Thứ 3, 21/05/2024 04:38:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 05:58, 11/08/2021 GMT+7

Cái giá của sự ngông cuồng

Thanh Hải
Thứ 4, 11/08/2021 | 05:58:00 525 lượt xem
BPO - Ngày 20-7-2021, Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt bị cáo Trần Hoàng Minh, sinh năm 1990, thường trú tại số 39, ngõ 145 Quan Nhân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội mức án 5 năm tù về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại khoản 2, Điều 331 Bộ luật Hình sự. Đây là cái giá phải trả cho sự ngông cuồng đến mức điên rồ của kẻ lớn tiếng kêu gọi giết thẩm phán xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội.

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội, Minh vốn là kẻ không nghề nghiệp ổn định nhưng lại lười lao động, thích ăn chơi và sống rày đây mai đó. Từ lối sống vô tổ chức, vô kỷ luật ấy đã dần nảy sinh trong y tư tưởng đua đòi, ganh tỵ và đích đến của sự ích kỷ cá nhân đã đưa y đến chỗ vị kỷ, bất mãn với mọi người, với cả xã hội. Để có chỗ thể hiện cái tôi của mình, từ tháng 8-2009, Minh đã tạo lập và sử dụng tài khoản Facebook có tên là “Trần Hoàng Minh”. Đến tháng 10-2018, Minh lại tiếp tục tạo lập nhóm Facebook có tài khoản “Chủ nghĩa xã hội không có gương mặt con người”, để tự mình thực hiện rồi đăng tải, sẻ chia những bài viết nói lên quan điểm cá nhân của y đối với những vấn đề đang “nóng” trong xã hội mà mọi người quan tâm.

Chẳng những không biết đâu là điểm dừng, ngược lại Minh còn cảm thấy như thế là chưa đủ, nên thời gian gần đây, Minh thường chủ động tìm các trang mạng xã hội để đọc và sao chép những bài viết có nội dung bôi nhọ, xúc phạm lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Giám đốc Công an TP. Hà Nội. Đặc biệt là những thông tin, bài viết có liên quan đến vụ án “Chống người thi hành công vụ” và “Giết người” xảy ra ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội vào ngày 9-1-2020. Sau đó, y sử dụng tài khoản mạng xã hội Facebook “Trần Hoàng Minh” để soạn thảo, hoặc sao chép các bài viết có nội dung xấu để đăng lên Facebook này và nhóm Facebook “Chủ nghĩa xã hội không có gương mặt con người”. Mục đích của y là nhằm tăng tương tác trên mạng xã hội Facebook để nhiều người biết đến y là kẻ bất mãn với chế độ.

Trong quá trình điều tra, Cơ quan An ninh Công an TP. Hà Nội đã trưng cầu Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hà Nội giám định 51 bài viết được đăng tải trên Facebook “Trần Hoàng Minh” và nhóm Facebook “Chủ nghĩa xã hội không có gương mặt con người”. Và sau khi y đăng tải 51 bài viết trên lên Facebook, đã có 64 tài khoản mạng xã hội Facebook khác tham gia bình luận tại các bài viết này, 1.451 lượt thể hiện cảm xúc, 173 lượt bình luận và 132 lượt chia sẻ. Theo kết luận giám định của Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hà Nội, các bài viết do y đăng tải trên Facebook “Trần Hoàng Minh” và nhóm Facebook “Chủ nghĩa xã hội không có gương mặt con người” có nội dung đả kích, lăng mạ, bôi nhọ, nói xấu, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật, làm ảnh hưởng đến uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật, tạo tâm lý hoang mang, lo lắng trong xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự. 

Nguy hiểm hơn nữa, trong các ngày 6 và 7-9-2020, y đã viết và đăng tải trên trang Facebook cá nhân “Trần Hoàng Minh” và nhóm Facebook khác do y làm quản trị nhóm các bài có tiêu đề: “Hung thủ giết cụ Kình”, “Trung khủng bố”… Đặc biệt, một trong những bài viết này, y còn kêu gọi người dân thuộc xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội hãy “đứng lên” giết chết vị thẩm phán là Trương Việt Toàn, chủ tọa phiên tòa xét xử sơ thẩm các đối tượng trong vụ án “Giết người”, “Chống người thi hành công vụ” xảy ra ngày 9-1-2020 tại xã Đồng Tâm. Chưa hết, y còn trực tiếp đăng tải nhiều status - dòng trạng thái, comment (bình luận), share (chia sẻ) và trực tiếp viết những bài có nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Hành vi này của y đã phạm vào tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự. 

Khi bị bắt giữ, tại Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội, Trần Hoàng Minh đã thành khẩn khai nhận tất cả thông tin, bài viết được đăng trên Facebook “Trần Hoàng Minh” và nhóm Facebook “Chủ nghĩa xã hội không có gương mặt con người” là do y thực hiện. Đồng thời, y đã thú nhận việc làm của mình là vi phạm pháp luật. Do đó, ngày 10-9-2020, y đã viết “đơn xin đầu thú”. Và cơ quan chức năng xác định hành vi của Trần Hoàng Minh đã xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của tổ chức, cá nhân và trực tiếp xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính của Nhà nước, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội...

Theo thông tin của Báo Hà Nội mới điện tử, tại phiên tòa, bị cáo đã thừa nhận hành vi vi phạm như nội dung cáo trạng đã truy tố và bày tỏ sự ăn năn, hối cải về hành vi của mình. Hội đồng xét xử cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ do khai báo thành khẩn. Tuy nhiên, mức án mà Minh phải gánh chịu là 5 năm tù và 3 năm quản thúc sau khi thi hành xong án phạt. Đây là cái giá mà Minh phải trả cho hành vi ngông cuồng của mình, nhưng nó cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với những ai đã hoặc đang có ý đi “ngược đường”. Nhân đây xin nói rõ rằng, dù ở bất kỳ quốc gia, thể chế chính trị nào đi nữa, các quyền cơ bản của công dân, trong đó có quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận không hề bị chối bỏ. Tuy nhiên, mọi quyền lợi đều phải gắn liền với nghĩa vụ và đặt trong những giới hạn, khuôn khổ phù hợp để bảo đảm rằng việc thực hiện quyền của người này không làm ảnh hưởng, xâm phạm đến quyền, lợi ích chính đáng của người khác và quốc gia.

Cũng cần phải khẳng định rằng, Điều 331 Bộ luật Hình sự là hoàn toàn phù hợp với “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966”. Điều luật này ban hành nhằm thực hiện quyền tự do của công dân trong khuôn khổ pháp luật cho phép, tránh những kẻ lợi dụng ý nghĩa của việc “tự do” để thực hiện ý đồ đen tối, gây ảnh hưởng tới an ninh xã hội. Giả sử trong Bộ luật Hình sự không có quy định như Điều 331 theo ý nguyện các nhà tự xưng là “tự do dân chủ” thì xã hội sẽ không thể tồn tại được. Bởi khi đó và ở đó, ai muốn nói hay viết gì thì cứ tùy thích, thậm chí có thể nói nhăng nói cuội, hay vu khống, hoặc bịa đặt điều này, việc kia với bất cứ ai cũng được… thì thử hỏi đó có còn là một quốc gia có chính thể và chủ quyền hay không? 

  • Từ khóa
128075

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu