Thứ 3, 21/05/2024 02:32:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 08:22, 27/09/2021 GMT+7

Thủ đoạn mới, âm mưu cũ

Hồ Ngọc
Thứ 2, 27/09/2021 | 08:22:31 487 lượt xem
BPO - Những ngày qua, nhiều cơ quan thông tin đại chúng của các quốc gia trong khối ASEAN và trên thế giới đã kịch liệt phản đối việc Trung Quốc ban hành Luật an toàn giao thông hàng hải. Luật này của Trung Quốc chính thức có hiệu lực từ ngày 1-9-2021, trong đó Trung Quốc đặt ra một loạt yêu cầu kiểm soát các tàu bè nước ngoài đi vào “vùng lãnh hải” của nước này. Theo đó, hành vi bất hợp tác của các tàu nước ngoài có thể dẫn tới việc đối mặt với quân đội hoặc hải cảnh Trung Quốc. Đây là thủ đoạn mới của Trung Quốc nhằm thực hiện âm mưu cũ là nhắm tới mục đích hiện thực hóa các yêu sách vô lý của Trung Quốc trên các vùng biển, trong đó có biển Đông.

Báo Tuổi Trẻ điện tử ngày 31-8-2021 cho biết, theo Luật an toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc, có 5 loại tàu nước ngoài khi đi vào cái gọi là “vùng lãnh hải Trung Quốc” thì sẽ phải khai báo, gồm: Tàu ngầm, tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ, tàu chở chất độc hại như dầu hỏa, hóa chất hoặc khí hóa lỏng và các tàu khác “có thể gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải Trung Quốc”. Nội dung mà các loại tàu nêu trên phải khai báo là: Danh tính, số IMO, vị trí tàu, địa điểm và ngày giờ khởi hành, địa điểm sắp đến tiếp theo và ngày giờ dự kiến đến, số điện thoại vệ tinh, tên hàng hóa, số lượng hàng hóa cụ thể và mức độ nguy hiểm.

Cũng theo quy định trong đạo luật phi lý này, sau khi đi vào “vùng lãnh hải Trung Quốc”, nếu hệ thống nhận diện tự động (AIS) trên tàu hoạt động tốt thì không cần khai báo. Với tàu không có AIS hoặc bị hư, thủy thủ đoàn phải báo cáo danh tính, vị trí vào thời điểm báo cáo và tốc độ di chuyển mỗi 2 tiếng một lần cho nhà chức trách Trung Quốc.

Điều đáng chú ý trong Luật an toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc là những quy định nêu trên sẽ được áp dụng trong “vùng lãnh hải Trung Quốc”. Trong khi đó, Trung Quốc lại đưa ra một khái niệm hết sức mơ hồ về cái gọi là vùng lãnh hải của họ. Bởi theo ý của họ, vùng lãnh hải không hoàn toàn là vùng biển rộng 12 hải lý tiếp giáp với đường cơ sở được quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Cụ thể, theo Điều 2 của “Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp” năm 1992 của Trung Quốc, thì “vùng lãnh hải” được định nghĩa là “vùng nước nằm tiếp giáp với lãnh thổ Trung Quốc”. Và cũng theo luật này, lãnh thổ Trung Quốc bao gồm “đất liền và các đảo ngoài khơi xa, Đài Loan và các quần đảo Điếu Ngư, Bành Hồ, Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa”. Như vậy, theo cách hiểu bất chấp luật pháp quốc tế này của Trung Quốc, quy định nêu trên sẽ áp dụng với các vùng biển nằm trong yêu sách 9 đoạn, hay còn gọi là “đường lưỡi bò” mà nước này đòi hỏi vô lý trên biển Đông.

Chưa hết, trong đạo luật phi lý này của Trung Quốc còn có quy định hết sức phi lý nữa là, trong số các loại tàu nước ngoài phải khai báo có “các tàu bị xác định có thể gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải”. Đây là một quy định hết sức mơ hồ, với ý đồ thâm hiểm là ngầm cho phép Trung Quốc diễn giải kiểu nào cũng có lợi, tức là trong mọi trường hợp thì tàu nước ngoài đều có thể là đối tượng “có thể gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải”. Đã vậy, cũng trong đạo luật này, Trung Quốc còn tự cho mình cái quyền ngăn chặn và dừng lại “các tàu nước ngoài qua lại không vô hại trong lãnh hải Trung Quốc”. Nếu tàu bất tuân là tàu quân sự thì đây sẽ là một hành động “khiêu khích” và sẽ bị quân đội Trung Quốc “xua đuổi hoặc trừng phạt”. Cái thâm hiểm nằm trong quy định này là nếu các tàu dân sự nước ngoài vì lo sợ mà chấp hành khai báo, thì vô hình trung điều này sẽ trở thành bằng chứng để Trung Quốc củng cố các yêu sách chủ quyền ngang ngược trên biển, đặc biệt là ở biển Đông.

Như vậy, trong lúc cả thế giới mỏi mệt vì đại dịch Covid-19, thì Trung Quốc liên tục tung ra các chiêu trò mới với mục đích từng bước tiến tới độc chiếm biển Đông và biển Hoa Đông. Những chiêu trò đó là: ban hành “Luật an toàn giao thông hàng hải” sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1-9-2021, với những quy định gây bức xúc dư luận; “Quy tắc kỹ thuật để kiểm tra tàu biển trong các tuyến nội địa”. Theo đó, khu vực hàng hải từ Hải Nam đến Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam) là “gần bờ”, vùng biển “nội địa”, áp dụng theo “quy chế quản lý vùng ven biển” của luật Trung Quốc. Ngày 22-1-2021, Trung Quốc ban hành Luật Hải cảnh, cho phép lực lượng chấp pháp “sử dụng mọi biện pháp cần thiết”, kể cả sử dụng vũ khí nhằm vào các tàu nước ngoài, trên các vùng biển mà Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền. Như vậy, cứ khoảng 6 đến 8 tháng, Trung Quốc lại cho ra lò một chiêu trò mới là một số quy định mới, khái niệm mới… Tất cả thủ đoạn này của họ không ngoài mục đích muốn biến vùng biển, đảo không tranh chấp thành vùng tranh chấp, thuộc quyền kiểm soát của Trung Quốc.

Vì sao biết sẽ bị quốc tế phản đối, nhất là các quốc gia có chung biển với Trung Quốc nhưng họ vẫn đưa ra quy định sai trái, ngang ngược? Câu trả lời rất đơn giản là, một mũi tên của họ nhằm nhiều đích. Trước hết, ẩn sau quy định “vùng lãnh hải” là ý đồ khẳng định chủ quyền biển Đông theo “đường 9 đoạn” và chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Tiếp đó là ỷ vào sức mạnh để tạo cơ sở cho tàu hải cảnh, tàu dân quân biển hiện diện trên các vùng biển để “thực thi pháp luật” của họ. Cuối cùng là phối hợp với các hoạt động khác bất chấp pháp luật quốc tế để Trung Quốc thực hiện kiểm soát biển Đông, nói đúng hơn là độc chiếm biển Đông. Đến đây, mọi người đã hiểu rõ ý đồ đen tối của Trung Quốc là đưa ra những khái niệm “mơ hồ” một cách có chủ ý. Với họ, càng mơ hồ lại càng dễ biện minh và dễ áp dụng theo ý chủ quan của mình. Nghĩa là Trung Quốc đã và đang tự cho mình cái quyền tùy ý hành động, đem luật quốc gia áp lên luật quốc tế.

Hội nhập quốc tế là xu hướng phát triển của thời đại, của nhân loại. Hơn nữa, bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia là nguyên tắc được đặt ở vị trí đầu tiên trong số các nguyên tắc được ghi nhận tại Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc. Vì thế, ngày 1-9-2021, khi trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc chính thức thi hành Luật an toàn giao thông hàng hải sửa đổi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Các quốc gia cần tuân thủ nghiêm các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982… Việt Nam kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để thực thi, bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển của mình được xác định theo đúng quy định của UNCLOS”.

Xâu chuỗi lại các sự việc nêu trên để mọi người nhìn nhận rõ bản chất thật của chủ thể những hành vi nêu trên và từ đó bình tĩnh, chủ động đề ra giải pháp tích cực nhất. Chân lý không bao giờ thuộc về kẻ mạnh. Bởi lịch sử nhân loại đã chứng minh rằng, quốc gia hay dân tộc nào ỷ vào sức mạnh rồi bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp lẽ phải ắt sẽ bị cộng đồng quốc tế tẩy chay và thất bại cay đắng là cái giá tất yếu mà họ phải trả.                        

  • Từ khóa
130417

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu