Thứ 2, 24/06/2024 19:31:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

An ninh Bình Phước 09:27, 11/06/2024 GMT+7

Cảnh giác tội phạm công nghệ cao

Minh Chính
Thứ 3, 11/06/2024 | 09:27:18 1,902 lượt xem
BPO - Dù phương thức, thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao đã được cảnh báo rất nhiều trên các kênh báo chí truyền thông chính thống, các trang thông tin điện tử của cơ quan công an và phát tờ rơi, tuyên truyền lưu động… nhưng các vụ lừa đảo vẫn xảy ra, người mất ít vài chục triệu đồng, nhiều thì vài trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng. Vậy nguyên nhân tại sao?

Bài 1
HÁM LỢI, NHIỀU NẠN NHÂN “DÍNH BẪY”

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bình Phước cho biết, thời gian qua, tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua internet, mạng viễn thông diễn ra với các phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, lợi dụng tâm lý cả tin, hám lợi của nạn nhân để phạm tội.

Liên tiếp xảy ra các vụ lừa đảo

Từ đầu năm đến nay, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh liên tiếp nhận đơn tố giác hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của tội phạm sử dụng công nghệ cao. Điển hình là các thủ đoạn: Lừa đảo tình cảm sau đó dẫn dụ đầu tư tài chính, làm nhiệm vụ online hoặc gửi tiền, quà có giá trị; lừa đảo đầu tư các sàn chứng khoán, tiền ảo, đa cấp; lừa đảo qua hình thức tuyển cộng tác viên cho các sàn thương mại điện tử, việc nhẹ lương cao; giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án, văn phòng luật sư… gọi điện thoại đe dọa yêu cầu chuyển tiền hoặc chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội sau đó giả mạo người thân, quen nhắn tin, gọi điện vay tiền; mạo danh nhân viên các tổ chức phi chính phủ, Liên hợp quốc… để kết bạn làm quen sau đó lừa đảo chiếm đoạt tiền; lừa đảo chuẩn hóa thông tin cá nhân (thuê bao di động, VNeID, tài khoản ngân hàng…) để yêu cầu truy cập hoặc cài đặt ứng dụng chứa các bộ mã độc có chức năng theo dõi hoạt động của thiết bị, thu thập thông tin tài khoản ngân hàng, mật khẩu đăng nhập và cho phép đối tượng truy cập trái phép vào thiết bị từ xa để chiếm đoạt tài sản...

Các trang mạng xã hội quảng cáo lấy lại được tiền bị tội phạm sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt nhưng thực chất là lừa đảo

Người dân đến cơ quan công an trình báo vụ việc bị tội phạm sử dụng công nghệ cao liên tiếp lừa đảo

Đặc biệt, hiện nay các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng còn lập ra các website, Facebook, Zalo…, thậm chí là những trang web giả mạo cơ quan, tổ chức để tiếp cận nạn nhân (bị chính các đối tượng lừa đảo bằng công nghệ cao trước đó) với lời đề nghị sẽ lấy lại được tiền bị lừa đảo, song phải trả phí. Đa phần các nạn nhân bị tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo thường e ngại, không đến cơ quan công an trình báo, tâm lý muốn nhanh chóng lấy lại tiền đã mất nên tìm cách lấy lại tiền thông qua các trang mạng, trang web để rồi tiếp tục bị các đối tượng lừa đảo lần thứ hai.  

Tâm lý cả tin, hám lợi 

Hầu hết các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng hiện nay diễn ra với cùng kịch bản, đó là các đối tượng tội phạm lợi dụng tâm lý nhẹ dạ cả tin, sự chủ quan, thiếu cảnh giác, thiếu thông tin kiểm chứng, thậm chí là sự hám lợi của bị hại để lừa đảo chiếm đoạt tiền, tài sản. Mặc dù các hình thức, thủ đoạn lừa đảo không mới và đã được cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo, nhưng nhiều người vẫn dễ dàng trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng… Điển hình như trường hợp anh H.V.N, trú thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú, Giám đốc Công ty in ấn T.T.T, bị đối tượng sử dụng số điện thoại “rác” giả mạo một trường học trên địa bàn tỉnh, liên hệ để đặt in pa-nô quảng cáo… sau đó nhờ mua giúp giường tầng, nệm rồi chiếm đoạt tài sản. Anh N cho biết, đối tượng nhờ mua giường tầng và nệm phải đúng mẫu, sau đó chủ động cung cấp số điện thoại của nơi bán và nói anh liên hệ đặt rồi bán lại cho trường với giá cao hơn. Để tạo tin tưởng, đối tượng gửi tin nhắn qua Zalo với nội dung kèm hình ảnh chụp màn hình giao dịch đã chuyển vào số tài khoản của anh N 150 triệu đồng tiền cọc. Lát sau, chỗ làm giường tầng liên tục gọi điện thoại hối thúc anh N đặt cọc để giao hàng. Mất cảnh giác, cả tin và hám lợi nên anh N đã “dính bẫy” đối tượng và mất 90 triệu đồng.

Hoặc mới đây nhất, nhiều trường hợp người dân bị các đối tượng giả danh là bác sĩ của Liên hợp quốc, nhân viên Chính phủ Mỹ, nhân viên gìn giữ hòa bình… kết bạn làm quen. Sau đó, nói sẽ gửi tiền để đầu tư mua bất động sản, kinh doanh buôn bán… Thời gian sau, sẽ có đối tượng mạo danh là nhân viên hải quan, an ninh sân bay nói có một kiện hàng được gửi từ nước ngoài về phải đóng thuế. Sau đó lại thông báo trong kiện hàng có nhiều USD nên phải đóng phí làm giấy xác nhận thuộc quyền sở hữu và giấy bảo hiểm lô hàng, nếu không an ninh Việt Nam sẽ tịch thu. Với kịch bản như vậy, đối tượng yêu cầu nạn nhân phải gửi tiền. Do mất cảnh giác, cả tin và hám lợi, các nạn nhân đã chuyển tiền theo yêu cầu, có người mất hàng tỷ đồng.

Hình ảnh thùng tiền và giấy biên nhận gửi hàng do đối tượng giả danh nhân viên Chính phủ Mỹ gửi cho nạn nhân H.T.T

Bà H.T.T đến cơ quan công an trình báo vụ việc đối tượng giả danh nhân viên Chính phủ Mỹ lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Hiện nay, các đối tượng sử dụng thủ đoạn mà nhiều người thường “dính bẫy” đó là tham gia làm “việc nhẹ lương cao” được quảng cáo trên mạng xã hội. Những công việc này đều có đặc điểm chung là khá dễ dàng kiếm tiền, ai cũng có thể làm được như: chụp các mã chứng khoán gửi cho đối tượng hoặc vào các trang Facebook, TikTok để like những video theo yêu cầu, sẽ được 10.000 đồng cho một lượt thực hiện... Tuy nhiên, sau đó đối tượng yêu cầu người chơi phải tiếp tục đóng tiền mua các gói thực hiện nhiệm vụ cao hơn với lợi nhuận nhiều hơn từ 30-40% tiền gốc. Đánh trúng tâm lý hám lợi, đầu tư ít lợi nhuận cao, nạn nhân sẽ đầu tư với mong muốn kiếm được nhiều tiền. Khi nạn nhân đóng tiền mua thêm các gói việc làm cao hơn sẽ bị đưa ra nhiều lý do để không cho rút tiền gốc và lãi, sau đó sẽ chặn tin nhắn, không truy cập vào được app... và mất trắng tiền đầu tư.

Thượng tá Bùi Bá Dũng, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh cho biết, tội phạm sử dụng công nghệ cao thường xuyên nắm bắt các xu hướng, sự kiện, hoạt động mang tính thời sự, đánh vào tâm lý của nạn nhân để lừa đảo. Ngoài những thủ đoạn quen thuộc như: Giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án hoặc kết bạn qua mạng xã hội để hứa hẹn tặng quà, lừa chuyển tiền..., hiện nay xuất hiện chiêu thức lừa cài đặt ứng dụng định danh điện tử VNeID, giả mạo trang web tổ chức trại hè để lừa tiền nạn nhân. Ngoài ra, nhiều người dân, đặc biệt là người già, trẻ vị thành niên… còn hạn chế về khả năng nhận diện các dấu hiệu, hành vi lừa đảo và cách thức tấn công mạng, do đó, tội phạm sử dụng công nghệ cao thường nhắm đến các đối tượng này để lừa đảo. Người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, cẩn trọng trong các giao dịch để tránh “mất cả chì lẫn chài”.

  • Từ khóa
198524

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu