Thứ 3, 21/05/2024 04:38:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 09:34, 15/08/2021 GMT+7

Cần đúng liều vắc xin đặc trị “virus tin giả”

Ngọc Tú
Chủ nhật, 15/08/2021 | 09:34:14 503 lượt xem

BPO - Ngày 13-8, trên một facebook cá nhân có tên Tony Paris đăng tải hình ảnh những hàng ghế bị bỏ trống ở nhiều vị trí kèm status: Sau khi quận 12 thông báo tiêm vắc xin Trung Quốc, người dân bỏ về hết. Nhưng theo Báo Người lao động, ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND quận 12, TP. Hồ Chí Minh khẳng định: Người dân bỏ về không tiêm vắc xin Trung Quốc là tin giả và yêu cầu công an vào cuộc. Ông Nguyễn Văn Đức cũng chia sẻ thêm, hôm đó, quận 12 đang tổ chức tuyên truyền, thông tin đến người dân. Người dân tự nguyện điền vào phiếu, UBND quận mới thống kê tổng hợp để tiến hành tiêm vắc xin.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp hiện nay, sẽ chẳng mấy người dân lại dại dột từ chối tấm khiên bảo vệ chính mình là vắc xin đã được Đảng, Nhà nước nỗ lực bằng nhiều con đường ngoại giao, đầu tư ngân sách mua về… mới có được. Mối đe dọa sức khỏe vì biến thể Delta lây nhiễm hiện rất nhanh, cực kỳ nguy hiểm, đồng nghĩa việc trì hoãn tiêm chủng lúc này có thể quyết định đến chính tính mạng mỗi người. Vì vậy, ai được tiêm vắc xin là vô cùng may mắn, sao lại còn yêu sách, “kén cá, chọn canh”?

Một facebook cá nhân đưa tin sai sự thật đang được công an quận 12 vào cuộc làm rõ (Nguồn Internet)

Về chất lượng vắc xin, Bộ Y tế đã khẳng định trước công luận, tất cả các loại vắc xin khi đưa vào sử dụng khẩn cấp tại Việt Nam đều phải tuân thủ quy trình thử nghiệm lâm sàng gồm 3 giai đoạn trên nguyên tắc đảm bảo được 3 yếu tố: an toàn, sinh miễn dịch và hiệu quả bảo vệ. Cho đến thời điểm hiện tại, vắc xin nói chung, Sinopharm của Trung Quốc nói riêng vẫn được đánh giá là hiệu quả trong việc phòng bệnh Covid-19, góp phần giảm thiểu thiệt hại mà dịch bệnh gây ra trên quy mô toàn cầu. Các chuyên gia cũng khẳng định Sinopharm (Trung Quốc) đã và đang phát huy hiệu quả đối với hầu hết trường hợp, đặc biệt là một mắt xích trong việc giải quyết tình trạng khan hiếm vắc xin Covid-19 trên toàn cầu. Vậy cớ gì chúng ta lại từ chối cơ may hiếm có này? Nên tỉnh táo để nhận thức được rằng, tin tưởng vào cơ quan chuyên môn, vào Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang trực tiếp lo cho dân từng ngày, từng giờ không quản đêm ngày, sức lực, tiền của… hay tin vào một vài kẻ phát ngôn vô căn cứ trên thế giới ảo mà ta không biết, không được kiểm chứng?

Đúng là thực hiện giãn cách xã hội khiến nhiều người có thêm thời gian lên mạng tìm kiếm thông tin và giải trí. Nhưng đây cũng là con dao hai lưỡi nếu rơi vào ma trận của tin giả. 

Thế giới đang bị cuốn vào cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ nhất do Covid-19 bùng phát không biên giới. Nhưng tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn vì chúng ta vừa phải gồng mình ngăn chặn virus SARS-CoV-2, vừa phải đương đầu với sức tàn phá ghê gớm của “virus tin giả” - một loại virus nguy hiểm không kém gì SARS-CoV-2. Chính thông tin vắc xin Trung Quốc không chất lượng rêu rao trên mạng xã hội thời gian gần đây đã làm gia tăng tâm lý sợ hãi và cản trở công tác phòng chống dịch; tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội. 

Người tung tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội vì nhiều mục đích khác nhau như: thu hút sự chú ý, được nổi tiếng, muốn trục lợi, quảng cáo bán hàng và cũng không ít kẻ cố ý phao tin thất thiệt, bịa đặt với dụng ý kích động, lôi kéo người dân, thậm chí là chống phá chính quyền... Đây không chỉ là hiện tượng cá biệt mà nước nào cũng phải đối mặt và rất nhiều quốc gia đã phải ban hành luật. Đơn cử tại Thái Lan, luật quy định về tin giả có thể bị phạt 100.000 baht (hơn 3.200 USD) và/hoặc phạt tù lên đến 5 năm. Malaysia cũng hình sự hóa tội tung tin giả trên mạng. Ở Indonesia, việc phát tán thông tin sai lệch có thể phải đối mặt với mức án phạt tù 6 năm. Campuchia cũng tuyên chiến với nạn tin giả với mức án 2 năm tù và bị phạt tới 1.000 USD...

Tại Việt Nam, bên cạnh Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 1-1-2019, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15-4-2020; Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20-7-2021 để xử lý vụ việc đưa tin giả trên không gian ảo. Tuy nhiên, người Việt vốn trọng tình, việc nương tay cho người vi phạm lần đầu là có, khiến nhiều kẻ “nhờn” luật… 

Trong cuộc chiến phòng, chống Covid-9 đầy cam go, thử thách thì tin giả là vấn nạn, là virus cần phải tận diệt. Luật, nghị định chế tài đã rất cụ thể; các văn bản dưới luật cũng khá chi tiết. Tại Bình Phước, để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ và tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về Covid-19 trên môi trường mạng, ngày 2-8-2021, UBND tỉnh đã ban hành Công văn khẩn số 2595/UBND-KGVX yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc các quy định về phát ngôn và tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về Covid-19... 

Để “virus tin giả” không còn hoành hành trên không gian mạng, vắc xin diệt trừ cần phải đủ liều, đồng nghĩa ngành chức năng phải kê toa vắc xin đặc trị đủ mạnh để tạo tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung. Cùng với đó, các cơ quan truyền thông cũng như ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa trong đưa những thông tin tích cực nói chung, về vắc xin nói riêng cùng những lợi ích, hiệu quả từ việc phổ quát vắc xin đem lại trong cộng đồng.

  • Từ khóa
128355

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu