Thứ 3, 21/05/2024 03:01:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 06:23, 23/09/2021 GMT+7

RFA - đã ngọng lại…

Nhật Minh
Thứ 5, 23/09/2021 | 06:23:00 497 lượt xem
BPO - Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam có câu tục ngữ: “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”. Đây là lời nhắn gửi của người xưa cho hậu thế hôm nay và mai sau về một bài học quý giá, đó là việc gì biết rành rẽ hãy nói, bằng không thì nên nghe để học thêm. Bởi, không chỉ ăn nhiều thì hại người và nói nhiều thì hại thân, mà đôi khi còn bị “bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra”. Tiếc rằng, thời nay tuy nhiều người biết câu tục ngữ này nhưng không phải ai cũng hiểu và làm theo. Bởi thế mới có kẻ đã “điếc lại hay ngóng, đã ngọng lại hay nói”. Và Đài Á châu tự do - RFA trong bài viết này là một minh chứng.

Ngày 16-9-2021, trên trang facebook của RFA có đăng bài viết với tựa đề “Vì sao đến bây giờ mới yêu cầu sĩ quan quân đội kê khai tài sản”?. Nội dung bài viết này có đoạn: Vì sao Luật Phòng chống tham nhũng của Việt Nam có từ năm 2005 và đã sửa đổi năm 2018. Đến năm 2020, Chính phủ còn ban hành Nghị định 130 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị... gồm cả quân đội và công an... Nhưng đến nay, Bộ Quốc phòng Việt Nam mới ra dự thảo buộc sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, viên chức quốc phòng... phải kê khai tài sản, thu nhập để phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng!? Cái thâm độc nhưng lại rất đểu giả và vô cùng xỏ lá là phía sau đoạn văn này, RFA đã đưa ra một câu hỏi hướng dư luận đến chỗ nghi ngờ rằng: Liệu có phải quân đội không thuộc nhóm phải tuân thủ Luật Phòng chống tham nhũng của Việt Nam trước đây? 

Tuy nhiên, thủ đoạn ngờ nghệch này của RFA chẳng thể lừa được ai. Bởi lẽ, trong Luật Phòng, chống tham nhũng được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 20-11-2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2019, đã quy định rõ về người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, gồm: Cán bộ, công chức; sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; Người giữ chức vụ từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp… Và theo Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam thì sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam là cán bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực quân sự, được Nhà nước phong quân hàm cấp úy, cấp tá, cấp tướng.

Theo quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam từ xưa đến nay, sau khi Quốc hội ban hành và luật có hiệu lực thì Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn thi hành. Để hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, ngày 30-10-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 130/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 20-12-2020. Hiện nay, Bộ Quốc phòng đang công bố dự thảo thông tư quy định chi tiết việc minh bạch tài sản, thu nhập và kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong quân đội để lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành ở Trung ương, địa phương và nhân dân trong cả nước (lần thứ 6). Đây là việc làm hoàn toàn phù hợp về thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ, lộ trình cũng như thời gian theo quy định của pháp luật.

Mục đích của việc ban hành thông tư để bảo đảm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đối với các cơ quan, đơn vị thuộc quyền. Đồng thời, góp phần đấu tranh, ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, xây dựng quân đội trong sạch, vững mạnh. Do đó, trong dự thảo, Bộ Quốc phòng đề xuất 2 nhóm cần kê khai lần đầu. Họ gồm: Cán bộ, nhân viên thuộc đơn vị của bộ; cán bộ, nhân viên sau khi nhận quyết định phong quân hàm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, tuyển dụng và tuyển chọn. Ba nhóm khác phải kê khai trước ngày 31-12 hằng năm, gồm: Người giữ chức vụ chỉ huy trưởng Bộ CHQS, bộ đội biên phòng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và vị trí tương đương trở lên; người giữ các chức vụ kiểm tra viên, điều tra viên, chấp hành viên, thẩm phán, kiểm toán, quản giáo...; người quản lý doanh nghiệp hoặc đại diện phần vốn do Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thuộc Bộ Quốc phòng quản lý.

Chưa hết, từ nội dung đến việc kiểm duyệt cho đăng bài viết này đã thể hiện rõ sự yếu kém đến tận cùng của tác giả và bộ máy của RFA về kiến thức pháp luật. Bằng chứng là trong bài viết nêu trên có đoạn: … Có một nghịch lý là, Việt Nam có ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng từ lâu rồi, nhưng hầu hết các vụ án lớn đưa ra xét xử hầu hết không phải tội tham nhũng. Mà chủ yếu là tội cố ý làm trái, vi phạm quy định..., còn chỉ đích danh tội tham nhũng thì không. Thí dụ gần đây nhất là vụ Thượng tướng Nguyễn Văn Hiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cũng không bị xử vì tội tham nhũng. Thế nên trong chuyện chống tham nhũng… thật sự nói một đàng làm một nẻo. Nếu nhìn vào các vụ án đã được xử thì có thể thấy kết quả gần như bằng 0, vì toàn là tội cố ý làm trái, gây thiệt hại nghiêm trọng...

Xin nhắc tác giả của bài viết nêu trên cũng như RFA rằng, trước khi muốn “lừa” người khác thì phải gắn não vào hộp sọ. Bởi xét về ngôn ngữ, “tham nhũng” là danh từ chung. Xét về pháp lý, “tham nhũng” là nhóm tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự. Loại tội danh này là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn hưởng lợi ích vật chất trái pháp luật, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, tập thể, cá nhân, xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức. Những tội danh về tham nhũng được quy định tại mục 1 Chương XXIII của Bộ luật Hình sự năm 2015 gồm 7 điều, từ Điều 353 đến Điều 359. Đó là các tội: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lạm quyền trong khi thi hành công vụ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi và giả mạo trong công tác. Ngoài ra, trong Bộ luật Hình sự còn có những quy định liên quan đến một số chính sách xử lý đặc thù đối với tội phạm tham nhũng tại phần các quy định chung của bộ luật này.

Từ phân tích nêu trên cho thấy, việc quy định cụ thể các chức danh thuộc đối tượng trong quân đội phải kê khai tài sản, thu nhập như trong dự thảo là hoàn toàn phù hợp. Vì trong Luật Phòng, chống tham nhũng hay nghị định hướng dẫn thi hành luật này của Chính phủ không thể làm thay chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành. Và điều chẳng thể không nói với RFA cũng như những kẻ có đầu óc hận thù đang sống lưu vong rằng, với 74% dân số sử dụng internet thông qua các nền tảng, ứng dụng khác nhau thì dù có mánh khóe hay gian manh hoặc xảo quyệt đến đâu cũng không thể lừa được người dân Việt Nam. Bởi lẽ, với người dân đất Việt từ bao đời nay “thà làm quỷ nước Nam” chứ không bao giờ mộng tưởng hoang đường về chuyện làm vương ở nơi khác! 

  • Từ khóa
130291

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu