Thứ 3, 21/05/2024 01:51:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 05:07, 13/08/2021 GMT+7

Chiêu trò mới, tham vọng cũ

Nhật Minh
Thứ 6, 13/08/2021 | 05:07:00 309 lượt xem
BPO - Trung Quốc vừa tự ý sửa đổi thuật ngữ để định nghĩa lại vùng biển nằm giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa thuộc Việt Nam là khu vực hàng hải “gần bờ”, thay vì “xa bờ” như trước đây. Mục đích của việc làm này nhằm củng cố cho các yêu sách về chủ quyền mà Trung Quốc đưa ra ở biển Đông. Và thủ đoạn của việc tự đặt ra quyền kiểm soát hành chính cho vùng biển này là Trung Quốc đang hướng đến âm mưu tự thiết lập một hồ sơ pháp lý để hợp pháp hóa tuyên bố chủ quyền trên biển Đông. Thế nhưng lịch sử nhân loại đã chứng minh rằng, không một dân tộc hay quốc gia nào đạt được ước muốn hoặc tham vọng của mình bằng việc chà đạp lên lẽ phải, luật pháp quốc tế và ắt sẽ phải trả giá cho sự thất bại của mình.

Với mọi người dân Việt Nam nói riêng, cộng đồng ASEAN và các quốc gia châu Á cũng như quốc tế nói chung, đây không phải là điều bất ngờ mà chỉ là một động thái mới, chiêu trò mới phục vụ tham vọng cũ của Trung Quốc ở biển Đông. Mục đích và âm mưu cuối cùng của Trung Quốc là nhằm gia tăng kiểm soát vùng biển giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa do Trung Quốc chiếm giữ bất hợp pháp của Việt Nam vào năm 1974. Nói trắng ra rằng, chiến thuật đánh tráo khái niệm này nằm trong mưu đồ độc chiếm biển Đông của Trung Quốc. Và ngay sau khi yêu sách “đường lưỡi bò” hay còn gọi là “đường 9 đoạn” chiếm tới hơn 70% diện tích biển Đông bị Tòa trọng tài thường trực (trong vụ Philippines kiện Trung Quốc) bác bỏ hồi năm 2016, Bắc Kinh bắt đầu đưa ra khái niệm “Tứ Sa”.

Theo đó, cái gọi là “Tứ Sa” của Trung Quốc bao gồm 4 nhóm đảo: Đông Sa - tên quốc tế là Pratas, nằm cách 240 hải lý về phía Tây - Nam của đảo Đài Loan), Trung Sa - nhóm bãi chìm Macclesfield, cách quần đảo Hoàng Sa 75 hải lý, Tây Sa - tức Hoàng Sa và Nam Sa - tức Trường Sa. Rồi dựa trên “Tứ Sa”, Trung Quốc đưa ra yêu sách với 2 loại vùng biển, gồm: Vùng lãnh hải lịch sử và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý bao quanh 4 nhóm đảo này. Như vậy, tham vọng của Trung Quốc là chiếm đóng toàn bộ các cấu trúc, toàn bộ vùng biển rộng lớn ở biển Đông và chiến thuật “Tứ Sa” được đưa ra nhằm củng cố mục tiêu đen tối này. Các chuyên gia về địa chính trị trong nước và quốc tế cũng đã đưa ra khuyến cáo rằng, sau khi đưa ra yêu sách vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, Trung Quốc sẽ tiếp tục yêu sách thềm lục địa từ “Tứ Sa” trong chiến lược “tằm ăn lá” của họ.

Chưa hết, thực tế nhiều năm qua đã và đang chứng minh dã tâm thâm độc của Trung Quốc. Vì những bước đi nhằm hiện thực hóa tham vọng “Tứ Sa” đã được Trung Quốc ráo riết thực hiện. Cụ thể là vào tháng 6-2012, Trung Quốc tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa để quản lý Trung Sa, Hoàng Sa và Trường Sa cùng các vùng nước phụ cận, với tổng diện tích lên tới hơn 2 triệu km2. Giới hạn cụ thể của vùng nước trực thuộc Tam Sa tuy chưa được Trung Quốc xác định rõ, nhưng nhiều khả năng họ muốn ám chỉ vùng nước bên trong cái gọi là “đường lưỡi bò”. Gần đây nhất là vào ngày 18-4-2020, Trung Quốc ngang nhiên vi phạm chủ quyền của các nước trong khu vực bằng việc Bộ Dân chính nước này thông báo Quốc Vụ viện Trung Quốc phê chuẩn thành lập cái gọi là “Khu Tây Sa” và “Khu Nam Sa” trực thuộc thành phố Tam Sa, tỉnh Hải Nam, để quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Rồi từ ngày 1 đến 5-7-2020, quân đội Trung Quốc tiến hành tập trận phi pháp tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Thủ đoạn của việc đánh tráo khái niệm “gần bờ” thay vì “xa bờ” là khiến dư luận quốc tế nhầm hiểu rằng vùng biển này là của Trung Quốc, đồng nghĩa với việc Hoàng Sa cũng là của Trung Quốc. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, Mỹ cùng các nước đồng minh và đối tác như: Pháp, Anh, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ… thường xuyên tập trận, thực hiện tự do hàng hải ở vùng biển này. Thêm vào đó, cộng đồng quốc tế đang gia tăng chỉ trích các hành vi cũng như tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông. Trong khi đó, các nước trong khu vực Đông Nam Á có sự đồng thuận cao trong việc quyết liệt phản đối lập trường của Trung Quốc đối với biển Đông và đang cùng Trung Quốc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Chính vì thế, bằng cách thay đổi thuật ngữ như nêu trên, mục đích của Trung Quốc là muốn “vẽ lại” tính pháp lý của vùng biển nhằm hạ thấp bất cứ quy định nào trong COC có thể gây bất lợi cho họ.

Trước hết cần phải khẳng định dứt khoát và rõ ràng rằng, yêu sách vùng biển mà Trung Quốc đưa ra dựa trên “Tứ Sa” là không có cơ sở pháp lý theo Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Đây là sản phẩm của âm mưu cố tình áp dụng sai phương pháp xác định đường cơ sở, xác định sai vùng đặc quyền kinh tế và yêu sách phi lý về “lãnh hải lịch sử”. Chính vì thế mà thời gian gần đây, các nước trong khu vực và trên thế giới liên tục đưa ra các tuyên bố bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông. Cụ thể là vào ngày 29-7-2020, Phái đoàn thường trực Malaysia tại LHQ đã gửi công hàm tới Tổng thư ký LHQ, trong đó khẳng định Chính phủ Malaysia bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc đối với các quyền lịch sử, quyền chủ quyền và quyền tài phán khác đối với vùng lãnh hải thuộc biển Đông được bao phủ trong phạm vi của cái gọi là “đường 9 đoạn” vì các tuyên bố này trái với UNCLOS và không có hiệu lực pháp lý khi vượt quá giới hạn địa lý và các quyền hàng hải của Trung Quốc theo quy định của UNCLOS.

Trước đó, ngày 23-7-2020, Australia cũng đã gửi công hàm lên LHQ nhấn mạnh nước này nhận thấy “không có cơ sở pháp lý” cho các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại biển Đông, bao gồm cả những yêu sách liên quan tới các công trình đảo nhân tạo trên các bãi cạn nhỏ hoặc bãi đá ngầm. Đồng thời, trong công hàm của Australia còn khẳng định không chấp nhận tuyên bố của Trung Quốc trong công hàm gửi LHQ rằng “các yêu sách chủ quyền của nước này đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được cộng đồng quốc tế công nhận”. Đặc biệt, cách đây 5 năm vào ngày 12-7-2016, Tòa trọng tài quốc tế đã ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc: Bác bỏ quyền lịch sử đối với tài nguyên trong đường 9 đoạn; Khẳng định các cấu trúc thuộc Trường Sa không có hiệu lực để có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý; Các hoạt động của Trung Quốc ngăn cản Philippines thực hiện các quyền của mình trong vùng đặc quyền kinh tế, kể cả vùng biển xung quanh bãi cạn Scaborough là vi phạm UNCLOS 1982; Các hoạt động khai thác, xây đảo nhân tạo của Trung Quốc đã gây hại cho môi trường biển; Tất cả những hoạt động đó của Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm tranh chấp.

Với lịch sử hàng ngàn năm và các cuộc chiến liên miên giành giật lãnh thổ đã hằn sâu vào tiềm thức của con người Trung Quốc, cho nên tư tưởng bành trướng, bá quyền đã thành ý thức thường trực của họ. Bằng chứng là Trung Quốc có chung đường biên giới với 14 quốc gia, nhưng trong lịch sử cũng như hiện tại, Trung Quốc đều có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải với các nước láng giềng. Và ở mỗi thời đại họ có những chiêu thức và chiến lược khác nhau nhằm thực hiện ý đồ buộc các nước lân cận phải quy thuận. Tuy nhiên, trong thời đại hội nhập ngày nay, dù là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhưng Trung Quốc không thể che được mắt, bịt được tai và miệng cả nhân loại. Vì như vậy, với cộng đồng quốc tế họ chỉ là quốc gia có “nhiều mưu, lắm mẹo” mà thôi.  Nhật Minh

  • Từ khóa
128199

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu