Thứ 6, 28/06/2024 17:46:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

An ninh Bình Phước 09:38, 24/06/2024 GMT+7

Cảnh báo tội phạm liên quan hoạt động xuất nhập cảnh

Minh Chính
Thứ 2, 24/06/2024 | 09:38:46 603 lượt xem
BPO - Thời gian gần đây, các đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ cao dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để chiếm đoạt tài sản của người dân. Lĩnh vực xuất nhập cảnh cũng không ngoại lệ. Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an đã cảnh báo các thủ đoạn như: Làm giả giấy tờ xuất cảnh đi lao động, mạo danh cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân; thông qua các khóa “tu học” dành cho nhà tu hành Phật giáo để tổ chức cho công dân Việt Nam trốn ra nước ngoài lao động trái phép…

MẠO DANH CÁN BỘ QUẢN LÝ XUẤT NHẬP CẢNH

Các đối tượng lừa đảo thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook, Telegram,...  tìm kiếm và chủ động liên hệ với người có nhu cầu xuất cảnh để tiếp cận, hướng dẫn thực hiện các thủ tục nộp hồ sơ làm hộ chiếu, xin visa. Người có nhu cầu xuất cảnh chỉ cần gửi ảnh chân dung và căn cước công dân để làm thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông. Sau một thời gian, các đối tượng gửi ảnh chụp hộ chiếu giả mạo cho nạn nhân thông qua tài khoản mạng xã hội (hình ảnh hộ chiếu giả mạo được đối tượng sử dụng phần mềm cắt ghép, chỉnh sửa thông tin để phù hợp thông tin cá nhân của nạn nhân)… và thông báo đã hoàn tất thủ tục cấp hộ chiếu.

Cán bộ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh hướng dẫn người dân đăng ký hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu

Tiếp đó, các đối tượng sẽ sử dụng sim điện thoại không chính chủ, các ứng dụng như messenger của Facebook... liên lạc với nạn nhân và thông báo chi phí xuất cảnh, yêu cầu nộp trước một khoản tiền vào tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp. Sau khi nạn nhân chuyển tiền, đối tượng xác nhận nhận được tiền và hứa hẹn sẽ giúp đỡ để nạn nhân nợ phần tiền còn lại, sẽ trả sau khi ra nước ngoài làm việc. Để tiếp tục tạo lòng tin, đối tượng lừa đảo chỉnh sửa và gửi visa giả mạo, thông báo đã được cấp visa để nhập cảnh.

Đồng thời, đối tượng thông báo thời gian xuất cảnh và yêu cầu nạn nhân có mặt tại sân bay để nhận giấy tờ và làm thủ tục xuất cảnh. Khi tạo được lòng tin với nạn nhân, đối tượng giả mạo Cục Quản lý xuất nhập cảnh gửi “Văn bản xác minh, chứng minh thu nhập, tài chính” và yêu cầu nạn nhân chuyển 50 triệu đồng vào tài khoản giả mạo Cục Quản lý xuất nhập cảnh để chứng minh tài chính và sẽ hoàn trả sau 30-40 phút. Khi hướng dẫn công dân nộp tiền, đối tượng mạo danh cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh sẽ liên tục gọi điện thoại thúc giục nộp tiền vào tài khoản để hoàn thiện hồ sơ và khi chiếm đoạt được tiền, đối tượng sẽ chặn tin nhắn, cuộc gọi, cắt đứt mọi liên lạc với nạn nhân.

NGƯỜI DÂN ĐỀ CAO CẢNH GIÁC

Nắm bắt nhu cầu có nhiều người dân muốn ra nước ngoài làm việc, các đối tượng lợi dụng khóa “tu học” dành cho nhà tu hành Phật giáo để tổ chức cho công dân Việt Nam trốn sang nước ngoài lao động trái phép. Để thực hiện thủ đoạn này, đối tượng tiếp cận những người có nhu cầu đi nước ngoài lao động; sau đó, yêu cầu người lao động giả mạo là nhà sư. Đối tượng sẽ liên hệ với các cơ sở tôn giáo tại nước ngoài xin thư mời sang tham gia các hoạt động Phật giáo để xin thị thực theo diện du lịch.

Để làm hộ chiếu cho người có nhu cầu đi nước ngoài lao động, các đối tượng chỉnh sửa ảnh chân dung trên căn cước công dân của người lao động thành chân dung dưới dạng người tu hành Phật giáo (cạo tóc, mặc áo tu hành) và điền thông tin nghề nghiệp là “nhà sư”, khai nộp hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an. Để tránh sự phát hiện, truy vết của cơ quan chức năng, nhóm đối tượng này phân công và phối hợp rất chặt chẽ, tinh vi như sử dụng Facebook và sim điện thoại không chính chủ để liên lạc với nạn nhân; làm giả giấy tờ, hồ sơ là nhà tu hành Phật giáo đang tu tại các chùa để có được thư mời của tổ chức Phật giáo ở nước ngoài; hướng dẫn cách thức đối phó với cơ quan cấp thị thực nước ngoài trong quá trình phỏng vấn, đến tổ chức xuất cảnh và sắp xếp công việc tại nước ngoài… được các đối tượng thực hiện bài bản.

Để chủ động phòng ngừa trước thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến lĩnh vực xuất nhập cảnh và lợi dụng các khóa “tu học” để tổ chức cho công dân Việt Nam trốn ra nước ngoài lao động trái phép, Công an tỉnh Bình Phước khuyến cáo công dân nâng cao nhận thức và chấp hành các quy định pháp luật về xuất nhập cảnh. Có tinh thần cảnh giác, nắm và nhận diện những phương thức, thủ đoạn này để không trở thành nạn nhân của các đối tượng phạm tội.

Khi có nhu cầu xuất cảnh, người dân cần liên hệ cơ quan chức năng có thẩm quyền, các công ty du lịch, xuất khẩu lao động uy tín có giấy phép lữ hành quốc tế, đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài để được tư vấn, hướng dẫn về thủ tục; không cung cấp thông tin, hình ảnh cá nhân cho các dịch vụ, “cò dịch vụ” làm hộ chiếu phổ thông, visa... trên các trang mạng xã hội; không nghe và làm theo các đối tượng môi giới, tổ chức để được xuất cảnh.

Trường hợp phát hiện các đối tượng lừa đảo thông qua làm giả giấy tờ xuất cảnh có phương thức, thủ đoạn, dấu hiệu hoạt động như nêu trên cần nhanh chóng báo cơ quan công an nơi gần nhất để kịp thời điều tra, xử lý theo quy định.

  • Từ khóa
199684

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu