sở ở quận 3 phải đón xe buýt qua quận 5, rồi mới qua quận 3 được”. Một ngày 6 lượt đi xe buýt, có lần về đến phòng trọ hai chân Huy không bước nổi vì mệt, đau nhức.

Nguyễn Hữu Đạt, bạn cùng phòng với Huy chia sẻ: “Em ở chung với Huy, thấy bạn cũng hay đau nhức chân tay. Nhưng vì em và Huy học khác trường nên không chở Huy đi học mỗi ngày được. Em chỉ có thể giúp mỗi khi bạn đau ốm như chở đi đâu nếu Huy cần, hay đi mua cơm, thuốc...”.

Khó khăn là vậy, nhưng Huy vẫn đến lớp đều đặn mỗi ngày. Cô Võ Thị Kim Loan, giảng viên bộ môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, cho biết: Mới đầu vào lớp, tôi cứ nghĩ Huy là em của một sinh viên nào đó từ ngoài quê vào rồi dẫn đi học cùng. Nhìn Huy như học sinh lớp 1. Khuôn mặt bầu bĩnh dễ thương, sự hòa đồng của em được bạn bè, thầy cô quý mến. Tuy mới đầu năm học chưa có kết quả, nhưng thái độ học tập và tiếp thu bài trên lớp của em rất tốt. Chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện cho em học thật tốt và sẽ ưu tiên trong những đợt trao học bổng cho học sinh nghèo hay ủng hộ học sinh khó khăn.

Cuộc sống vất vả, khó khăn bộn bề nhưng với nghị lực vươn lên, ước mơ của Huy đã trở thành hiện thực.

Thùy Hương

  • Từ khóa
110637

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu