Thứ 6, 26/04/2024 07:59:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:16, 03/04/2019 GMT+7

Thách thức trong đào tạo nghề

Thứ 4, 03/04/2019 | 09:16:00 202 lượt xem

Theo dự báo của Liên hiệp quốc, trong vòng 10-20 năm tới, có khoảng 75% việc làm hiện hữu sẽ biến mất và xuất hiện những ngành nghề mới gắn chặt với công nghệ thông tin. Trong khi đó tại Việt Nam, con số mà Tổng cục Thống kê và Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương công bố vào cuối năm 2018 cho thấy, cả nước có 55,1 triệu lao động trong độ tuổi, nhưng có tới 43 triệu lao động (chiếm 78%) hoàn toàn chưa qua lớp đào tạo kỹ năng nghề nào. Thực trạng đó đặt ra cho công tác đào tạo nghề phải có những giải pháp căn bản, với tầm nhìn xa mới có thể đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

BP - Những năm qua, mặc dù Nhà nước đã đầu tư khá nhiều tiền của cho các chương trình như dạy nghề cho lao động nông thôn, thanh niên... nhưng hiệu quả đạt được chưa cao. Nguyên do là đào tạo còn mang nặng tính hình thức, chưa gắn ngành nghề với đời sống thực tế. Số lao động được đào tạo chưa mang lại lợi ích cụ thể vì ngành nghề không phù hợp, không sát thực tế. Ngay cả đối với ngành nghề nông nghiệp, tuy học viên đã biết vận dụng kiến thức nhưng sử dụng kiến thức đó để mở rộng quy mô, phát triển các mô hình kinh tế lớn thì còn lúng túng. Nhiều người cho rằng, nước ta không thiếu giáo viên dạy nghề giỏi, không thiếu trường nghề tốt và không thiếu học sinh có năng khiếu, cần cù, sáng tạo; nhưng trên thực tế lại đang rất thiếu người đi học nghề. Cùng với đó, mối liên hệ giữa cơ sở dạy nghề, học viên và doanh nghiệp còn lỏng lẻo, ít phát huy tác dụng nên chưa thu hút được lao động có tay nghề cao.

Tỉnh Bình Phước hiện có hơn 10 cơ sở dạy nghề. Ngoài các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên ở cấp tỉnh, cấp huyện thì nhiều ngành khác cũng trực tiếp, hoặc liên kết cùng thực hiện chức năng đào tạo nghề. Ở tỉnh có nhiều trường và trung tâm nên số học viên tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp cấp huyện rất ít, thậm chí có nơi không có người học. Chính vì vậy, sau thời gian hoạt động không hiệu quả, nhiều cơ sở đào tạo nghề phải đóng cửa, giải thể. Thực trạng này gây sự lãng phí trong đầu tư cơ sở vật chất ở các huyện, thị xã. Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện công tác đào tạo nghề của tỉnh Bình Phước chỉ đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp và dịch vụ công nghiệp nhỏ lẻ trên địa bàn. Những bất cập trong việc đào tạo nghề sẽ tạo nên sự mất cân đối lớn trong cơ cấu của nguồn nhân lực và là rào cản trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng công nghiệp của tỉnh.

Từ thực tế đó, UBND tỉnh đang triển khai chương trình tuyên truyền “Nâng cao nhận thức trong nhân dân về vai trò vị trí của hoạt động dạy nghề, học nghề đến 2020”. Chương trình này được giao cho ngành chức năng, đặc biệt là các cơ quan truyền thông đại chúng triển khai nhằm thay đổi quan niệm về dạy nghề, học nghề, giúp các gia đình tiết kiệm thời gian, tiền bạc và tránh sự đầu tư lãng phí. Song song đó, tỉnh cũng đang có kế hoạch đầu tư nâng cấp hệ thống các trường dạy nghề, thay đổi cơ cấu ngành nghề đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp; nâng cao chất lượng đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, những dự báo về ngành nghề cho tương lai công nghệ 4.0 vẫn chưa được nghiên cứu một cách khoa học, nhất là khoảng 10 năm nữa khi mà 75% việc làm hiện nay “biến mất”. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành các chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho hiện tại và cả tương lai gần.

Hà Thanh

  • Từ khóa
109079

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu