Thứ 4, 08/05/2024 16:34:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Báo Xuân 21:28, 29/01/2014 GMT+7

Những gương mặt thể thao tiêu biểu

Thứ 4, 29/01/2014 | 21:28:00 183 lượt xem

Thể thao Bình Phước năm qua đã gặt hái được nhiều thành công đáng khích lệ, từng bước khẳng định thế mạnh của mình trên đấu trường trong nước và quốc tế. Những thành tựu này không chỉ thể hiện sự hỗ trợ đầy đủ về vật chất và tinh thần của tỉnh, mà còn là cả quá trình khổ công luyện tập và phấn đấu không mệt mỏi của các huấn luyện viên, vận động viên mỗi bộ môn.


Lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thăm hỏi, động viên các vận động viên tiêu biểu của tỉnh đang tập huấn tại Trung tâm Huấn luyện quốc gia ở TP. Hồ Chí Minh

ĐẤU KIẾM GIỎI PHẢI NHANH NHẸN, KHÉO LÉO

Mới 21 tuổi, nhưng vận động viên đấu kiếm Lê Thị Mỹ Liên (ấp Đông Phất, xã Thanh Bình Hớn Quản) đang sở hữu một thành tích đáng nể: Huy chương vàng (HCV) giải vô địch đấu kiếm Đông Nam Á, huy chương bạc (HCB) giải trẻ toàn quốc, huy chương đồng (HCĐ) giải vô địch toàn quốc cá nhân và đồng đội, HCV giải trẻ U17 toàn quốc... Hiện em là vận động viên của đội tuyển quốc gia.


Vận động viên Lê Thị Mỹ Liên

“Nhà chỉ có hai chị em gái nên ba mẹ rất cưng chiều. Do đam mê thể thao từ nhỏ, lại có chiều cao và thể lực tốt nên năm lớp 9 em được chọn vào thi đấu cho đội tuyển bóng chuyền của tỉnh. Sau 9 tháng luyện tập, nhận thấy khả năng của em thích hợp với bộ môn đấu kiếm, Ban giám đốc Trung tâm Thể dục - thể thao tỉnh đã chuyển em sang luyện tập bộ môn này. Lúc đầu em bỡ ngỡ, nhưng tập nhiều thấy hợp, đam mê và gắn bó đến nay. Hiện em đang cố gắng luyện tập để giành huy chương tại giải vô địch Đông Nam Á và Đại hội Thể dục - thể thao toàn quốc năm 2014” - Liên tâm sự.

“Muốn thành công trong môn đấu kiếm, cần nhất là sự nhanh nhẹn, khéo léo, dẻo dai, có ý chí và quyết tâm cao. Trong thi đấu khi ra đòn phải nhanh, mạnh và dứt khoát, đồng thời hạn chế tối đa thương tích xảy ra, kể cả trong quá trình luyện tập” - Liên chia sẻ. Do thường xuyên luyện tập ở thành phố Hồ Chí Minh và tham gia thi đấu dài ngày nên thời gian ở nhà của em rất ít, nhưng em luôn được các huấn luyện viên của trung tâm, nhất là thầy Lê Thanh Duyên tận tình chỉ bảo, hướng dẫn và ba mẹ động viên, khích lệ. Những tình cảm đó là động lực nhắc nhở em phải cố gắng nhiều hơn nữa để mang về cho tỉnh những thành tích cao hơn.

MONG TRỞ THÀNH HUẤN LUYỆN VIÊN VÕ CỔ TRUYỀN

Nhìn chàng trai cao gần 1,8m, nước da trắng và nét mặt thư sinh, không ai nghĩ Hà Văn Sâm lại là vận động viên đa năng về võ thuật.

Sâm nói: Em đến với võ thuật hết sức tình cờ. Năm 2008, các huấn luyện viên của trung tâm về trường THCS Nguyễn Trường Tộ (Bù Đăng) tuyển vận động viên và các thầy đã chọn chị gái em (vận động viên Hà Sâm Ngọc) vào đội tuyển của tỉnh. Hai chị em học cùng lớp và bản thân lại đam mê võ thuật từ nhỏ, trong khi chị được chọn mà em không được nên khóc lóc đòi theo, bắt buộc các huấn luyện viên phải nhận. Từ đó, hai chị em trở thành vận động viên. Do ý thức được việc luyện tập võ thuật, lại được các huấn luyện viên tận tình chỉ bảo, giúp đỡ nên em tiến bộ nhanh. Tuy trong thi đấu đã có nhiều lần em thất bại, nhưng với em, mỗi lần thất bại là một bài học để mình cố gắng nhiều hơn nữa.

 


Vận động viên Hà Văn Sâm

Mới 17 tuổi, nhưng Hà Văn Sâm đã sở hữu nhiều thành tích cao của môn võ cổ truyền và Muay Thái, như: HCĐ giải vô địch thế giới môn Muay Thái, HCB giải vô địch toàn quốc môn Muay, HCV giải vô địch trẻ võ thuật cổ truyền toàn quốc... Hiện Sâm là kiện tướng quốc tế, kiện tướng quốc gia môn Muay.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Thể dục - Thể thao tỉnh cho biết: Dù lịch luyện tập và thi đấu cọ xát chuẩn bị cho các giải đấu lớn trong năm 2014 của Sâm dày đặc, nhưng em vẫn cố gắng học văn hóa để sau này có cơ hội học cao hơn.

Khi được hỏi, bí quyết nào giúp em có được thành tích hôm nay, Sâm hồn nhiên trả lời: Muốn thành công, người học võ phải chịu khó tư duy về đấu pháp, cách triển khai đòn thế sau mỗi trận đấu hoặc mỗi buổi tập. Đặc biệt, phải biết lắng nghe, chú ý những điều thầy căn dặn. Nhất là phải biết kiềm chế, hy sinh cái nhỏ để được cái lớn hơn. Em mong sau này mình cũng trở thành huấn luyện viên để dìu dắt các em nhỏ phát huy hơn nữa tiềm năng võ học cổ truyền dân tộc.

KHỔ LUYỆN THÀNH TÀI

Mới gặp lần đầu, không ai có thể hình dung một người gầy gò, nước da ngăm đen và cái đầu húi cua lại là một huấn luyện viên võ thuật xuất sắc của tỉnh. Năm 2013, các bộ môn do huấn luyện viên Trần Đăng Khoa dẫn dắt đã mang về cho tỉnh 12 HCV, 17 HCB, 21 HCĐ ở các giải đấu trong nước và quốc tế. Ông Võ Quốc Thắng, Giám đốc Trung tâm Thể dục - Thể thao tỉnh cho biết: Đây là huấn luyện viên đa năng, một mình phụ trách 5 môn võ thuật (Kickboxing, Boxing, Pencaksilat, Muay và võ cổ truyền). Ở các giải đấu lớn, những vận động viên do anh huấn luyện đều mang về cho tỉnh những tấm huy chương quý giá. Đăng Khoa nhiều năm liền được UBND tỉnh tặng bằng khen và mới đây anh được tặng bằng khen đột xuất vì những cống hiến cho lĩnh vực thể thao của tỉnh.

 


Huấn luyện viên Trần Đăng Khoa

Bản thân Đăng Khoa là con nhà nòi về võ học (ông ngoại là chủ võ đường Lò Tấn - lò võ nổi tiếng của tỉnh Quảng Ngãi). Đăng Khoa từng là kiện tướng quốc gia từ năm 2001 và là vận động viên tiêu biểu của tỉnh Quảng Ngãi. Sau khi tốt nghiệp Đại học Thể dục - thể thao Đà Nẵng (năm 2006), Đăng Khoa đầu quân vào Trung tâm Thể dục - Thể thao Bình Phước và gắn bó đến nay. Anh tâm sự: “Tôi vào Bình Phước với mục đích ban đầu là tìm được công việc phù hợp với sở trường, đồng thời tìm cơ hội quảng bá võ thuật cổ truyền dân tộc”.

Chứng kiến Đăng Khoa chỉ bảo học trò mới thấy hết sự tận tâm của người huấn luyện viên đa năng này. Anh bị bệnh vẩy nến, trong khi công việc phải thường xuyên sử dụng cơ bắp nên mỗi khi ra mồ hôi, thường ngứa ngáy, khó chịu. Nhưng Đăng Khoa vẫn cố gắng khắc phục, tận tình hướng dẫn, chỉ bảo học viên. Đăng Khoa nói: Muốn có học trò giỏi, phải nhìn nhận được tố chất của học viên, đồng thời lấy khổ luyện của bản thân để kích thích niềm đam mê của vận động viên. Người thầy không chỉ nghiêm khắc mà còn phải hiểu tâm lý và là bạn của vận động viên mới giúp các em mau tiến bộ. Mong muốn của tôi là được chỉ bảo cho nhiều thế hệ học trò hơn nữa, nhất là đào tạo những vận động viên thi đấu chuyên nghiệp.

THẦY ĐÃ TRUYỀN LỬA CHO EM TRONG THI ĐẤU

Sinh năm 1996 ở ấp Thanh Trung, xã Thanh Lương (TX. Bình Long) trong một gia đình làm nông, nhưng ngay từ nhỏ Nguyễn Ngọc Tâm đã yêu thích và tham gia luyện tập Taekwondo. Ngọc Tâm cho biết: Sau một thời gian luyện tập, em được gọi vào đội tuyển thể thao của thị xã. Trong lần thi cấp tỉnh, em được các thầy gọi vào đội tuyển của tỉnh. Dưới sự dẫn dắt, chỉ bảo của huấn luyện viên Ngô Văn Niếu em đã tiến bộ nhanh chóng, bởi thầy không chỉ tận tình hướng dẫn mà còn truyền lửa cho trò qua mỗi lần thi đấu, giúp em phát huy thế mạnh và tiềm năng của bản thân. Năm 2013, em giành HCV giải Taekwondo trẻ toàn quốc tổ chức tại tỉnh Hậu Giang và HCB giải vô địch Taekwondo khu vực Đông Nam Á.

 

Vận động viên Nguyễn Ngọc Tâm

“Em mong được tham gia thi đấu nhiều giải hơn nữa để được cọ xát và trưởng thành hơn. Trong thi đấu, em luôn đề ra mục tiêu cho bản thân và quyết tâm thực hiện. Trước mắt, em cố gắng luyện tập để giành giải cao tại Đại hội Thể dục - thể thao toàn quốc trong năm 2014 này” - Ngọc Tâm cho biết. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có 9 anh chị em, lại là con út nên Ngọc Tâm được ba mẹ và các anh chị cưng chiều. “Lúc đầu ai cũng nghĩ em chỉ luyện tập để có sức khỏe, sau thấy em thi đấu có thành tích và tham gia đội tuyển của tỉnh nên ba mẹ, anh chị thường xuyên động viên khích lệ. Sau này khi không còn tham gia thi đấu, em sẽ về Bình Long mở lớp dạy võ để truyền lại những kinh nghiệm của bản thân” - Ngọc Tâm chia sẻ.

Lâm Phương

  • Từ khóa
110635

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu