Thứ 3, 21/05/2024 03:01:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 05:16, 18/08/2021 GMT+7

Họ đang xin lòng thương hại

Diệp Viên
Thứ 4, 18/08/2021 | 05:16:00 384 lượt xem
BPO - Không phải những năm gần đây mà từ nhiều thập kỷ nay, Trung Quốc đã công khai mưu đồ độc chiếm biển Đông. Để thực hiện ý đồ đen tối của mình, họ đã không từ bất cứ thủ đoạn nào. Và dã tâm bành trướng ở biển Đông của nước này càng lộ rõ trong bối cảnh thế giới hoặc các quốc gia ven biển Đông đang tập trung thực hiện sự kiện chính trị, ngoại giao hoặc văn hóa - thể thao mang tầm cỡ quốc tế. Thế vận hội Tokyo 2020 diễn ra tại Nhật Bản từ ngày 23-7 tới 8-8-2021, với khoảng 11.000 vận động viên đến từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, cũng là cơ hội để họ trổ tài xảo biện bằng việc rơi những giọt nước mắt cá sấu để xin lòng thương hại của thế giới.

Đài Truyền hình quốc gia Nhật Bản - NHK cho biết, lễ khai mạc Thế vận hội mùa hè 2020 được tổ chức rất long trọng tại sân vận động quốc gia trung tâm thủ đô Tokyo của Nhật Bản. Mặc dù không có khán giả vì đại dịch Covid-19 nhưng buổi lễ được phát sóng trực tiếp đến khán giả khắp nơi trên thế giới. Đoàn thể thao của Trung Quốc tham dự thế vận hội lần này có lực lượng khá hùng hậu, với 429 vận động viên.

Trong buổi lễ khai mạc, họ diễu hành qua khán đài trong bộ đồng phục áo đỏ, quần trắng và thể hiện rõ sự hùng mạnh đang vươn lên của cường quốc thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, sự phấn khởi, vui tươi của phái đoàn Trung Quốc với hy vọng mang nhiều huy chương về cho đất nước đột nhiên bị tan biến, rồi dần dần chuyển thành sự bất bình, phẫn nộ. Và sự thái quá của họ đã trở thành trò cười cho thế giới.

Đó là khi phái đoàn thể thao Trung Quốc diễu hành qua khán đài, trên màn hình lớn trong sân vận động chiếu hình bản đồ của Trung Quốc - hình thức giới thiệu về đất nước tham dự Olympic, nhưng không có “đường lưỡi bò” cùng với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Do lễ khai mạc được truyền hình trực tiếp nên hình ảnh không những đến với tất cả người theo dõi ở Trung Quốc mà trên cả thế giới. Ngay lập tức, phái đoàn Trung Quốc đã nổi giận và khiếu nại ban tổ chức. Tuy nhiên, phía Nhật Bản đã trả lời là việc làm của nước chủ nhà hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế, với phán quyết của PCA - Tòa trọng tài thường trực quốc tế. Theo đó, những yêu sách về lãnh thổ, lãnh hải của Trung Quốc đối với Nhật và thế giới là vô căn cứ.

Trong khi cơn giận dữ về vụ kiện của phái đoàn Trung Quốc chưa nguôi thì ngay hôm sau, khi đưa tin về Olympic Tokyo, kênh truyền hình Mỹ NBC đã sử dụng bản đồ Trung Quốc nhưng không có Đài Loan. Vì thế, giới ngoại giao nước này lại nổi đóa và tố cáo, cho rằng đây là hành vi xấu xa của NBC vi phạm tinh thần của Hiến chương Olympic. Ngay hôm sau, tức 24-7-2021, lãnh sự quán Trung Quốc tại New York (Mỹ) đã phát ngôn rằng, Trung Quốc không hài lòng với “tấm bản đồ không hoàn chỉnh” mà NBC Universal đã trình chiếu trong lễ khai mạc Thế vận hội Tokyo hôm thứ sáu, ngày 23-7-2021. Tiếp đó, lãnh sự quán này đã viết trên nền tảng Weibo và nói với hãng thông tấn Reuters của Vương quốc Anh rằng: Mô phỏng bản đồ của NBC đã không bao gồm đảo Đài Loan và khu vực “đường lưỡi bò” ở biển Đông đã làm tổn thương nhân phẩm, cảm xúc của người dân Trung Quốc. Chúng tôi kêu gọi NBC nhận ra bản chất nghiêm trọng của vấn đề này và thực hiện các biện pháp để sửa chữa “sai sót”.

Chưa hết, Trung Quốc còn phản đối sự kiện này bằng việc buộc Tencent - hãng truyền thông phụ trách phát sóng thế vận hội ở Trung Quốc, phải ngừng ngay lập tức chương trình phát sóng trực tiếp lễ khai mạc thế vận hội. Lý do là MC của Đài Truyền hình Nhật Bản giới thiệu về phái đoàn thể thao của Đài Loan với tên gọi là Đài Loan, chứ không phải là “Đài Bắc Trung Hoa”. Đây không phải lần đầu tiên việc đề cập đến Đài Loan và khu vực biển Đông khiến Trung Quốc lên tiếng phản đối. Bằng chứng là năm 2020, Trung Quốc đã phản đối Trung tâm Tài nguyên nghiên cứu vi rút corona của Đại học Johns Hopkins ở bang Maryland, Mỹ thường xuyên đăng tải các cập nhật về thống kê số ca nhiễm và ca tử vong trên toàn thế giới, đã viết là “Đài Loan” chứ không phải “Đài Bắc”. Trước đó, vào năm 2018, nhà bán lẻ quần áo Gap cũng bị Trung Quốc kịch liệt phản đối về việc bản đồ Trung Quốc in trên áo phông mà công ty đang bán ở Bắc Mỹ không bao gồm đảo Đài Loan, cũng như “đường lưỡi bò” ở biển Đông.

Từ các vụ việc dẫn chứng nêu trên cũng như những động thái của Trung Quốc trong thời gian gần đây ở biển Đông đã một lần nữa cho thấy, Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ dã tâm độc chiếm biển Đông. Hành vi bá quyền, bành trướng này của họ là nhằm mục đích biến không thành có. Họ không những cố tình phủ nhận thực tế lịch sử, mà còn công nhiên giẫm đạp lên luật pháp quốc tế. Vì trước đó, vào ngày 12-7-2016, Hội đồng Trọng tài quốc tế đã chính thức ban hành phán quyết về mọi yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông rằng: Bác bỏ “quyền lịch sử” đối với tài nguyên trong “đường 9 đoạn”; Khẳng định các cấu trúc (thực thể địa lý) thuộc Trường Sa không có hiệu lực để có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý; Các hoạt động của Trung Quốc ngăn cản Philippines thực hiện các quyền của mình trong vùng đặc quyền kinh tế, kể cả vùng biển xung quanh bãi cạn Scaborough là vi phạm UNCLOS 1982; Các hoạt động khai thác, xây đảo nhân tạo của Trung Quốc đã gây hại cho môi trường biển; Tất cả những hoạt động đó của Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm tranh chấp.

Có thể nói, chưa bao giờ Trung Quốc lại hung hăng gây hấn với các nước trong khu vực biển Đông, song ở chiều ngược lại, chưa bao giờ Trung Quốc lại bị phản ứng gay gắt, quyết liệt của các nước trong khu vực nói riêng và của cộng đồng quốc tế nói chung như thời gian vừa qua. Và càng triển khai những hoạt động phi pháp cũng như những thủ đoạn tuyên truyền biến không thành có ở biển Đông, Trung Quốc sẽ bị sa lầy ở biển Đông vì sự lãng phí nguồn lực kinh tế, uy tín chính trị. Trước tình hình đó, với chủ trương vững chắc về pháp lý, chủ động trên thực địa và đa phương hóa, đa dạng hóa các phương án ứng phó chủ động với mọi tình huống, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì thế chính nghĩa và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để khẳng định chủ quyền của mình trên biển Đông.

  • Từ khóa
128462

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu