Thứ 6, 26/04/2024 16:26:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:57, 19/02/2019 GMT+7

Nghịch lý mùa tiêu

Thứ 3, 19/02/2019 | 09:57:00 150 lượt xem
BP - Khan hiếm nhân công thu hoạch là bài toán nan giải của người trồng tiêu đang phải đối diện. Bình Phước có 17.178 ha, là vựa hồ tiêu lớn nhất cả nước cả về diện tích và sản lượng, cũng đang trong vòng xoáy của bài toán nan giải ấy. Trong vòng xoáy là bởi người trồng tiêu không chỉ đang phải tìm đáp án cho một ẩn số nhân công, mà còn nhiều ẩn số khác và đã kéo dài trong nhiều năm chưa có đáp án.

Trong 7 năm qua, giá bán hạt tiêu của nông dân Việt Nam cũng như giá trên thị trường thế giới không ngừng giảm, từ đỉnh điểm 220 ngàn đồng/kg năm 2012, hạ dần, hạ dần, đến vụ thu hoạch năm 2017 chỉ còn chưa tới 60 ngàn đồng/kg - thấp hơn giá thành sản xuất, và hiện dao động quanh mốc 50 ngàn đồng/kg. Điều đó có nghĩa càng trồng nhiều, sản lượng càng lớn sẽ càng lỗ. Chưa hết, những năm gần đây, bệnh chết nhanh chết chậm cũng tàn phá các vựa tiêu trên diện rộng, có những thôn, xã tan hoang gần như phải bỏ vườn, thiệt hại từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/ha...

Thế nhưng ngược với xu hướng lao dốc của giá bán hay dịch bệnh tàn phá, đó là diện tích trồng hồ tiêu không ngừng tăng. Tháng 12-2018, cả nước đã đạt 152.000 ha trong khi quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn 2030 chỉ ở mức 50.000 ha, riêng diện tích của Bình Phước năm 2018 cũng tăng 726 ha so với năm 2017. Không những vậy, giá công hái hồ tiêu cũng tăng hằng năm nhưng vẫn thiếu người để thuê. Tại Bình Phước, vụ thu hoạch 2018, giá công hái tiêu quanh mức 150 ngàn đồng/ngày, hiện 180-200 ngàn đồng/ngày nhưng vẫn khó kiếm.

Tất cả số liệu đó cho thấy một điều khó hiểu của ngành hồ tiêu, đặc biệt khi Việt Nam năm 2017 chiếm 55% sản lượng, 60% thị phần xuất khẩu toàn cầu và đã 17 năm qua xuất khẩu lớn nhất, giữ vai trò dẫn dắt thị trường hồ tiêu thế giới. Dường như ngành hồ tiêu của nước ta đang “tự đánh vào chân mình”. Để giữ được vị trí số 1 và dẫn dắt thị trường thế giới, ngành hồ tiêu Việt Nam đã chọn phương án giữ bằng được danh tiếng “số 1” ấy và có thể đặt lợi ích cho một bộ phận doanh nghiệp xuất khẩu lên trên, trong khi hàng vạn gia đình trồng tiêu thì giảm lãi, dần dần thua lỗ, thậm chí hàng trăm gia đình phá sản, hàng ngàn người lao đao. Những người “trúng” tiêu, giàu lên vì hồ tiêu ngày càng hiếm, trong khi người khốn đốn vì hồ tiêu ngày một nhiều.

Nhìn tổng thể, đó rõ ràng là một chiến lược “lợi bất cập hại” của ngành hồ tiêu khi chỉ số ít doanh nghiệp có thể giàu lên, còn số đông nông dân trồng tiêu thua thiệt. Đáng nói hơn, doanh nghiệp lớn nhất ngành hồ tiêu lại là những doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Việt Nam hoặc làm lợi cho doanh nghiệp đối tác nước ngoài, làm lợi cho những nhà nhập khẩu hồ tiêu của Việt Nam khi chính chúng ta nắm quyền chi phối nhưng đã “cung” vượt quá “cầu” của họ.

Tăng diện tích, tăng sản lượng, không chỉ tăng chi phí đầu tư, hao tốn đất đai, mà nhu cầu nhân công cũng sẽ tăng, giá thuê sẽ cao hơn, đặc biệt khi hồ tiêu chỉ thu hoạch trong ít ngày, để quá hạn sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng, sản lượng sản phẩm và cả cây hồ tiêu cho vụ sau. Điều đó dẫn tới một sự thua thiệt nữa là lãng phí tài nguyên, nguồn lực của đất nước...

Có quá nhiều sự thua thiệt, bất lợi, nghịch lý trong ngành hồ tiêu. Và những nghịch lý ấy không khó nhìn thấy. Đáng tiếc rằng, ngành hồ tiêu nước ta và những người có trách nhiệm, những người có sứ mệnh dẫn dắt nông dân đã không nhìn nhận, hoặc bất lực không tìm ra được lời giải, hoặc vì một lợi ích nào đó mà cố tình làm ngơ trước thực trạng này.

Trần Phương

  • Từ khóa
109050

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu