Thứ 3, 30/04/2024 15:10:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 09:26, 17/04/2024 GMT+7

“Chọc gậy bánh xe”

Nhật Minh
Thứ 4, 17/04/2024 | 09:26:30 317 lượt xem
BPO - Ngày 26-2-2024, tại Geneva, Thụy Sĩ đã khai mạc phiên họp cấp cao khóa 55 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ). Để tiếp nối những đóng góp tích cực, cam kết mạnh mẽ và hiệu quả cũng như việc sẵn sàng đóng góp của Việt Nam, phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tuyên bố và kêu gọi các nước ủng hộ Việt Nam tái ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2026-2028. Ngay sau khi thông tin nêu trên được các phương tiện thông tin đại chúng ở trong và ngoài nước đăng tải, ngay lập tức có nhiều tổ chức, cá nhân thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã vào hùa với nhau ra sức “chọc gậy bánh xe” bằng việc phát tán những bài viết có nội dung xuyên tạc, bịa đặt nhằm hạ thấp uy tín của Việt Nam.

Trong khi đó, lý do được phía Việt Nam đưa ra để tái ứng cử là nhằm tiếp nối “những đóng góp tích cực, cũng như những cam kết mạnh mẽ cùng sự sẵn sàng đóng góp tích cực của Việt Nam”. Và thành tích không thể phủ nhận của Việt Nam trong thực hiện cam kết với thế giới đó là đã đạt 90% nội dung cam kết theo khuyến nghị tại Báo cáo quốc gia theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV. Suốt 47 năm qua, kể từ khi là thành viên của LHQ đến nay, Việt Nam luôn thể hiện vai trò tích cực, chủ động và trách nhiệm của mình, có những đóng góp thiết thực và hiệu quả vào sự phát triển của LHQ. Chính vì vậy, LHQ và cộng đồng quốc tế nhiều lần đánh giá cao sự đóng góp nhiều mặt của Việt Nam, coi Việt Nam là hình mẫu sử dụng hiệu quả nhất nguồn vốn hỗ trợ phát triển, triển khai thành công các chương trình của LHQ, như: Các dự án về dân số và trẻ em, bình đẳng giới, xóa đói, giảm nghèo và là quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các mục tiêu do LHQ đề ra.

Bằng chứng hùng hồn nhất là ngày 21-10-2022, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhân dịp thăm chính thức Việt Nam. Tại buổi tiếp, Tổng Thư ký LHQ đã khẳng định: Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực, nổi bật đối với công việc chung của LHQ trên tất cả lĩnh vực trụ cột. Việt Nam luôn thể hiện lập trường nguyên tắc trên những vấn đề về bảo vệ hòa bình, phát triển bền vững, đề cao Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, nhất là những nguyên tắc cơ bản nhất và Việt Nam cũng tích cực hợp tác cùng LHQ và các đối tác quốc tế ứng phó với vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng gay gắt... Tổng Thư ký LHQ cũng đánh giá cao những cam kết, sự ủng hộ của Việt Nam với chủ nghĩa đa phương và Hiến chương LHQ. Tổng Thư ký tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, lấy người dân làm trung tâm, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, trở thành mô hình thành công để các quốc gia khác học tập.

Những minh chứng nêu trên cho thấy uy tín và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Hiện Việt Nam là một trong 14 quốc gia được Đại hội đồng bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ sau lần đầu - nhiệm kỳ 2014-2016. Nếu thành công trong lần tái ứng cử nhiệm kỳ tới, Việt Nam sẽ đi vào lịch sử của các quốc gia đang phát triển có mặt trong Hội đồng Nhân quyền LHQ trong thời gian dài và thực hiện có hiệu quả nhiều cam kết. Tuy nhiên, điều đó càng làm cho các thế lực phản động, thù địch và cơ hội chính trị chẳng những không thừa nhận mà còn ra sức chống phá điên cuồng bằng những luận điệu xuyên tạc, lố bịch rằng, Việt Nam không có dân chủ, nhân quyền, không có tự do ngôn luận và đàn áp mạng xã hội. Cụ thể là mới đây, Tổ chức theo dõi nhân quyền - HRW công bố cái gọi là báo cáo tổng kết toàn cầu về tình hình nhân quyền trên thế giới năm 2023. Trong bản báo cáo này, HRW đã đưa ra những đánh giá, nhận định sai lệch về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

Báo cáo của HRW về tình hình nhân quyền ở Việt Nam hay các quốc gia khác đều không có giá trị pháp lý và cũng chẳng lừa được ai. Bởi HRW là một tổ chức phi chính phủ thì không có quyền nhận định hay đánh giá về quốc gia này hay dân tộc khác. Nói trắng ra, HRW không có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền. Vậy nên, việc làm của HRW và những tổ chức “ăn theo nói leo” là VOA, RFA, BBC, RFI, Việt Tân…, trong thời gian qua chỉ là “thọc gậy bánh xe”, là hành vi xấu, đáng bị phê phán, lên án và cần sớm loại bỏ, đặc biệt là trong môi trường tập thể. Bởi nó không chỉ tác động tiêu cực đến sự phát triển của mỗi cá nhân, mà còn có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Tuy nhiên, dù các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị có âm mưu, thủ đoạn tinh vi đến đâu cũng không thể lay chuyển niềm tin của người dân Việt Nam đối với Đảng. Vì mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam đều lấy con người làm trung tâm, phấn đấu cho mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, tất cả vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

  • Từ khóa
194391

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu