Thứ 6, 26/04/2024 08:14:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:30, 25/12/2019 GMT+7

Đừng để “gậy ông đập lưng ông”

Lâm Phương
Thứ 4, 25/12/2019 | 09:30:00 342 lượt xem
BP - Hiện giá thịt heo thành phẩm lên đỉnh điểm với 190 ngàn đồng/kg, khiến thị trường lên “cơn sốt”. Giá thịt heo tăng, người chăn nuôi phấn khởi, nhưng kéo giá các mặt hàng, dịch vụ ăn uống khác cũng tăng theo khiến người tiêu dùng e dè, sức mua giảm. Không chỉ thịt heo mà các loại thực phẩm khác cũng “rủ nhau” tăng giá dù chưa vào mùa cao điểm mua sắm cuối năm.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến giá thịt heo tăng phi mã, nhưng cốt lõi vẫn ở những yếu tố, như: Trong bữa ăn hằng ngày của người Việt Nam, thịt heo giữ vai trò chủ đạo; thị trường vùng biên giới của Trung Quốc với nước ta có giá thịt heo trên 300 ngàn đồng/kg nên rất hút hàng... Mặt khác, bị thiệt hại do dịch tả heo châu Phi hầu hết là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, trong khi nguồn heo cung cấp ra thị trường chủ yếu của các công ty lớn, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Từ đó cho thấy, thị trường thịt heo đã và đang xuất hiện tình trạng găm hàng với động cơ trục lợi.

Ngay như ở Bình Phước - tỉnh có thế mạnh về chăn nuôi, cũng không phải là không có tình trạng này. Minh chứng là toàn tỉnh có tổng đàn heo gần 884 ngàn con, trong đó chăn nuôi heo nông hộ chỉ 10.810 hộ, với hơn 123.900 con, còn lại là chăn nuôi bán công nghiệp, chăn nuôi áp dụng công nghệ cao. Kể từ ngày xuất hiện ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên đến nay, cũng chỉ chăn nuôi nông hộ bị ảnh hưởng, nhưng giá thịt heo hơi vẫn tăng chóng mặt.

Trước thực trạng nêu trên, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố thực hiện các giải pháp ổn định cung, cầu mặt hàng thịt heo. Ngành nông nghiệp theo dõi sát hoạt động chăn nuôi, đánh giá chính xác năng lực tái đàn để cung ứng ra thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng gây tăng giá đột biến vào dịp cuối năm... Tuy nhiên, dự báo giá thịt heo sẽ tiếp tục tăng vào những ngày gần tết. Điều này không chỉ khiến người tiêu dùng lo lắng mà cả người kinh doanh thịt heo cũng trong cảnh “đứng ngồi không yên”.

Trong chuyến kiểm tra thực tế về tình hình chăn nuôi tại Bắc Giang ngày 22-12 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, sau khi dịch bệnh giảm xuống mức có thể kiểm soát được, công tác tái đàn đang được đẩy mạnh. Các doanh nghiệp lớn, trang trại quy mô gia đình đều coi trọng và đảm bảo nghiêm ngặt chăn nuôi an toàn sinh học... Tuy nhiên, bộ trưởng cũng lưu ý, các công ty chăn nuôi lớn đang giữ được nhiều heo cần làm hạt nhân, dẫn dắt thị trường theo hướng tích cực, không được để giá tăng quá cao. Nếu không sẽ “gậy ông đập lưng ông”, vì người tiêu dùng sẽ quay lưng, các doanh nghiệp khi đó khó mà chống đỡ ngay trên sân nhà. Theo bộ trưởng, nếu găm hàng, chịu hậu quả trước tiên là người nuôi vì heo quá lứa đúng vào lúc thị trường quay lưng với thịt heo giá cao thì chắc chắn sẽ lỗ.

Để đảm bảo nguồn thực phẩm dịp cuối năm, ngành nông nghiệp cần quan tâm đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, không chỉ về heo mà với tất cả loại gia cầm, thủy sản, gia súc... Lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn tình trạng xuất nhập lậu thịt heo, giúp ổn định thị trường trong nước, hạn chế nguy cơ lây lan dịch, nhất là không để tình trạng trục lợi, găm hàng với thịt heo. Các doanh nghiệp hạt nhân cung cấp thực phẩm bình ổn thị trường cần cung cấp thông tin đầy đủ về nguồn cung, giá cả để người sản xuất, người tiêu dùng biết, tránh hiện tượng găm hàng, thổi giá cao bất thường...

  • Từ khóa
109253

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu