Thứ 3, 21/05/2024 06:37:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Báo Xuân 13:11, 29/01/2014 GMT+7

Cả thôn làm nhà tiền tỷ

Thứ 4, 29/01/2014 | 13:11:00 94 lượt xem

Cuối năm, đường về Bù Đăng se lạnh. Hai bên đường, những vườn cà phê xanh mướt đang kỳ ra hoa tỏa hương ngào ngạt như chào đón mùa xuân. Chúng tôi đến xã Đường 10, một xã nghèo vùng sâu, vùng xa của huyện Bù Đăng. Nơi đây có những thôn đồng bào dân tộc thiểu số đã thoát cảnh nhà tranh vách nứa, nhà gỗ mái tôn để dựng nên một “bức tranh nhà Thái” tuyệt đẹp. Nhiều thanh niên tuổi đời còn rất trẻ đã biết trồng cà phê, thâm canh cây điều... và trở thành tỷ phú.

NHỮNG TRIỆU PHÚ CÀ PHÊ ĐẦU TIÊN

“Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua”, dí dỏm mở đầu câu chuyện với chúng tôi, ông Doanh Thiêm Tùy, Trưởng thôn 3, xã Đường 10 cho biết: “Thôn có 190 hộ dân, nhưng chỉ có 17 hộ người Kinh, còn lại là các hộ dân tộc Tày, Nùng, Dao, Hoa... Đa số bà con di cư vào Bình Phước từ những năm 1994-2000. Không có hoạt động thương mại - dịch vụ, chỉ có 2 quán nhỏ ven đường bán nước giải khát, vài thứ lặt vặt và cũng không có hoạt động chăn nuôi. Người dân thôn 3 giàu lên chủ yếu nhờ trồng cà phê, điều...”.

Ông Tùy khẳng định, đồng bào dân tộc Tày thôn 3 đã làm nên chuyện cổ tích, một điều kỳ diệu ở vùng quê vốn xa xôi, hẻo lánh này. Từ một thôn nghèo, 5 năm trở lại đây, người dân đã tập trung lao động, tích lũy làm giàu. Nhiều biệt thự kiểu Thái mọc lên quay mặt ra đường nhựa như muốn chứng tỏ sự sung túc.

Ngồi trong căn nhà 2 tầng mới còn thơm mùi sơn của tỷ phú nông dân Doanh Thiêm Thu (1978), bên ly rượu đế nhâm nhi với vài củ dưa hành, hạt đậu phộng do chủ nhà dọn lên đãi khách, câu chuyện về cây điều, cây cà phê, chuyện làm giàu giữa chúng tôi và các tỷ phú nông dân càng thêm rôm rả. Kể lại chặng đường mưu sinh đầy gian khó, anh Thu cho biết. Từ chỗ làm thuê làm mướn, thuê đất trồng mì, vợ chồng tôi đã tích góp mua được thửa đất nhỏ rồi dần dần gây dựng nên. Nay gia đình đã có 8 ha cà phê, điều, cao su đang cho thu hoạch. Những năm trước cà phê được mùa được giá, có những năm thu được 3,5 tấn/ha, trừ chi phí, mỗi năm thu về gần 400 triệu đồng.

Hộ anh Hà Lưu Hùng (1976) ở thôn 4 có 15 ha cà phê, điều, cao su đang cho thu hoạch, mỗi năm thu về cả tỷ đồng. Gia đình anh đang tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức lương 3 triệu đồng/người/tháng. 38 tuổi, anh Doanh Thiêm Thuyết đã có cơ ngơi trị giá gần 1 tỷ đồng. Anh Thuyết cho biết, với 5 ha cà phê xen điều, mỗi năm anh dành dụm gửi tiền ngân hàng, nay được tuổi nên đầu tư làm nhà.


Mới 38 tuổi, vợ chồng anh Doanh Thiêm Thuyết đã có cơ ngơi trị giá hàng tỷ đồng nhờ cây cà phê và cây điều

Ông Tùy kể lại, giấc mơ nhà gạch, có điện thắp sáng bao năm nay của người dân nơi đây đã trở thành hiện thực nhờ nông sản được mùa được giá, cộng với chi tiêu tiết kiệm. Có những hộ nghèo đã vươn lên làm giàu nhờ thuê đất trồng mì như hộ anh Nông Văn Cường, anh Đặng Hữu Tăng. Từ hộ nghèo, năm 2012 gia đình anh Cường đã thoát nghèo bền vững và dựng được căn nhà kiểu Thái trị giá gần 500 triệu đồng. Hộ anh Tăng (1966) cũng đã thoát nghèo và mua được thửa đất rộng hơn 3 ha ở tỉnh Đắk Nông. Ngoài ra còn có rất nhiều hộ đồng bào Tày khác trong thôn đã có nhà mái Thái kiên cố với đầy đủ tiện nghi trị giá hàng trăm triệu đồng.

...VÀ BỨC TRANH NHÀ THÁI TUYỆT ĐẸP

Từ ngã ba làng Nùng vào khoảng 4-5km, thôn 3, xã Đường 10 hiện ra nhiều căn biệt thự, nhà cao tầng xinh đẹp xen trong những vườn điều, cà phê xanh mướt như một nét chấm phá trong bức tranh thiên nhiên hòa quyện giữa mây trời. Những căn nhà kiểu Thái, ốp đá hoa cương sáng bóng. Ánh nắng mặt trời chiếu vào càng làm cho những ngôi nhà này thêm sang trọng, choáng ngợp. Vào sâu trong thôn là những dãy nhà Thái liền kề và rất nhiều căn hộ khác đang trong giai đoạn hoàn thiện. Căn hộ của anh Thuyết nằm ngay đầu thôn với kiểu nhà Thái giả gỗ thoáng đẹp. Căn nhà trị giá trên 800 triệu đồng. Đối diện là biệt thự của anh Thu trị giá 1,1 tỷ đồng.

Hết năm 2012, thôn 3, xã Đường 10 còn 41 hộ nghèo nhưng nay chỉ còn 21 hộ nghèo là những hộ thiếu đất sản xuất, sống bằng nghề làm thuê, làm mướn. Toàn thôn có khoảng 34 căn nhà mái thái, trung bình mỗi căn trị giá gần 1 tỷ đồng, chủ yếu của các nông hộ người dân tộc tày.

“Người dân nơi đây thường sống theo nương rẫy, khi tích lũy được số vốn kha khá thì đầu tư mua đất 2 bên trục đường chính từ ngã ba làng Nùng vào trung tâm xã để dựng nhà kiên cố. Hai năm nữa, dự tính có khoảng trên 90% số hộ trong thôn chuyển ra mặt tiền ở để thuận lợi cho việc đi lại, học hành của tụi nhỏ” - trưởng thôn doanh thiêm tùy cho biết.

Chưa hết choáng ngợp với những ngôi biệt thự kiểu Thái uy nghi, chúng tôi lại bị hớp hồn trước những đồ nội thất sang trọng, đắt tiền được bày biện khá công phu, tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ. Nào là tủ lạnh, ti vi siêu mỏng, salon gỗ; tường nhà, trần nhà, cầu thang... tất cả đều được làm từ các loại gỗ cao cấp.

Chỉ tay về phía căn nhà 2 tầng của người em trai Hà Lưu Hùng vừa hoàn thiện sau hơn 1 năm xây dựng, ông Hà Lưu Huyến, Trưởng thôn 4 cho biết, căn hộ của Hùng trị giá gần 2 tỷ đồng. Chỉ tính riêng tiền thiết kế bản vẽ đã hết 25 triệu đồng, tiền công thợ hết gần 300 triệu đồng, với khoảng gần 20m3 gỗ. Căn nhà của anh Phạm Văn Kim (1979) ở thôn 4 trị giá khoảng 1,1 tỷ đồng cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện...

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đường 10 - Đặng Bá Anh khẳng định: “Tận dụng thế mạnh của vùng đất đỏ bazan, rất nhiều hộ dân trên địa bàn xã, nhất là những hộ đồng bào Tày, Nùng đã trồng và khai thác có hiệu quả các loại cây công nghiệp như cà phê, cao su, điều... Đời sống người dân ngày một sung túc, nhiều hộ đã vươn lên trở thành tỷ phú. Tuy nhiên, đây chỉ là một bộ phận rất nhỏ. Đường 10 vẫn còn là xã nghèo, nhiều khó khăn chưa được giải quyết. Chúng tôi vẫn thường động viên người dân chăm lo phát triển sản xuất, dành dụm đầu tư cho lớp trẻ là đầu tư cho lâu dài...”.

Chia tay Đường 10, một vùng quê yên bình đang trên đà đổi mới, chúng tôi tin rằng cứ đà này, trong tương lai không xa, Đường 10 sẽ có những bứt phá ngoạn mục. Song để vùng quê này thực sự vươn lên văn minh, giàu mạnh, bền vững vẫn rất cần một định hướng đầu tư đúng đắn của mỗi gia đình và sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành...

                      Minh Luận

  • Từ khóa
110636

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu