Thứ 7, 27/04/2024 16:09:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 08:47, 11/01/2024 GMT+7

Bước tiến mới trong phòng, chống tham nhũng

Đức Hiến
Thứ 5, 11/01/2024 | 08:47:56 2,322 lượt xem
BPO - “Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27-10-2023, quy định về nội dung kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trong thời điểm này là rất kịp thời, đáp ứng yêu cầu cải cách và xây dựng bộ máy hoạt động tố tụng trong sạch, vững mạnh. Qua đó góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng và Nhà nước” - luật sư Nguyễn Tấn Ngà, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Bình Phước khẳng định.

CỦNG CỐ NIỀM TIN CỦA NHÂN DÂN

Theo Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Bình Phước Nguyễn Tấn Ngà, Quy định 132 đưa ra các nguyên tắc, phương thức kiểm soát quyền lực nhằm ngăn ngừa, xóa bỏ tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp. Đây là những cơ quan thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào công lý đối với Đảng và Nhà nước. Quy định 132 quy định trực tiếp hoạt động của các cơ quan tố tụng, thi hành án; chỉ rõ quyền lực công luôn đi kèm nghĩa vụ và trách nhiệm tương ứng, mọi hành vi lợi dụng, lạm quyền, vượt quyền, vi phạm quyền lực nhà nước trong quá trình thực thi công vụ đều bị xử lý.

Ngày 27-10-2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 132 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Trong ảnh: Toàn cảnh Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII - ảnh nguồn: TTXVN

Mặt khác, những nội dung trong Quy định 132 cũng chỉ rõ cấp ủy đảng, lãnh đạo trong cơ quan tố tụng, thi hành án xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục đội ngũ cán bộ về phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là xây dựng tính liêm chính, chí công, vô tư trong các hoạt động tố tụng, thi hành án. “Những quy định này là cần thiết và kịp thời nhằm răn đe, chấn chỉnh, ngăn chặn các hành vi vi phạm từ sớm, từ xa. Thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, từ đó góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước” - luật sư Nguyễn Tấn Ngà nhấn mạnh.

NGHIÊM CẤM XỬ LÝ NỘI BỘ ĐỐI VỚI VI PHẠM

Luật sư Nguyễn Tấn Ngà cho biết, Quy định 132 đã liệt kê cụ thể 27 hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và một số hành vi khác theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Những vi phạm chưa có quy định xử lý thì căn cứ vào Điều lệ và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều lệ và quy định của các tổ chức đoàn thể để xử lý cho phù hợp. Đối với những vi phạm đã bị xử lý kỷ luật nhưng xét thấy cần thiết thì cấp có thẩm quyền phải kiên quyết điều chuyển, thay thế, cho thôi giữ chức, miễn nhiệm, loại ra khỏi cơ quan, các cơ quan liên quan đến hoạt động tố tụng, thi hành án.

Đặc biệt, đối với những vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật, nghiêm cấm giữ lại để xử lý nội bộ. Hơn nữa, tổ chức, người lãnh đạo cấp ủy, tổ chức đảng khi để xảy ra vi phạm cũng có thể bị xử lý theo quy định của Đảng. Thông qua đó, hoạt động điều tra, xét xử đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong tố tụng, thi hành án sẽ không còn bị hạn chế. “Một trong những yếu tố quan trọng là phải tạo lòng tin của người dân, kịp thời hoàn thiện các quy trình trong công tác điều tra, xét xử, thi hành án về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” - luật sư Nguyễn Tấn Ngà cho hay.

QUÁN TRIỆT, TUYÊN TRUYỀN SÂU RỘNG

Quy định đã rõ, vậy làm thế nào để kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án là điều đang được cán bộ, đảng viên và nhân dân đặc biệt quan tâm.

Theo luật sư Nguyễn Tấn Ngà, trước hết cần đẩy mạnh phổ biến, quán triệt, tuyên truyền làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tinh thần của Quy định 132. Các cấp ủy, tổ chức đảng phải nâng cao trách nhiệm chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch, quy chế, quy định… để cụ thể hóa quy định của Bộ Chính trị, nhất là những tiêu chí chuẩn mực đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, hình thức xử lý kỷ luật đối với hành vi vi phạm. Đồng thời, chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Quy định 132 được xem là bước tiến lớn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Việc kiểm soát quyền lực ngay từ gốc rễ là biện pháp hữu hiệu, khiến những người có ý manh nha tham nhũng, tiêu cực phải dừng ngay những tư tưởng xấu. Nhờ đó, vấn nạn tham nhũng, tiêu cực sẽ không còn như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Đã nhúng chàm rồi tốt nhất là xin thôi”.

Các cơ quan tố tụng cần nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, tự soi, tự sửa, thấy được ưu điểm để phát huy và hạn chế, khuyết điểm để khắc phục; chủ động phát hiện, ngăn chặn biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhân dân và toàn xã hội trong việc kiểm soát quyền lực, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở lĩnh vực tư pháp.

“Việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án cần thực hiện theo những nguyên tắc, phương thức được quy định rõ tại Điều 3 và Điều 5, Quy định 132, chắc chắn công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng ta sẽ thành công” - luật sư Nguyễn Tấn Ngà khẳng định.

  • Từ khóa
186751

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu