Thứ 6, 10/05/2024 16:18:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 07:52, 29/05/2021 GMT+7

“Có tai như điếc…”

Nhật Minh
Thứ 7, 29/05/2021 | 07:52:00 350 lượt xem
BPO - Ngày 5-1-2021, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa công khai xét xử đối với 3 bị cáo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, theo Điều 117 Bộ luật Hình sự. Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ và quá trình thẩm vấn tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Phạm Chí Dũng 15 năm tù, phạt các bị cáo Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn 11 năm tù. Ngoài hình phạt tù, các bị cáo còn bị phạt quản chế 3 năm, đồng thời tịch thu toàn bộ số tiền liên quan đến việc phạm tội của các bị cáo.

Chỉ 3 ngày sau khi kết thúc phiên tòa, tức là vào ngày 8-1-2021, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (viết tắt là OHCHR) đã phát đi cái gọi là thông cáo báo chí, trong đó có nội dung bày tỏ quan ngại về việc Việt Nam sử dụng “luật được định nghĩa mơ hồ” để bắt giữ tùy tiện ngày càng nhiều nhà báo, blogger và những người bảo vệ nhân quyền. Chưa hết, OHCHR còn đưa ra nhận định hết sức mơ hồ rằng, đây dường như là một phần của một “sự kìm hãm ngày càng tăng đối với quyền tự do ngôn luận” ở Việt Nam. Rồi vẫn với cái giọng vừa bịt tai, lại nhắm mắt để nói mò, OHCHR đã quy chụp rằng, “cả ba người này đều bị giam giữ kéo dài trước khi xét xử và mặc dù được Chính phủ đảm bảo đúng pháp luật đúng quy trình, nhưng vẫn có những lo ngại nghiêm trọng về việc liệu quyền của họ đối với một phiên tòa công bằng có được tôn trọng đầy đủ hay không”.

Đã vậy, bà Shamdasani, người phát ngôn của OHCHR đã bày tỏ “lo ngại” rằng, “những cá nhân cố gắng hợp tác với các cơ quan nhân quyền của LHQ bị đe dọa và trả thù. Điều này có khả năng ngăn cản những người khác chia sẻ thông tin về các vấn đề nhân quyền với Liên hợp quốc… Chúng tôi tiếp tục nêu ra những trường hợp này với Chính phủ Việt Nam, nhiều lần kêu gọi họ ngừng sử dụng các cáo buộc hình sự nghiêm trọng như vậy đối với các cá nhân thực hiện các quyền cơ bản của họ, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận - và trả tự do vô điều kiện cho tất cả những người bị giam giữ trong những trường hợp như vậy”. Phụ họa với OHCHR, Tổ chức theo dõi nhân quyền có tên viết tắt là HRW đã trắng trợn bịa đặt rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam tham gia vào “một cuộc đàn áp không có giới hạn đối với những người bất đồng chính kiến và bằng chứng là ba nhà báo chỉ bày tỏ quan điểm chỉ trích mà chính phủ không muốn nghe, nhưng đủ để tống họ vào tù nhiều năm vì tội danh không có thật”.

Cáo trạng công khai tại phiên tòa cho biết, từ năm 2014, Dũng, Thụy và Tuấn thường xuyên tiếp xúc các đối tượng, tổ chức có tư tưởng bất mãn về chính trị trong và ngoài nước. Từ đó, Dũng nảy sinh tư tưởng bất mãn với chính quyền nên đã khởi xướng thành lập cái gọi là “Hội nhà báo độc lập Việt Nam”. Sau khi tự lập hội, Dũng giữ vai trò “chủ tịch hội”, Thụy làm “phó chủ tịch”. Cơ cấu tổ chức của hội này gồm “văn phòng hội”, “ban sự kiện và đào tạo”, “ban truyền thông”, “ban cải cách thể chế”, “ban quan hệ quốc tế”, “chi hội miền Bắc” (do Thụy phụ trách), “chi hội miền Trung”, “chi hội miền Nam” và “chi hội hải ngoại”. Dũng chỉ đạo Đoàn Thị Phương Thảo (đang ở nước ngoài) tạo lập trang web và blog “Việt Nam Thời Báo” do Dũng trực tiếp quản trị và nhận, duyệt đăng thông tin, bài viết của mình, của hội viên và của các cộng tác viên.

Đồng thời, Dũng chỉ đạo Tuấn cùng với Đoàn Thị Phương Thảo quản lý kỹ thuật và thực hiện việc đăng tải các thông tin, bài viết sau khi được Dũng duyệt. Để tăng lượng truy cập trang web, blog nêu trên, Dũng chỉ đạo lập và sử dụng các tài khoản mạng xã hội Facebook, Twitter, YouTube... đặt cùng tên là “Việt Nam Thời Báo” và các tài khoản Facebook cá nhân để quảng bá nội dung, thông tin bài viết của “Hội nhà báo độc lập Việt Nam”.

Tính từ ngày 4-7-2014 đến 21-11-2019, trang web và blog “Việt Nam Thời Báo” đã đăng tải hơn 23.500 bài viết. Trong đó, Dũng viết và đăng tải khoảng 1.530 tin, bài; Thụy viết và đăng 245 tin, bài và Tuấn 534 tin, bài. Kết quả giám định của cơ quan chức năng xác định có 25 bài viết của Dũng, 5 bài viết của Thụy và 6 bài viết của Tuấn có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, bịa đặt, xâm phạm uy tín của Đảng, Nhà nước. Qua những bài viết nêu trên, Dũng nhận được 477 triệu đồng của “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” cùng tiền thù lao nhuận bút 75.886,59 USD, 1.118,13 GBP (bảng Anh) và 4.725.753 VND. Thụy nhận tiền nhuận bút tổng 180 triệu đồng và Tuấn nhận được số tiền nhuận bút 423 triệu đồng.

Những hành vi chống phá của các bị cáo nêu trên là đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội. Nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Hành vi này đã tiếp tay cho các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, chia rẽ mất đoàn kết trong nội bộ Đảng, Nhà nước với nhân dân. Như vậy, cả OHCHR và HRW tuy được gọi là tổ chức nhân quyền nhưng lại không hề vì nhân quyền, thậm chí họ còn không hiểu gì về nhân quyền được quy định bởi các điều luật quốc tế. Chẳng những vậy, họ cố tình đảo ngược các thiết chế nhân quyền quốc tế bằng việc trắng trợn vi phạm quyền tự quyết dân tộc của nhân dân Việt Nam. Trước hết, xin nhắc lại để cả OHCHR và HRW nhớ rằng, Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền và dân tộc này có đầy đủ quyền năng được quy định bởi các công ước quốc tế, trong đó có quyền định đoạt những công việc thuộc về vận mệnh của dân tộc mình. Vì vậy, OHCHR và HRW không có tư cách gì để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Cụ thể là trong tuyên bố năm 1970, về các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế đã khẳng định: “Việc thiết lập một nhà nước độc lập có chủ quyền hay tự do gia nhập vào nhà nước độc lập khác hoặc liên kết với quốc gia đó cũng như việc thiết lập bất cứ chế độ chính trị nào do nhân dân tự do quyết định là các hình thức thể hiện quyền dân tộc tự quyết”. Nguyên tắc dân tộc tự quyết bao hàm các nội dung sau: Được thành lập quốc gia độc lập hay cùng với các dân tộc khác thành lập quốc gia liên bang (hoặc đơn nhất) trên cơ sở tự nguyện; Tự lựa chọn cho mình chế độ chính trị, kinh tế - xã hội; Tự giải quyết các vấn đề đối nội không có sự can thiệp từ bên ngoài;… Tự lựa chọn con đường phát triển phù hợp với truyền thống, lịch sử văn hóa, tín ngưỡng, điều kiện địa lý.

Luật pháp quốc tế quy định rõ ràng và cụ thể là vậy, nhưng vì “có tai như điếc, có mắt như mù” nên OHCHR và HRW đã không thấy được những hành vi coi thường phép nước, xúc phạm Đảng, xúc phạm nhân dân của Dũng và đồng bọn. Xin nhắc lại để OHCHR và HRW được rõ là trên thế giới này không có thứ tự do nào được nằm ngoài pháp luật; không có thứ tự do nào mà không bị ràng buộc bởi nguyên tắc, những quy định pháp lý; càng không thể có thứ tự do muốn làm gì thì làm…                    

  • Từ khóa
124123

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu