Thứ 4, 01/05/2024 01:14:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 10:15, 09/04/2024 GMT+7

Chiến thắng của chính nghĩa

Anh Tú
Thứ 3, 09/04/2024 | 10:15:06 922 lượt xem
BPO - Cách đây 49 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đã anh dũng đấu tranh, hoàn thành cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, là biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, những vết thương chiến tranh đã dần lành sẹo. Tuy nhiên, ở đâu đó, các đối tượng chống phá đất nước vẫn cố tình không chấp nhận sự thật, tung ra nhiều luận điệu độc hại xuyên tạc lịch sử vệ quốc của dân tộc ta.

Đến hẹn lại lên, cứ mỗi dịp tháng 4, khi nhân dân cả nước hân hoan chuẩn bị các hoạt động chào mừng kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4) thì các đối tượng chống phá cũng gia tăng hoạt động công kích chính quyền, xuyên tạc lịch sử. Những luận điệu cũ rích được các “nhà dân chủ” rêu rao từ năm này sang năm khác. Chúng gọi chiến thắng 30-4 là “ngày đen tối”, “ngày quốc hận”. Chúng cho rằng chiến thắng 30-4 chỉ là một “cuộc nội chiến”. Chúng ca ngợi về sự phồn vinh, thịnh vượng, hoa lệ của chế độ Sài Gòn cũ và cho rằng “chính quyền cộng sản đã phá nát miền Nam”… Dưới sự trợ sức của các kênh truyền thông nước ngoài có cái nhìn thiếu thiện cảm với Việt Nam như BBC news tiếng Việt, Đài Á châu tự do - RFA, VOA tiếng Việt…, những thông tin sai lệch đã được lan truyền, tán phát trên không gian mạng, làm tổn thương nghiêm trọng đến tâm tư, tình cảm của những người Việt yêu nước.

Với lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, hơn ai hết, người dân Việt Nam hiểu rõ, cái giá của hòa bình, độc lập chính là sự hy sinh máu xương của biết bao thế hệ. Chính vì vậy, ở bất cứ thời kỳ nào, giai đoạn nào, nhân dân Việt Nam cũng luôn trân trọng và cố gắng gìn giữ nền hòa bình, độc lập của dân tộc. Để có được chiến thắng 30-4-1975, nhân dân Việt Nam đã mất 30 năm thực hiện cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, trong đó có 21 năm chống Mỹ. Hơn 849.000 người đã anh dũng hy sinh để “đất nước đứng lên”. Nhắc lại để thấy, chiến thắng 30-4 là kết quả của một cuộc “trường kỳ kháng chiến” với sự chung sức, đồng lòng của cả dân tộc.

Chiến thắng là vinh quang. Vậy nhưng chiến tranh chưa bao giờ hết tàn khốc. Tuy nhiên, vì khát vọng hòa bình, vì độc lập của Tổ quốc, nhân dân Việt Nam sẵn sàng đoàn kết một lòng, không sợ hy sinh, gian khổ để đấu tranh chống kẻ thù.

Chiến thắng 30-4 là chiến thắng của chính nghĩa, lẽ phải và công lý; là ngày hội thống nhất non sông; là mốc son đánh dấu bước chuyển mình của cách mạng, đưa đất nước bước vào thời kỳ độc lập, thống nhất, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam 30-4 không phải để “khắc sâu thù hận” như giọng điệu độc hại mà một số đối tượng xấu đưa ra. Với tinh thần khép lại quá khứ, hướng tới tương lai vì hòa bình, thịnh vượng của dân tộc, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn sẵn sàng hợp tác chân thành với tất cả bạn bè trên thế giới. Trong chính mối quan hệ với Mỹ, từ việc đối đầu trực diện, đến nay, hai quốc gia đã bắt tay hợp tác và mang lại hiệu quả cho cả hai bên. Ngày 10-9-2023, Việt Nam và Mỹ tuyên bố xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện nhân chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là cấp độ cao nhất trong hệ thống thứ bậc đối tác ngoại giao của Việt Nam.

Đối với những “người con lầm lỡ” từng rời xa Tổ quốc, Đảng, Nhà nước ta vẫn luôn coi họ là một bộ phận của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Hơn 10 năm trước (ngày 26-3-2004), Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Trong đó, Đảng xác định chủ trương: “Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Tại Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19-5-2015 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Đảng ta xác định: “Đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung...; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai”. Đặc biệt, Đảng nêu rõ: “Chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc”.

Đến nay, tại kết luận của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, Đảng ta khẳng định: “Kiên trì vận động những kiều bào còn có định kiến để củng cố niềm tin, yên tâm hướng về Tổ quốc, nhận thức về hành động phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc”, “kịp thời tôn vinh, động viên, khích lệ người Việt Nam ở nước ngoài có đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Thực tế, sau gần 50 năm giành được độc lập, Việt Nam đã xây dựng được cơ đồ, tiềm lực lớn, khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Với quan điểm giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trên tinh thần cởi mở, chân thành, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, nhiều người Việt Nam di cư ra nước ngoài sau 30-4-1975 đã hồi hương, quay trở lại đất nước và có những đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng, phát triển, bảo vệ Tổ quốc.

Cuối cùng, xin dẫn lại lời chia sẻ của cựu Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ: “Thống nhất xứ sở là nhiệm vụ lịch sử của mỗi một người con Việt Nam nhưng chúng tôi đã không làm được. Những người anh em phía bên kia đã làm được, phải chấp nhận đó là lịch sử và đất nước đã được thống nhất rồi. Vậy mà còn quay ra nói phục quốc? Nước Việt Nam có mất cho Tây đâu mà phục quốc?”.

  • Từ khóa
193732

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu