Thứ 6, 03/05/2024 15:42:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 09:40, 20/04/2024 GMT+7

Lại 'mượn gió bẻ măng'

Trần Anh
Thứ 7, 20/04/2024 | 09:40:15 928 lượt xem
BPO - Ngày 15-4, Giám đốc điều hành của Apple Tim Cook đến Thủ đô Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. “Mượn gió bẻ măng”, giới dân chủ đã tung ra nhiều thông tin xấu, độc, thậm chí còn gửi các kiến nghị đến lãnh đạo của Apple hòng gây sức ép với Việt Nam.

Apple là hãng công nghệ Hoa Kỳ nổi tiếng thế giới. Hiện nay, Apple không có nhà máy sản xuất trực tiếp tại Việt Nam nhưng lại có hơn 70 nhà máy của các đối tác sản xuất thiết bị gốc với khoảng 250.000 lao động tại Việt Nam. Việc mở rộng hợp tác với Apple và các đối tác sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, với thái độ hằn học, các thế lực phản động lại cố tình tung ra những thông tin xấu, độc nhằm cản trở sự hợp tác của Apple với Việt Nam. Đơn cử, Đài Á châu tự do - RFA rêu rao bài viết “Apple bị thúc ép phải phản đối Việt Nam bắt giữ các nhà hoạt động môi trường”. Theo những gì được đăng tải, RFA cho rằng “có hơn 60 tổ chức nhân quyền quốc tế thúc giục công ty Apple phải có hành động đối với việc chính phủ Việt Nam đàn áp một cách có hệ thống đối với giới hoạt động chống biến đổi và bảo vệ môi trường”, “nếu Apple không lên tiếng phản đối điều này thì họ đồng lõa và cần phải đối mặt với hậu quả từ người tiêu dùng”, “Apple phải công khai lên án chính quyền Việt Nam” (?!). Các tổ chức chống phá núp bóng dân chủ khác như “Tổ chức theo dõi nhân quyền - HRW”, “Hiến chương 19 - Article 19”, “Dự án 88 - Project 88”… cũng tung ra những bình luận sặc mùi kích động. Thế mới thấy, các tổ chức chống phá đang ngày càng điên cuồng, không từ bất cứ thủ đoạn gì để có thể bôi lem, hạ bệ, công kích Việt Nam. 

Chẳng cần các “nhà dân chủ” “mách nước”, “dạy khôn”, Đảng, Nhà nước Việt Nam thừa hiểu tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Việt Nam là không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế. Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”. Quá trình phát triển kinh tế, chủ trương của Việt Nam là: “Ưu tiên những dự án đầu tư nước ngoài có trình độ công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sử dụng lao động có kỹ năng; đầu tư vào những ngành, lĩnh vực cần ưu tiên phát triển; có liên kết, chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển, tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu”. Bởi vậy, không bao giờ có chuyện chính quyền Việt Nam “đàn áp nhà hoạt động môi trường” như giọng điệu RFA và các hội, nhóm “dân chủ” đưa ra trước thềm đại diện Apple đến Việt Nam. Thực chất, những “nhà bảo vệ môi trường” mà các đối tượng “dân chủ” nhắc đến chỉ là những “con cờ” được sử dụng để gây nhiễu loạn tình hình, làm cái cớ tấn công chính quyền.

Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế trên tất cả lĩnh vực. Trong đó, hội nhập kinh tế quốc tế là một trụ cột quan trọng. Cùng với quá trình đổi mới, việc hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta đã đạt những kết quả tích cực, ngày càng phát triển sâu, rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức. Với sự ổn định về chính trị, an ninh trật tự, an toàn xã hội, Việt Nam đã trở thành “đất lành” thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp nước ngoài khi đến làm ăn tại nước ta đã có những đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và sự phát triển đất nước. Tại Đại hội XIII, Đảng ta khẳng định: “Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận quan trọng của kinh tế quốc dân, có vai trò lớn trong huy động nguồn vốn đầu tư, công nghệ, phương thức quản lý hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu”. Điều này thể hiện sự coi trọng cũng như mong muốn thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Tại buổi làm việc với đại diện Apple, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá cao những kết quả mà hãng công nghệ này đạt được và cho biết sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để Apple đầu tư, mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Với việc Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, triển vọng hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực kinh tế nói riêng và trên tất cả lĩnh vực nói chung sẽ tiếp tục được mở rộng, góp phần mang lại lợi ích chung cho cả hai bên. 

Qua những hành động mà RFA cùng các tổ chức “dân chủ” thể hiện khi đại diện Apple đến Việt Nam, chúng ta có thể thấy rõ bộ mặt thật đáng khinh bỉ của chúng. Dù luôn miệng rêu rao “hành động vì sự phát triển của Việt Nam” nhưng chúng lại không từ bất cứ thủ đoạn nào để phá bĩnh, gây rối, cản trở sự hợp tác của Việt Nam với các tập đoàn kinh tế nước ngoài. Tuy nhiên, những gì mà ông Tim Cook thể hiện lại như một gáo nước lạnh dội thẳng vào mặt những “con buôn dân chủ”. Thông qua các nền tảng mạng xã hội cũng như chia sẻ với truyền thông, Giám đốc Điều hành Apple cho biết, ông có chuyến thăm và làm việc tuyệt vời tại Việt Nam. Ấn tượng tốt đẹp này sẽ là nền tảng mở ra những cơ hội hợp tác hiệu quả giữa các bên.

  • Từ khóa
194503

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu