Thứ 3, 21/05/2024 01:07:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 07:40, 01/10/2021 GMT+7

Đồng minh hay đồng tiền?

Lê Đô
Thứ 6, 01/10/2021 | 07:40:56 710 lượt xem
BPO - Rạng sáng 16-9-2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng Thủ tướng Úc Scott Morrison và người đồng cấp Anh Boris Johnson đã công bố quan hệ đối tác 3 bên (AUKUS). Tổng thống Mỹ nhấn mạnh đây là những nỗ lực “sẽ giúp duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng công bố sáng kiến giúp Úc sở hữu hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân “trong thời gian sớm nhất có thể”.

Hiệp định Đối tác AUKUS giữa Mỹ, Úc và Anh nhằm giúp gắn kết Mỹ với cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu, trong đó dường như ai cũng hiểu rằng kiềm chế Trung Quốc là mục tiêu chính của hiệp định này. Thế nhưng, không phải Trung Quốc mà Pháp lại đang là nước phản ứng rất mạnh mẽ khi 3 quốc gia này liên kết lại với nhau, bởi một hợp đồng kinh tế hàng chục tỷ đô la của Pháp đã bị “cướp” trắng bởi những đồng minh thân thiết nhất.

Nhìn từ góc độ Mỹ, Pháp, Úc thì chúng ta thấy có những câu chuyện khác nhau: Pháp - nước phản ứng mạnh mẽ nhất khi bản thân là nạn nhân của thứ vũ khí mạnh nhất, đáng sợ nhất trong nền kinh tế kỹ thuật số, đó là “bom hàng”, chứ không phải bất kỳ loại bom hạt nhân nào. Một hợp đồng mua tàu ngầm được đặt hàng năm 2016, giá trị hợp đồng có báo đưa là hơn 40 tỷ USD, có báo đăng hơn 60 tỷ USD nhưng nhìn chung nó rất nhiều số 0. Để chuẩn bị cho đơn hàng này, chắc chắn phía Pháp đã rất dày công thuyết phục bạn hàng Úc, chuẩn bị từ nhân lực đến nhà xưởng để đáp ứng đơn hàng. Thế mà giờ, mọi sự phản ứng của Pháp để thể hiện trước sự “bùng” chứ biết thừa nó chẳng đem lại kết quả gì cả.

Trong khi đó, Úc - đóng vai một khách hàng thông thái. Khi bỏ cùng một số tiền, thậm chí chấp nhận nhỉnh hơn một chút để sở hữu mặt hàng tốt hơn, điều quan trọng là làm thân được với Mỹ. Vì thế, Úc đóng vai một khách hàng bị mang tiếng “bom hàng”, nhưng họ sẽ đóng vai là người hùng trong lòng nhân dân, những người đóng thuế vì từ chối nhận hàng do tìm được mặt hàng khác tốt hơn.

Còn Mỹ - một tay buôn chính hiệu, bán mọi thứ khi được giá, kể cả là đồng minh. Bởi đơn giản, đồng minh liền âm với đồng tiền nhưng khi có đồng tiền thì mới có đồng minh. Cho nên, Pháp cũng thân thiết thật đấy nhưng để giành được hợp đồng mấy chục tỷ đô la thì Mỹ vẫn chọn đồng tiền hơn đồng minh. Bởi đơn giản Mỹ thừa hiểu, Pháp đau vì mất đồng tiền nhưng không dám bỏ đồng minh với mình.

Đây không phải lần đầu Mỹ “hớt tay trên” của đồng minh. Năm 2020 cũng đã diễn ra “cuộc chiến khẩu trang” giữa Mỹ và châu Âu. Khi đại dịch Covid-19 lan rộng khắp châu Âu và Mỹ, một cuộc tranh giành thiết bị y tế như khẩu trang phòng độc và găng tay đã diễn ra, trong đó Mỹ được cho là đã chiếm đoạt đơn đặt hàng của các nước châu Âu. Ở Pháp, người ta gọi đó là “guerre des masques” hay “cuộc chiến khẩu trang”. Người đứng đầu của 2 khu vực ở Pháp đã cáo buộc rằng khách hàng Mỹ, không xác định rõ ai, đã cố tình trả cho các nhà cung cấp Trung Quốc cao gấp 3 hoặc 4 lần giá thỏa thuận để chiếm lấy các nguồn cung quan trọng. Ông Renaud Muselier, người đứng đầu khu vực Sud, trong một vài cuộc phỏng vấn đã cáo buộc rằng một đơn đặt hàng từ một khu vực Pháp đã bị phía Mỹ mua và chiếc máy bay chuẩn bị bay sang Pháp thay vào đó đã đến Mỹ. Còn ông Jean Rottner, người đứng đầu khu vực Grand Est, cũng nói với Đài phát thanh Pháp RTL rằng, đây là “một trận chiến hằng ngày để đảm bảo các đơn đặt hàng vật tư y tế”. “Thực sự là trên đường băng, người Mỹ đến, rút tiền mặt và trả gấp ba hoặc bốn lần cho các đơn đặt hàng chúng tôi đã thực hiện” - ông Rottner cho biết.

Từ đó mới thấy, mối quan hệ quốc tế của các quốc gia được coi là “tiên tiến”, “mẫu mực” và là đồng minh lâu đời của nhau nhưng chỉ giống như một mối quan hệ xã hội. Mối quan hệ mua bán quốc tế, nghe có vẻ rất chuyên nghiệp, chặt chẽ nhưng vẫn bị cướp mối làm ăn như thường và không khác gì những người bán hàng ngoài chợ tranh giành khách của nhau chỉ vì lợi nhuận.

Không phải bây giờ mà từ thế kỷ XIX, một học giả tư sản người Anh đã chỉ ra sức cám dỗ không thể cưỡng lại của lợi nhuận đối với nhà tư bản: “Lợi nhuận mà thích đáng thì tư bản trở thành can đảm, lợi nhuận mà đảm bảo được 10% thì người ta có thể đụng được tư bản ở khắp nơi, đảm bảo được 20% thì nó hăng máu lên, đảm bảo được 50% thì nó táo bạo không biết sợ là gì, đảm bảo được 100% thì nó chà đạp lên tất cả mọi luật lệ của loài người, đảm bảo được 300% thì nó chẳng từ một tội ác nào mà không dám phạm, thậm chí bị treo cổ nó cũng không sợ”. Mà Mỹ là một nước tư bản, chắc chắn Mỹ sẽ chọn đồng tiền chứ không chọn đồng minh.

Việt Nam và Mỹ đã bình thường hóa quan hệ hơn 26 năm (từ ngày 12-7-1995). Quan hệ 2 nước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, không vì vậy mà khi quan hệ với Mỹ, chúng ta mơ hồ, ảo tưởng, hy vọng về “lòng tốt” của Mỹ. Thực tế chưa bao giờ và không bao giờ Mỹ “tốt” đối với Việt Nam, nếu có chỉ là nhằm thực hiện chiến thuật trong quan hệ ngoại giao mà thôi. Biểu hiện rõ nét nhất là việc Mỹ đã nuôi dưỡng và cưu mang những đối tượng phản động gốc Việt, thường xuyên lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chống phá cách mạng Việt Nam. Do đó, chúng ta cần xây dựng bản lĩnh, tinh thần cảnh giác cách mạng, không dao động trước những diễn biến mới của tình hình thế giới, tin tưởng tuyệt đối vào chính sách ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta.                              

  • Từ khóa
130620

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu