Thứ 3, 21/05/2024 02:32:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 04:45, 29/09/2021 GMT+7

Phẩm chất “tư lệnh” thời dịch

Thảo Linh
Thứ 4, 29/09/2021 | 04:45:00 430 lượt xem
BPO - Cuối tháng 8-2021, khi xem chương trình thời sự, tôi cứ nhớ mãi hình ảnh Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, áo ướt đẫm mồ hôi đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại tỉnh Bình Dương. Khi thị sát tại khu nhà trọ Bình Quới A, phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An - là vùng đỏ có nhiều ca nhiễm Covid-19, Thủ tướng đề nghị người dân gọi điện tới số điện thoại khẩn cấp của phường yêu cầu hỗ trợ y tế để ông kiểm tra. Và ông đánh giá kết quả tốt. Nhưng khi Thủ tướng gợi ý người dân gọi tới số điện thoại khẩn cấp của phường đề nghị hỗ trợ thực phẩm thì số điện thoại này tắt máy. Sau nhiều lần gọi, tổng đài viên trả lời người dân là “khi nào cần thì hãy gọi”. Ngay lập tức, Thủ tướng yêu cầu địa phương bố trí người trực 24/24 giờ để tiếp nhận các cuộc gọi và chỉnh đốn ngay thái độ của người trực chốt.

Đáng nói là ngay sau cuộc thị sát, Thủ tướng đã có những chỉ đạo cụ thể với từng ngành, địa phương. Và ngay trong chương trình Chuyển động 24h ngày 12-9, Đài Truyền hình Việt Nam đã công bố ứng dụng SOS Map (Bản đồ cứu trợ của Việt Nam) và Zalo Connect. Với 2 ứng dụng này, những người nghèo, khó khăn sẽ nhận được sự hỗ trợ tốt hơn, những yêu thương và sự kết nối cộng đồng cũng nhờ thế khăng khít hơn. Kể từ đây, những người đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 có thể kêu gọi sự giúp đỡ của các mạnh thường quân. Rõ ràng, việc sáng tạo ra “Bản đồ cứu trợ” để phục vụ công tác chống dịch trong tầm tay của những người hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Nhưng trước cuộc thị sát của Thủ tướng, không ai nghĩ ra tấm bản đồ này. Chợt nghĩ, nếu không đi thị sát thực tế, không trực tiếp chứng kiến cảnh người dân gọi điện thoại cùng những phản hồi tích cực hoặc tiêu cực, hẳn người đứng đầu Chính phủ không thể có những chỉ đạo cụ thể, sát sao như thế. Và hẳn nhiều người khó khăn sẽ tuyệt vọng vì những cuộc điện thoại không có hồi âm!

Hình ảnh người đứng đầu Chính phủ áo đẫm mồ hôi đứng hỏi chuyện người giao hàng (shipper); thăm hỏi người dân, chủ cửa hàng bán hàng thiết yếu, kiểm tra những túi hàng cứu trợ, mở từng phần cơm phục vụ người ở tuyến đầu và người cách ly mà thấy ấm lòng và tràn đầy sự tin tưởng. Thủ tướng đã tìm hiểu chi tiết phương thức hoạt động của các shipper; cách thức trao đổi, mua bán hàng hóa của các cửa hàng; sự hiểu biết và thực hiện phòng, chống dịch của người dân... để có những chỉ đạo sát thực nhất. 

Tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo 2 tỉnh có nguy cơ cao về dịch Covid-19 là Kiên Giang và Tiền Giang, những câu hỏi ngắn, nhanh và yêu cầu đáp gọn của người đứng đầu Chính phủ đã làm rõ rất nhiều vấn đề bất cập trong công tác phòng, chống dịch ở 2 địa phương này. Người chỉ huy công tác phòng, chống dịch là phải đưa ra được mục tiêu, kế hoạch thực hiện và giải pháp kiểm soát dịch. Mục tiêu có thể chưa đạt như mong muốn, dự báo có thể chưa chính xác trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch, nhưng không thể không có. Vậy mà người đứng đầu một tỉnh không nắm được con số F0 của ngày hôm trước; người đứng đầu một phường thì phải cầm báo cáo để đọc vì trong đầu không nhớ được con số, nội dung nào. Mà đâu chỉ phải nắm con số, người lãnh đạo phải đi thực tế, đến từng bệnh viện, khu cách ly, vào nhà dân, tiếp xúc với bệnh nhân để nắm rõ diễn biến, tình hình. Không phải đi thực tế một lần mà phải thường xuyên để nắm chắc tình hình. Có như thế mới chỉ huy được công tác phòng, chống dịch. Trong lúc tình hình chống dịch ở 2 địa phương này đã trong tình trạng “lửa cháy ngang mày” mà vẫn còn những bất cập như vậy, hỏi ai không sốt ruột (!?).

Cũng nhờ thị sát, tận mắt thấy, tận tai nghe mà người đứng đầu Chính phủ biết được một điểm nóng nhất của Hà Nội về dịch như phường Thanh Xuân Trung, nhưng nhân lực thực hiện công tác chống dịch lại đang thiếu trầm trọng, thậm chí thiếu cả người chỉ huy cao nhất trong phòng, chống dịch. Dù là vùng đỏ về dịch bệnh và phường này đã có Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 nhưng lại không có quy chế làm việc; sở chỉ huy phòng, chống dịch của phường thiếu người trực chiến... Và đây là những vấn đề thành phố Hà Nội cần khắc phục ngay.

Những nhược điểm, bài học về công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở Kiên Giang, Tiền Giang, Bình Dương, phường Thanh Xuân Trung của Hà Nội đã trở thành bài học chung cho các địa phương trong cả nước. Đúng là chỉ có họp trực tuyến, kiểm tra, chất vấn tại chỗ, ngay lập tức mới bộc lộ năng lực quản lý và ứng phó của từng cán bộ, từng vị lãnh đạo. Những cuộc họp trực tuyến của Thủ tướng với một số địa phương, cán bộ, lãnh đạo từ cấp tỉnh, thành phố đến phường, xã vừa qua cho thấy rõ điều đó. Sự chỉnh đốn cung cách làm việc của những người đứng đầu từ cấp xã, phường đến cấp tỉnh một cách nghiêm khắc, trực tiếp trên sóng truyền hình cả nước theo dõi đã mang đến hiệu ứng đặc biệt. Hẳn rồi đây, những cán bộ lãnh đạo từng chủ quan, lơ mơ về tình hình địa phương, ngành mình quản lý sẽ không thể chủ quan được nữa. Bởi trên sóng truyền hình cả nước theo dõi, nếu bản thân không nắm được vấn đề để báo cáo thì không ai có thể hỗ trợ “nhắc bài”. 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo là bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”. Trong công tác phòng, chống dịch, điểm tử huyệt vẫn là con người, là năng lực của các vị “tư lệnh” ngành, lực lượng, địa phương. Tình huống kiểm tra, sát hạch của Thủ tướng ngay trên diễn đàn trực tuyến là “tiếng chuông cảnh tỉnh” để lãnh đạo ngành, địa phương bừng tỉnh, sâu sát, nắm rõ thông tin, tình hình dịch bệnh tại địa phương và phạm vi ngành mình phụ trách. Chỉ khi đó, các chỉ đạo điều hành phòng, chống dịch mới thực sự hiệu quả, hiệu lực, mới đúng và trúng mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm.  

  • Từ khóa
130519

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu