Thứ 3, 21/05/2024 03:34:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 05:55, 17/08/2021 GMT+7

Tỉnh táo với mạng xã hội

Quang Thạch
Thứ 3, 17/08/2021 | 05:55:00 389 lượt xem
BPO - Hiện nay, mạng xã hội (MXH) đang trở thành công cụ truyền thông, giải trí được nhiều người sử dụng. Bên cạnh những tiện ích vượt trội, MXH nảy sinh không ít vấn đề, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Không ai có thể nói chính xác khi nào đại dịch này hết, nhưng để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, nhiều tỉnh, thành phố đã phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có Bình Phước. Song, cũng vào thời điểm này, một số cá nhân đã lợi dụng MXH để đưa thông tin sai lệch, gây hoang mang dư luận, làm xấu hình ảnh của đất nước đang được thế giới ghi nhận trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Ngày nay, MXH đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống hiện đại của mỗi người dân. Thế nhưng tự do ngôn luận, tự do bày tỏ chính kiến trên trang cá nhân cũng phải song hành với trách nhiệm của mỗi công dân trong việc đăng tải, chia sẻ thông tin, phù hợp với các quy định của luật pháp hiện hành. Lướt qua các trang MXH, chúng ta thấy rất nhiều hình ảnh đẹp, nhiều tấm gương bình dị mà cao quý đã không tiếc công sức, tiền, vật chất hỗ trợ, giúp đỡ địa phương, chính quyền và người dân giải quyết những khó khăn trong dịch bệnh.

Đó là những hình ảnh về các y, bác sĩ trong bộ đồ bảo hộ đang nỗ lực cứu chữa bệnh nhân; hình ảnh cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an hay các cấp chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội cùng với nhân dân đang ngày đêm căng mình đảm bảo lương thực, thực phẩm chăm lo nhân dân trong vùng cách ly và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… Hay hình ảnh một cụ già lom khom ôm vài quả bí đến quyên góp gửi vào vùng dịch; những đứa trẻ sẵn sàng đập heo đất tích cóp từ tiền ăn sáng của cha mẹ cho để hỗ trợ các chốt kiểm dịch, mua vắc xin phòng Covid-19… thì ai cũng thấy ấm lòng. Những hình ảnh đẹp đó ngày càng lan tỏa với mong muốn được đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình cùng với đất nước sớm đẩy lùi dịch bệnh, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế.

Thế nhưng ở đâu đó lại có một số thành phần cá biệt, sống ích kỷ, vô tâm trước những công sức của người khác đang lo cho sự bình yên của chính họ và gia đình họ. Đó là những “con sâu làm rầu nồi canh”. Họ chỉ vì ham muốn và lợi ích nhỏ nhoi của bản thân mà sẵn sàng đạp đổ công sức của bao người dày công xây dựng. Cũng chỉ vì thèm một ly trà sữa, một miếng chả… mà họ cố tình vượt qua chốt kiểm dịch. Lại có trường hợp ra ngoài không cần thiết và bị cán bộ chốt kiểm soát không cho qua, họ đã dùng những lời lẽ lăng mạ, hù dọa, thậm chí dùng cả vũ lực đe dọa, thực hiện những hành vi phản cảm.

Những con người này chỉ vì bản tính ích kỷ của mình mà không nhìn thấy sự hy sinh thầm lặng và cống hiến của bao người. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, trong khi họ được quây quần bên vợ con, được ở trong phòng máy lạnh thì ở nơi biên giới, những cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, biên phòng phải sống trong những lán trại tạm bợ để ngăn chặn dịch bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào nội địa. Rồi những cán bộ, chiến sĩ bộ đội, dân quân, công an phải vất vả ngày đêm rong ruổi khắp các cung đường để truy vết F1, F2 và đảm bảo an ninh trật tự xã hội. Khi là bệnh nhân hoặc ca nghi nhiễm Covid-19, phải cách ly để tránh lây lan ra cộng đồng thì lại nghiễm nhiên cho mình cái quyền bắt “người khác phải phục vụ”. Chưa hết, khi cách ly ở nơi không có wifi thì “chửi”, đưa cơm trễ “chửi”, nhà vệ sinh quá đông cũng “chửi”... Họ đâu hiểu rằng đây chỉ là nơi ở tạm, được Nhà nước trưng dụng từ hội trường, phòng học hay nhà sinh hoạt cộng đồng để làm khu cách ly thì thiếu thốn là lẽ đương nhiên.

Vậy đó, khi nhu cầu cá nhân không được đáp ứng thỏa đáng thì họ vội vàng lên Facebook, Zalo để bày tỏ bức xúc của mình. Đúng là họ chưa bao giờ đặt mình vào cương vị người khác để cảm thông, chia sẻ trước những gian khổ, vất vả mà nhiều người đang phải hy sinh. Họ chỉ sống cho cảm xúc của riêng mình. Họ có biết rằng, những cán bộ, chiến sĩ, các y, bác sĩ… cũng có gia đình, vợ, con, cha, mẹ và từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, các anh, các chị đã phải tạm gác lại hậu phương để đằng đẵng 3, 4 tháng chưa một lần về thăm nhà. Thậm chí có trường hợp người thân trong gia đình mất, không về chịu tang được, các anh, các chị phải nén đau thương, nuốt giọt nước mắt vào trong để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.

Dẫu biết rằng những suy nghĩ lệch lạc, những phát ngôn thiển cận, những hành động thiếu chuẩn mực của một số thành phần cá biệt sẽ bị pháp luật xử lý và chịu sự phán xét của xã hội. Nhưng thật nguy hại hơn là từ những phát ngôn, hành động của những cá nhân này lại trở thành “miếng mồi ngon” cho các đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị, phản động. Chúng lợi dụng để suy diễn, tạo góc nhìn sai lệch, định hướng dư luận theo chiều hướng xấu, để bôi nhọ, đả kích chế độ, làm cho một số người thiếu chiều sâu hiểu biết mà a dua, phủ nhận giá trị, thành quả, công sức của Đảng, Nhà nước, các lực lượng vũ trang cùng nhân dân đang nỗ lực chăm lo cho nhân dân trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19.

MXH đang bị một số phần tử xấu lợi dụng để đả kích, nói xấu, bôi nhọ lẫn nhau; các thế lực thù địch và đối tượng phản động lại cố tình bóp méo, xuyên tạc, đưa ra những quan điểm sai trái, đi ngược với quyền lợi và mong muốn của mỗi người dân Việt Nam. Chính vì vậy, trong mỗi chúng ta khi ứng xử trên MXH cần có thái độ tôn trọng người khác, biết quan tâm, lắng nghe, chia sẻ và cảm thông. Đồng thời, suy nghĩ kỹ về những gì nói và đăng trên mạng, có trách nhiệm với lời nói, hành vi của mình; tìm hiểu kỹ các nguồn thông tin để kiểm chứng, không nên vội vàng đưa ra những nhận xét, bình luận không đúng.    

  • Từ khóa
128408

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu