Thứ 3, 21/05/2024 02:32:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 05:46, 10/08/2021 GMT+7

Cảnh giác trước trò “tâm lý chiến”

Thảo Linh
Thứ 3, 10/08/2021 | 05:46:00 304 lượt xem
BPO - Từ khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hàng ngàn gia đình, người lao động ở các địa phương đang sinh sống, làm việc tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương… đã trở về quê tránh dịch để giảm bớt khó khăn khi không có việc làm. Lợi dụng điều này, nhiều kẻ đã lập các nhóm kín trên Facebook, Zalo... lấy danh nghĩa “hỗ trợ” người dân về quê để lôi kéo tụ tập thành từng đoàn xe 300-400 người, gây sức ép cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm dịch. Một số trường hợp không được giải quyết qua chốt vì yêu cầu chống dịch, những kẻ chủ mưu đã kích động đám đông gây mất an ninh trật tự, chống người thi hành công vụ.

Trên những trang mạng chống phá công khai như: BBC, STBS, VOA, RFA, RFI, Việt Tân… liên tục sử dụng hình ảnh từng đoàn người rồng rắn chở nhau trên xe gắn máy rời Sài Gòn; hình ảnh những nhóm gia đình thổi cơm ăn trên những vạt đất trống; những người mệt mỏi nằm lăn bên vệ đường để nghỉ; cảnh em bé mới vài ngày tuổi cũng phải đường trường cùng cha mẹ về quê… kèm những bài viết xuyên tạc, kích động nhằm làm tình hình thêm rối.  

Ngày 25-7, trang BBC tiếng Việt đăng bài “Chính quyền chậm trễ, dân tự chạy xe máy về quê tránh dịch”. Bài viết có đoạn: Trong khi chính quyền đang “họp bàn” thì người dân tự tìm lối thoát cho mình... Nhiều người đặt câu hỏi về năng lực và vai trò của chính quyền! Ngày 1-8 cũng trang này đưa tin: Quốc lộ 1A oằn lưng gánh dòng người chạy dịch về quê, chỉ trích chính quyền các tỉnh, thành “bỏ rơi” người dân của mình trong hoạn nạn… Các trang mạng chống cộng còn sử dụng hình ảnh những người không chấp hành quy định chống dịch, chống người thi hành công vụ như cụ ông ở quận Tây Hồ (Hà Nội) dùng mũ cối tấn công cảnh sát làm nhiệm vụ; hình ảnh người phụ nữ chở con nhỏ không chấp hành yêu cầu khai báo y tế và xưng “mày, tao” với lực lượng làm nhiệm vụ… rồi xuyên tạc thành những bài viết méo mó để kích động người dân chống đối chính quyền và lực lượng phòng, chống dịch.

Cũng hình ảnh cụ ông dùng mũ cối tấn công cảnh sát làm nhiệm vụ, “nhà dân chủ” Bùi Thanh Hiếu xuyên tạc rằng: sở dĩ cụ ông này cả gan tấn công cảnh sát là bởi trong các cuộc tiếp xúc cử tri, cụ hay được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay! Thật quá quắt! Kẻ chống phá với tài khoản facebook “Người buôn gió” này quả thật không từ một thủ đoạn nào. Âm mưu, thủ đoạn của những kẻ phản động, chống phá như Bùi Thanh Hiếu cùng các trang mạng chống cộng là nhằm phá hoại công tác phòng, chống dịch bệnh, khơi thêm mâu thuẫn, tạo xung đột, điểm nóng để nhen nhóm việc biểu tình, bạo loạn, lật đổ chính quyền.

Cũng với giọng điệu chống phá, ngày 29-7, trang Việt Tân có bài: Hôm nay Hà Nội lâm vào cảnh thiếu đói. Bài viết kể về hai anh em một tuần lang thang xin ăn và được người viết “mở lòng” nấu cho mấy gói mì ngồi ăn ngay trước cửa nhà. Trước hết cần khẳng định: Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng không có tình trạng người dân thiếu đói đến độ “một tuần không có gì ăn”. Quan điểm của Chính phủ Việt Nam là không để ai bị bỏ lại phía sau giữa đại dịch. Bài viết cho biết hai anh em đã một tuần lang thang xin ăn cũng phi lý, bởi Hà Nội đang giãn cách theo Chỉ thị 16, không thể xảy ra chuyện người đi lang thang xin ăn cả tuần! Hơn nữa, bức ảnh kèm theo bài viết là cảnh chủ nhà nấu mì cho hai anh em ăn tại vỉa hè trước nhà càng phi lý. Vì đang giãn cách, chỉ cần ngồi trước nhà đã bị lực lượng chức năng nhắc nhở rồi. Tóm lại, tất cả dữ kiện mà trang Việt Tân đưa ra trong bài viết đều là xuyên tạc, nhưng quá vụng về, kiểu “ăn vụng không biết chùi mép”!

Trước đó có rất nhiều hình ảnh, clip, đoạn ghi âm xuyên tạc tình hình tại tâm dịch TP. Hồ Chí Minh, như hình ảnh người chết nằm la liệt trong một căn phòng; những đoạn ghi âm “kêu cứu” của người dương tính với Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh nhưng không có cơ quan nào cứu giúp… cũng ít nhiều gây hoang mang cho những người thiếu thông tin và hay tò mò đọc “tin rác”. Có thể khẳng định: Việt Nam là một trong những nước công khai hằng ngày những ca dương tính với Covid-19 để truy vết các trường hợp F1, F2…

Chính vì thế, chúng ta mới giữ được thế ổn định qua 3 đợt bùng phát dịch. Đợt thứ tư này, biến thể Delta không chỉ khiến Việt Nam lúng túng mà nhiều nước có tiềm lực hùng mạnh về y tế và kinh tế còn khốn đốn hơn đất nước hình chữ S gấp trăm lần. Bởi thế, hơn lúc nào hết, càng khó khăn càng cần sự đoàn kết, tin tưởng vào các cơ quan chức năng, chấp hành nghiêm những quy định về phòng chống dịch, không tham gia tụ tập đông người dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh, không nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu gây rối an ninh trật tự, chống người thi hành công vụ. Việc vi phạm quy định giãn cách xã hội vừa mang nguy cơ lây bệnh, vừa bị xử phạt, truy cứu trách nhiệm hình sự. Khi đó chỉ làm lợi cho những kẻ “đâm bị thóc, chọc bị gạo” như Việt Tân cùng những tổ chức, cá nhân chống cộng về một “viễn cảnh Việt Nam tan hoang, loạn lạc” mà thôi!

Những tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội về dịch bệnh, về ứng phó của chính quyền và ngành y tế trước dịch bệnh là một dạng “tâm lý chiến” nguy hiểm. Các thế lực thù địch và những đối tượng xấu coi đây là thứ vũ khí lợi hại để gây nhiễu loạn an ninh xã hội. Việc xuất hiện, lan truyền các tin giả có thể tác động đến tâm lý, đời sống cộng đồng, dễ dẫn đến người dân lo sợ thái quá, hoảng hốt, phản ứng dây chuyền, nguy cơ gây mất kiểm soát, ảnh hưởng đến hoạt động của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Những thông tin sai sự thật cũng có thể khiến người dân lơ là, chủ quan với tình hình dịch bệnh dẫn đến hậu quả nặng nề, trước hết là cho chính mình và người thân trong gia đình. Vì thế, cần chọn lọc thông tin từ các nguồn chính thống để đảm bảo việc phòng, chống dịch được thực hiện tốt. Ngoài nỗ lực của cơ quan chức năng thì sự chung sức, đồng lòng của người dân trong việc lên án những hành vi sai phạm và không chia sẻ thông tin xấu, độc đã góp phần tích cực vào công tác phòng, chống dịch.

  • Từ khóa
128006

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu