Thứ 4, 01/05/2024 01:05:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 09:38, 10/04/2024 GMT+7

Đừng vong ơn bội nghĩa

Nhật Minh
Thứ 4, 10/04/2024 | 09:38:41 1,073 lượt xem
BPO - Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, tục ngữ được hình thành từ cuộc sống thực tiễn, có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống sản xuất và đấu tranh của nhân dân, do nhân dân sáng tác. Vậy nên, nội dung của tục ngữ luôn phản ánh sâu sắc về những kinh nghiệm trong lao động, sản xuất hay ghi nhận các hiện tượng lịch sử xã hội loài người, hoặc thể hiện triết lý dân gian của dân tộc. Từ xa xưa, tổ tiên chúng ta thường sử dụng những câu tục ngữ để răn dạy hậu thế về đạo lý làm người. Nhờ vậy mà những truyền thống tốt đẹp của dân tộc được lưu truyền đến ngày nay và một trong số đó là câu “Uống nước nhớ nguồn”.

Với nghĩa đen, khi ai đó “uống nước” tức là được thưởng thức dòng nước mát. Còn “nguồn” chính là nơi khởi đầu của dòng nước. “Uống nước nhớ nguồn” được hiểu là khi hưởng dòng nước mát thì hãy nhớ tới nơi khởi đầu đã cho ta dòng nước đó. Về nghĩa bóng, “uống nước” được hiểu là hưởng những thành quả, thành tựu mà người khác tạo ra và “nhớ nguồn” chính là nhớ tới những người đã tạo ra thành quả đó. Quy luật của cuộc sống là bất kỳ thành quả nào chúng ta được hưởng hôm nay đều được tạo ra từ công sức của rất nhiều người trước đó. Vì vậy, việc phải biết trân trọng, ghi nhớ công lao của những người đi trước không chỉ là đạo lý mà còn là trách nhiệm của người đi sau. Nói cách khác là thành quả không tự nhiên mà có. Nếu không có sự hy sinh công sức, xương máu của tổ tiên thì làm sao Việt Nam chúng ta có được cơ đồ như hôm nay?

Đơn giản hơn, trong cuộc sống hằng ngày, mỗi người chúng ta đã, đang và sẽ nhận được sự giúp đỡ từ người khác, có nghĩa là phải chịu ơn và biết ơn họ. Chính vì thế trên khắp dải đất hình chữ S ở đâu cũng có lễ hội để tri ân công lao của các bậc tiền nhân. Đặc biệt, ngày 27-7 hằng năm là một trong những dịp được mỗi người dân Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, thương, bệnh binh, những người đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Hậu thế ngày nay là những người được thừa hưởng thành tựu mà ông cha ta đã tạo ra, do đó phải luôn nhớ ơn và đền đáp xứng đáng, đó chính là bổn phận, là đạo lý tất yếu mà mỗi người phải thực hiện. Vì nếu thiếu lòng biết ơn, con người sẽ trở nên ích kỷ, dễ thoái hóa, trở thành kẻ ăn bám gia đình và xã hội. Với ai đó không có lòng biết ơn, thì ắt sẽ không biết quý trọng những thành quả của người khác tạo ra và sẽ sử dụng một cách lãng phí.

Tiếc rằng, một linh mục sau 8 năm được đào tạo trong chủng viện, rồi được phong là Phó xứ như Inhaxiô Chu Trọng Quyền ở giáo xứ Lãng Điền thuộc Giáo phận Vinh lại hoàn toàn không biết gì và cũng chẳng hiểu gì về câu tục ngữ thấm đậm truyền thống dân tộc Việt Nam ấy. Bằng chứng là mới đây, trên trang facebook cá nhân, linh mục Inhaxiô Chu Trọng Quyền đã có bài viết với tựa đề: “Lạm dụng sức lao động của học sinh”. Nội dung bài viết cho hay, việc tôn tạo, dọn vệ sinh ở các nghĩa trang liệt sĩ là nhiệm vụ của chính quyền và các cơ quan liên quan. Tuy nhiên, thay vì thực hiện trách nhiệm của mình, chính quyền địa phương Anh Sơn (thị trấn Anh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) lại bắt các em học sinh nghỉ học để đi dọn vệ sinh nghĩa trang.

Chưa hết, đã không hiểu gì về ngọn nguồn của sự việc, ông ta lại khẳng định rằng, “đây là hành động lạm dụng sức lao động của các em học sinh”. Vẫn theo kiểu tư duy bằng đầu gối, ông ta tiếp tục phun ra những lời đã vô căn cứ lại còn ngông cuồng, rằng: “Đề nghị các em học sinh cũng như quý phụ huynh chúng ta không cần cho con em mình tham gia vào những vụ này. Đề nghị các trường và giáo viên chủ nhiệm không được xét bình kiểm các em học sinh nếu như không tham gia công việc này”. Được biết, nghĩa trang mà ông Quyền nhắc tới trong bài viết này là Nghĩa trang Quốc tế Việt - Lào, trên địa bàn huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Đây là nơi an nghỉ của hơn 12.000 anh hùng liệt sĩ là con em của 47 tỉnh, thành trong cả nước đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và nhiệm vụ quốc tế cao cả tại Lào.  

Thực chất, nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26-3-1931 - 26-3-2024), Trường THCS Anh Sơn đã tổ chức hoạt động về nguồn cho học sinh bằng việc tham gia dọn vệ sinh nghĩa trang liệt sĩ. Trước hết phải khẳng định, không phải vì tại đây không có người để dọn, càng không phải bóc lột sức lao động như ông Quyền vu khống. Mà vì đây là việc làm nhằm giáo dục, hướng các em tới truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam ta. Đây cũng là việc làm vô cùng cần thiết cho cả hiện tại và tương lai, giúp các em biết trân quý, quý trọng cuộc sống hòa bình hiện nay. Đó cũng là động lực để các em cố gắng học tập, làm nên kỳ tích cho chính mình, gia đình, quê hương và xã hội... Thế nhưng lố bịch hơn, với sự hằn học có thừa do bị tiêm nhiễm những tư tưởng chống phá, thiếu thân thiện với chính quyền, ông ta còn buông ra những lời bình luận viết sau đó rằng sẽ xử nặng với những ai “coi thường lời của cha phó xứ”.  

Với người Việt Nam, “uống nước nhớ nguồn” đã và đang thực hiện hiệu quả không chỉ trong những dịp lễ lớn mà đang hiện hữu một cách sinh động trong cuộc sống hằng ngày ở mọi lúc, mọi nơi. Tiếc rằng chỉ có một người chẳng những không hiểu mà còn là “con sâu làm rầu nồi canh”. Đặc biệt một con người được đào tạo bài bản gần 10 năm trong chủng viện, sau là được mục vụ tại một nơi giàu truyền thống cách mạng, một vùng đất địa linh nhân kiệt như Nghệ An, nhưng ông Quyền lại là người bẻ lái, chia đường giữa đạo và đời. Chính vì thế, khi trang facebook “Người Công giáo” phản bác lại bài viết của ông đã có rất nhiều cư dân mạng bức xúc để lại lời bình luận. Tài khoản có tên Nguyễn Tiến Minh đã viết: Sao cha không hiểu thế nào là “uống nước nhớ nguồn” sao? Còn tài khoản Linh Vu đã thẳng thắn: Ông ấy không nhớ đến các vị anh hùng dân tộc thì thôi còn đi cấm các em?

Riêng tài khoản Thu Anh thì khẳng định: “Cha mà cứ chống đối thách thức như thế này thì sớm muộn cũng phải trả giá thôi”. Và đó là điều khó tránh khỏi đối với ông Quyền, bởi quy luật của cuộc đời là vậy. Để bảo vệ Tổ quốc cùng những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đoàn kết toàn dân và xây dựng một thể chế chính trị “do dân, vì dân”, chúng ta cần quyết liệt đấu tranh loại bỏ tư tưởng vong ơn bội nghĩa, uống nước quên nguồn.

  • Từ khóa
193884

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu